01/10/2016 07:48 GMT+7

Nhùng nhằng chuyện chôn lấp rác

GIÁNG HƯƠNG 
- Q.KHẢI - L.PHAN
GIÁNG HƯƠNG 
- Q.KHẢI - L.PHAN

TTO - Cho đến nay, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư khu xử lý rác Đa Phước - được giao xử lý phần lớn lượng rác sinh hoạt của TP nhưng cũng dẫn đầu về tỉ lệ chôn lấp thay vì tái chế.

Phần lớn rác ở TP.HCM được chôn lấp thay vì tái chế là do doanh nghiệp cho rằng rác chưa được phân loại từ nguồn. Trong ảnh: một nhóm người đang phân loại rác ở công viên Hòa Bình, đường Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Phần lớn rác ở TP.HCM được chôn lấp thay vì tái chế là do doanh nghiệp cho rằng rác chưa được phân loại từ nguồn. Trong ảnh: một nhóm người đang phân loại rác ở công viên Hòa Bình, đường Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Cụ thể, mỗi ngày VWS tiếp nhận 5.400 tấn rác từ 16/24 quận huyện (trong tổng số hơn 7.000 tấn rác thải của TP) và đều đem chôn.

VWS chỉ chôn và lấp

Giá xử lý rác ở đây tính đến tháng 10-2015 là 20,166 USD/tấn, tăng 3% mỗi năm kể từ năm 2007, từ mức khởi điểm 16,4 USD/tấn.

Dự án xử lý rác sinh hoạt do VWS làm chủ đầu tư được Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp phép tháng 12-2005.

Mục tiêu và phạm vi kinh doanh của dự án được xác định là xây dựng và điều hành khu liên hợp xử lý chất thải rắn gồm: một bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh công suất 2.500 - 3.000 tấn/ngày; một nhà máy chế biến compost công suất 100 tấn/ngày, một nhà máy phân loại tái chế công suất 500 tấn/ngày; một bến thủy nội địa và vành đai xanh cách ly.

Tuy nhiên, sau hơn tám năm đi vào hoạt động, như kết luận của thường vụ Thành ủy TP.HCM và lãnh đạo UBND TP: “thực tế hiện nay chỉ chôn lấp”, trong khi đó giá xử lý rác nói trên đã bao gồm cả chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ, đồng thời cấp phép đầu tư ngay từ đầu không chỉ có chôn lấp mà bao gồm cả việc sử dụng rác để chế biến compost, phân loại tái chế rác.

Mới đây nhất, ngày 30-9-2016, để thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo TP, UBND TP đã yêu cầu các cơ quan chức năng TP làm việc với VWS để xác định rõ việc vận hành hệ thống phân loại, tái chế chất thải, nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung các giải pháp đầu tư công nghệ tiên tiến theo hướng tái sinh năng lượng, giảm chất thải chôn lấp.

Như vậy, quan điểm và chỉ đạo của lãnh đạo TP đã rõ, phải có giải pháp sử dụng công nghệ mới để hạn chế chôn lấp rác; đồng thời xem xét lại giá xử lý rác 16,4 USD/tấn (giá khởi điểm) đã bao hàm cả chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ.

Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Củ Chi của Công ty Tâm Sinh Nghĩa có hệ thống phân loại rác - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Củ Chi của Công ty Tâm Sinh Nghĩa có hệ thống phân loại rác - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

 

Phân loại rác tại nguồn khó khăn

Một trong những lý do quan trọng gây ra sự nhùng nhằng trong chuyện chôn lấp rác là do phân loại rác tại nguồn gặp khó khăn.

Theo ông Lê Văn Đực - giám đốc HTX vệ sinh môi trường Thống Nhất (Q.Bình Thạnh), có hai nguyên do chính.

Thứ nhất, người dân ít có thói quen phân chia rác theo loại vô cơ và hữu cơ mà bỏ chung vào túi rồi chờ người đến thu gom.

Do lượng rác cần thu gom nhiều nên các nhân viên chỉ kịp phân tách các vật như chai lọ và các thiết bị nhựa ra chứ không có thời gian phân loại các loại rác vô cơ khác như bọc nilông, hộp xốp...

Thứ hai là trang thiết bị và phương tiện vận chuyển chưa đồng bộ, bãi tập kết cũng cần có chỗ bỏ riêng hai loại rác khác nhau. Ngay cả các xe thu gom rác cũng không được thiết kế có chỗ để phân loại các loại rác.

Đồ họa: Tấn Đạt
Đồ họa: Tấn Đạt

Cũng tương tự ý kiến của ông Đực, ông Lê Văn Nga - nhân viên thu gom rác thuộc Nghiệp đoàn thu gom rác dân lập quận Thủ Đức - cho biết cái khó của việc phân loại rác tại nguồn là phương tiện vận chuyển.

Hiện tại chưa có một quy chuẩn nào về thiết kế cho xe chở rác có chỗ phân loại rác vô cơ và rác hữu cơ. Vì vậy khi đi thu gom rác, nhân viên phải bỏ chung các loại rác vào một thùng xe.

Trường hợp nếu nhân viên thu gom rác tự ý cải tạo thùng xe thành hai ngăn khác nhau cũng có thể bị CSGT thổi phạt vì tự ý thay đổi kết cấu xe.

Tắc dự án xử lý rác theo công nghệ tiên tiến

Theo thông tin Tuổi Trẻ có được, từ năm 2002, do đóng cửa bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), lãnh đạo TP.HCM chủ trương đổi địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ tại đây về xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi).

Tuy nhiên, do dự án thực hiện chậm, thời hạn hiệp định vay đã hết hạn, phía ADB chưa thống nhất dời địa điểm xây dựng và không đồng ý gia hạn hiệp định vay nên dự án không triển khai được.

Từ năm 2005 đến nay, UBND TP tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để tiến tới tăng tỉ lệ công nghệ xử lý rác tiên tiến, trong đó xem xét các dự án đốt rác phát điện (của ít nhất 3 công ty).

Tuy nhiên, các dự án theo công nghệ này có chi phí đầu tư lớn, giá xử lý cao; ở thời điểm đó giá mua điện từ rác thải còn thấp... Do vậy các dự án theo công nghệ tiên tiến chưa được triển khai.

 

GIÁNG HƯƠNG 
- Q.KHẢI - L.PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên