07/09/2016 10:16 GMT+7

Những tấm lòng cộng hưởng

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Ngày 9-9 tới đây, chương trình “Tiếp sức đến trường” 2016 sẽ cụ thể hóa bằng lễ trao học bổng đầu tiên dành cho tân sinh viên khó khăn tại tỉnh Quảng Trị.

Chị Đỗ Kim Liên (người trao quà trong một lần đi từ thiện cùng báo Tuổi Trẻ) là mạnh thường quân bất ngờ ủng hộ tám suất học bổng “Tiếp sức đến trường” lần này - Ảnh: L.Đ.D.

Đến lúc này, số học bổng được trao tại Quảng Trị mà chúng tôi ước lượng là khoảng 183 suất. Chữ “khoảng” là một câu chuyện mà năm nào “Tiếp sức đến trường” cũng bỏ ngỏ đến tận lễ trao, vì những tấm lòng cộng hưởng cùng chúng tôi vẫn tăng theo từng ngày.

Như năm nay dù đã gút xong số lượng 150 tân sinh viên, nhưng nhìn gần 200 hồ sơ của các em khác còn nằm đó, chúng tôi, những người thực hiện việc rà soát, xác minh và lựa chọn, thấy lòng mình thắt lại. Vì trong số hồ sơ ấy, hoàn cảnh các tân sinh viên đều cơ cực, hơn kém nhau “tám lạng và nửa cân”.

Sau sự cố môi trường biển, hồ sơ các tân sinh viên quê biển lại tăng lên rất nhiều. Sổ hộ nghèo có từ năm trước không thể cập nhật kịp những dòng thư: cha làm nghề đi biển, nay thất nghiệp ở nhà là cả một nỗi đoạn trường không riêng gì chuyện học phí.

Và như nhiều năm trước, tôi lại gõ cánh cửa đầu tiên: anh Lê Quốc Phong, tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, chủ nhiệm CLB Nghĩa tình Quảng Trị. Tôi biết để có khoản tiền 1 tỉ 50 triệu đồng (150 suất) trong bối cảnh kinh tế như hiện nay đã là quá lớn.

“Thêm 20 suất được không anh?”. Lặng đi một lúc, anh Phong quả quyết: “Tôi sẽ báo với chị Chính (là thủ quỹ của CLB)”. Hôm qua mới biết thêm trong 20 suất anh Phong quyết định bổ sung ấy, anh đã “cầu cứu” năm suất từ anh Trương Quang Hương - một doanh nhân quê Quảng Trị, thành viên CLB.

Con số 170 suất được chốt nhưng không dừng lại đó. Lê Minh Hiếu - tức Hiếu “cà rem” - một trong số những nhân vật đầu tiên khởi động chương trình học bổng này từ năm 2003 - cùng với nhóm anh em cựu sinh viên trong ban liên lạc “Tiếp sức đến trường Quảng Trị” góp thêm 7 triệu đồng để có thêm suất thứ 171.

Nguyễn Thanh Lập, nhân vật của bài báo “Hai lần đậu đại học nhưng cổng trường vẫn xa” cùng vợ xin góp thêm một suất học bổng nữa. Một bạn đọc thân thiết của Tuổi Trẻ tại Quảng Trị, anh Đặng San - giám đốc Co.opMart Đông Hà - góp một suất.

Kiến trúc sư Bùi Đức Huy, người đã đồng hành từ thiện cùng Tuổi Trẻ trong chương trình “Xây nhà tránh lũ”, nhắn “gia đình anh ủng hộ một suất”. Một số bạn bè khác biết về chương trình cũng “góp gió” - người nửa suất, người 1-2 triệu đồng.

Nhưng bất ngờ hơn cả khi chị Đỗ Kim Liên - lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi, một mạnh thường quân thường đồng hành với chúng tôi trong nhiều chương trình từ thiện - đã quyết định gửi ủng hộ 50 triệu đồng.

Khi biết số tiền này sẽ được bảy suất nhưng lại “thừa” ra 1 triệu đồng, chị Liên quyết định gửi thêm 6 triệu đồng cho đủ tám suất!

Bao nhiêu nữa mới đủ? Đó là một câu hỏi khó, bởi nếu bạn về những làng quê, tài sản của họ là vài ang lúa, về với vùng biển nhìn những chiếc thuyền nan gác mái lặng im, bạn sẽ biết 7 triệu đồng với họ là cả một gia tài rất lớn.

Thêm mỗi suất học bổng, thêm một niềm hi vọng được mở ra, nhưng đọc hồ sơ của các tân sinh viên chúng tôi vẫn thấy nghẹn đắng khi kèm theo hồ sơ xin học bổng còn là bệnh án của cha, đơn thuốc của mẹ và những cuốn sổ vay nợ ngân hàng của gia đình từ nhiều năm nay...

Với thông điệp “Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ”, chúng tôi làm tất cả những gì có thể để thắp lên một hi vọng cho tương lai của những bạn trẻ. Và rất may mắn khi chúng tôi không đơn độc mà còn đó nhiều tấm lòng cộng hưởng và chia sẻ.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên