17/01/2019 09:50 GMT+7

Những người lính bay không có giao thừa

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Trong lúc người dân nao nức chuẩn bị đón tết thì nhiều năm nay, có những người lính vì nhiệm vụ bay cứu hộ cứu nạn đã gác lại cái tết, vào đơn vị trực, sẵn sàng cất cánh khi có lệnh.

Những người lính bay không có giao thừa - Ảnh 1.

Phi công Đỗ Thanh Hồng - lái chính chuyến bay cấp cứu ngày 30 tết (tức ngày 30-1-2014) - ngồi trong buồng lái nhìn theo khi bệnh nhân được đưa ra xe cấp cứu - Ảnh: MY LĂNG

Năm nào cũng vậy, cứ nhìn mâm cơm đón giao thừa của anh em tổ chức, mình nhớ lại lúc còn nhỏ, những cái tết ở quê. Các năm, tôi đều đợi sau giao thừa khoảng 15-30 phút sẽ gọi điện chúc tết bố mẹ

Đại tá ĐỖ THANH HỒNG

13 năm nay kể từ khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan không quân (năm 2006), lúc còn độc thân cho đến khi đã lập gia đình, thiếu tá Trương Thanh Bình, hiện là phi đội trưởng phi đội 1, trung đoàn không quân trực thăng 917 (sư đoàn không quân 370, Quân chủng phòng không - không quân), thường xuyên đón tết ở đơn vị.

13 năm đón giao thừa trong đơn vị

"Ngày tết bộ đội trực cả quân số, trực cả hoạt động bay. Bên trong đơn vị trực mọi thứ rất yên tĩnh, bên ngoài thì sôi động, náo nhiệt. Anh em vừa kết hợp trực vừa tổ chức vui xuân đón tết" - thiếu tá Trương Thanh Bình tâm sự.

Nhà cách cổng đơn vị chưa đến 1km nhưng anh không về được. Khoảng 19h đêm 30 tết, đơn vị tổ chức bữa cơm liên hoan đón giao thừa sớm. Những người trực quân số tại đơn vị mới có thể đại diện anh em đứng ra tổ chức. Còn những người ở các vị trí trực chủ chốt thì không đi đâu, làm gì được vì phải tập trung cao độ cho nhiệm vụ. 

Đơn vị mời vợ con của bộ đội vào cùng đón giao thừa. Chồng trực nên không ra được, vợ con tự chở nhau vào, trực ban có người ra cổng đón.

Đến tầm 20h30-21h, vợ con các gia đình lại về nhà lo tổ chức cúng giao thừa ở nhà. 

"Giao thừa, sư đoàn, trung đoàn gọi chúc tết và cũng là để kiểm tra. Còn các thành phần trực ngoài sân bay ở các vị trí thì có các đoàn chỉ huy vừa đi chúc tết vừa đi kiểm tra luôn. 13 năm nay, giao thừa mình đều ở trong đơn vị. Người lính là vậy. Ai cũng thế, không phải riêng mình" - thiếu tá Trương Thanh Bình chia sẻ.

Thiếu tá Trương Thanh Bình cho biết hiện nay đơn vị đã phân bố xong lịch trực tết cho các bộ phận, các vị trí. Tuần trước, trung đoàn 917 vừa tổ chức hội thi xong, tuần sau nữa sẽ làm tất niên. Đến giờ bộ đội mới có thời gian trang trí cảnh quan chuẩn bị đón tết.

Thiếu tá Trương Thanh Bình cười bảo: "Phi đội mình có hai cây mai đang để trước nhà phi đội và một cây mai rất đẹp gửi lực lượng kỹ thuật của phi đội chăm giúp để tết nở bông đều cho đẹp. Bánh chưng thì năm nay nhờ đơn vị hậu cần của trung đoàn nấu giúp. Năm ngoái giao thừa đơn vị mình cúng heo quay rồi chia cho những người trực. Có đơn vị cúng xôi gà. Tết trong đơn vị toàn bộ đội với nhau nhưng anh em cũng chuẩn bị chu đáo lắm".

Chuyến bay cấp cứu 30 tết

Nói về những cái tết vắng nhà, đại tá Đỗ Thanh Hồng (trung đoàn trưởng trung đoàn 917) chợt xúc động: "Bố tôi năm nay 92 tuổi, mẹ 87 tuổi. Bố cũng là bộ đội không quân, hiểu được tính chất công việc con mình, thỉnh thoảng chỉ gợi ý hỏi năm nay con có về được không, có đưa vợ con ra được không. Hỏi chỉ để hỏi thôi chứ cụ biết thừa là mình không về được. Tôi thấy rất có lỗi vì mình không đáp ứng được tâm nguyện của các cụ là đầy đủ gia đình trong giao thừa sum họp".

Anh cho biết đêm 30 tết bộ đội đón giao thừa sớm, vì thời khắc giao thừa là thời điểm phải tập trung sẵn sàng chiến đấu cao nhất. 

"Lúc đó nhớ nhà lắm chứ. Nhưng mình là người đứng đầu đơn vị, phải phấn chấn, tươi tắn, vui vẻ thì anh em bộ đội mới phấn chấn, vui vẻ lên. Bản thân phải tự động viên mình, tạo ra niềm vui và tinh thần cho anh em" - đại tá Hồng nói.

Bình thường trung đoàn có hai tổ bay trực sẵn ngoài sân đỗ nhưng trong dịp tết sẽ tăng cường lên đến ba tổ trực: một tổ trực chính thức và hai tổ trực sẵn sàng chuyển cấp. 

Tổ bay trực cấp 1 sẽ trực từ 18h tối nay đến 6h sáng hôm sau. Phi công phải mặc sẵn đồ bay, trang thiết bị mang theo đầy đủ, ngồi ngay tại máy bay. Khi có lệnh thì chậm nhất sau 12 phút phải cất cánh. 

Còn tổ trực cấp 2 thì trực trong 24 giờ tại khu vực trực ban chiến đấu. Với tổ trực cấp ba thì có thể trực cả tuần, ở tại phòng nghỉ trong đơn vị, có lệnh là ra sân bay.

Cách đây năm năm, khi đó anh Hồng đang là trung đoàn phó - tham mưu trưởng trung đoàn 917, đã cùng kíp bay đi chuyến cấp cứu ra đảo Phú Quốc đúng hôm 30 tết (ngày 30-1-2014 dương lịch). Đó là chuyến bay cấp cứu ngay trong ngày 30 tết đầu tiên của trung đoàn.

Anh kể đó là tối 29 tết, khoảng 21h, các anh đang trực thì nhận lệnh chuẩn bị máy bay để bay cấp cứu một quân nhân đảo Phú Quốc. 

Sau này mới biết bệnh nhân là trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Mạnh Trường, nhân viên hàng hải của tàu VH792, lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân. Anh Trường xuất huyết não, tình trạng rất nguy kịch. Ngay trong đêm đó, các phi công đã gấp rút chuẩn bị các phương án bay phối hợp hiệp đồng, kiểm tra lại các hệ thống thiết bị và chờ lệnh cất cánh.

"4h30 rạng sáng 30 tết, phi công và các lực lượng kỹ thuật, hậu cần, mặt đất... đã ra sân bay thực hiện các thủ tục cho chuyến bay. 6h sáng 30 tết, chúng tôi nhận lệnh cất cánh đi Phú Quốc. Tổ bay gồm năm người, tôi là lái chính. Từ Tân Sơn Nhất bay ra Phú Quốc khoảng 400km" - anh Hồng nhớ lại.

Thời tiết hôm đó ở Sài Gòn rất đẹp nhưng khi ra đến khu vực biển Tây Nam thì mặt trời lên, rất mù, tầm nhìn bị hạn chế. 11h trưa 30 tết, sau hơn năm tiếng bay cả đi và về, các anh hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Bệnh nhân được các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 đón tại sân bay và đưa thẳng về bệnh viện cấp cứu.

Có mặt tại sân bay trong chuyến bay cấp cứu đặc biệt đó, chúng tôi vẫn còn nhớ những nụ cười rạng rỡ của năm thành viên kíp bay khi đã kịp thời đưa bệnh nhân đang nguy kịch về đến đất liền. Các anh sôi nổi nói về chuyến bay, thở phào vì chuyến bay thành công.

Sau cánh cổng trung đoàn, dòng người đang hối hả về nhà chuẩn bị đón giao thừa. Còn các anh, sau chuyến bay tất cả thành viên tổ bay tiếp tục ở lại đơn vị trực cái tết năm ấy...

Đại tá Đỗ Thanh Hồng cho biết dịp tết, giao thừa, các anh bộ đội ở bên đồng đội, trực nhiệm vụ và sẵn sàng bay cấp cứu.

“Người Việt Nam mình hay nói “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa” nên khi có nhiệm vụ, không ai nề hà gì cả, cũng không nghĩ ngợi gì nữa, lên máy bay là chỉ tập trung cho nhiệm vụ. Nhân dân càng nghỉ tết dài ngày, càng vui thì mình trực tết càng lâu. Cũng buồn đấy nhưng ngẫm cũng tự hào lắm vì công sức đóng góp thầm lặng của mình và đồng đội để người dân có được những cái tết vui vẻ, an lành”, đại tá Hồng chia sẻ.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên