Những người... dựa dẫm

HẠ CƯỜNG 01/01/2016 02:12 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia loạt “Ứng xử cộng đồng” kỳ này là tâm sự của hai giáo viên. TTCT mời bạn đọc cùng chia sẻ.

Xin tham gia loạt bài “Ứng xử cộng đồng” bằng vấn nạn quay cóp của học sinh khi làm bài kiểm tra định kỳ. Giờ kiểm tra, giáo viên quan sát mấy chục học sinh làm bài như cảnh sát viên, nhưng lắm lúc lớp học như chợ vỡ.

Trò không biết mắc cỡ, nói nặng là mất liêm sỉ, vô tư chép bài của bạn. Giáo viên vì nhiều lý do không muốn ráo riết “truy bắt” đến cùng những học sinh này - những học sinh vẫn được xếp hạnh kiểm tốt hằng năm.

“Cóp” không có nghĩa cóp nhặt, mà là copy, sao chép bài của bạn. “Quay” không có nghĩa chuyển động quanh một trục, mà là “quay phim”, hiểu là xem tài liệu liên quan đến bài kiểm tra và xem bài của bạn. “Quay, cóp” chỉ thói xấu của học sinh, nhưng nay bất đắc thành cặp từ trung tính giữa tốt và xấu.

Từ “cùng học” với con ...

Nhiều phụ huynh không thấy việc cùng học với con là niềm hạnh phúc. Thay vì hướng dẫn, giảng giải cho con bài tập về nhà mất nhiều thì giờ và mệt hơn, họ làm giúp luôn con từ bài toán, viết đoạn văn, vẽ bức tranh, làm đồ thủ công mỹ thuật... Hằng ngày nghe chuyện đạo văn, ăn cắp ý tưởng thấy chẳng ai hề hấn thì việc giúp con làm bài tập cô giáo giao về có gì là quan trọng!

Giáo viên biết cha mẹ làm giúp nhưng sẵn sàng cho ngay điểm 10, nay ở bậc tiểu học thì viết luôn vào vở lời khen. Ai mà không thấy việc làm ấy nguy hại nhưng không bên nào chịu dừng. Phụ huynh vui vì con được điểm cao, giáo viên vui vì khỏi sợ ban giám hiệu quở trách dạy kiểu gì để học trò điểm thấp.

Phụ huynh làm bài tập về nhà cho con để cô giáo cho điểm 10 thì sao dạy con được lòng trung thực? Giáo viên biết “sản phẩm” không phải của trò nhưng vẫn cho điểm cao thì sao xây dựng được nhân cách tốt đẹp cho trò?

Phụ huynh cho con đi học thêm, tức còn thêm một “kênh” để con có tài liệu quay cóp khi làm bài. Bởi “giáo viên dạy thêm thường mớm trước bài, nếu không thì học thêm làm gì”, học sinh nói thế, phụ huynh chịu mất tiền cũng vì thế. Dạy thêm, học thêm từ mẫu giáo đến lớp 12 song hành cùng chính khóa nên học sinh đến trường mỗi ngày chỉ là hợp thức hóa điểm số, ghi danh lên lớp mỗi năm. Việc học, thật hay giả, chỉ diễn ra ở lớp học thêm. Một thứ từa tựa dối trá đang hoành hành tuổi học đường.

Những học sinh không được cha mẹ làm giúp không lấy đó làm tự hào về tính độc lập lĩnh hội tri thức, mà lại quay ra tự ti mặc cảm vì cha mẹ bỏ bê.

...Đến "quyền trợ giúp"

Học sinh được gọi lên bảng làm bài tập, em thản nhiên quay xuống lớp nhờ bạn trợ giúp. Bạn ngồi dưới trợ giúp chẳng phải giỏi giang, em mở vở, sách ra đọc cho bạn chép. Giáo viên nhắc một lần, hai lần, nhiều lần và rồi thôi kệ. Học sinh bảo: “Em chỉ sử dụng đúng ba lần quyền trợ giúp như trên truyền hình ạ, cô thương giùm em”. 

Một thứ từa tựa dối trá đang hoành hành tuổi học đường

 

Làm bài kiểm tra, dẫu giáo viên ra nhiều đề, các em có thể trao đổi xuyên qua nhiều bàn học, dãy này sang dãy kia chứ không hẳn xem bài bạn ngồi kề. Giáo viên cần nghiêm khắc ư, sẽ bất lợi. Thứ nhất bị cho là thiếu thân thiện, thứ hai vì tiêu chí thi đua phải cho kiểm tra lại, chấm bài lại đến khi nào có trên 50% học sinh đạt điểm trung bình. Quay cóp mãi học sinh mất khả năng học tập, may mà kỹ năng lướt mấy ngón tay trên điện thoại chưa mất!

Vì quay cóp vô tội vạ nên hàng loạt bài làm sai giống nhau khi vài bạn học giỏi hơn trong lớp làm sai. Lẽ thường tình thì cái đúng mới giống nhau, mỗi cái sai đều phải khác nhau. Chép văn mẫu, chép bài của bạn không bị quở phạt thì lớn lên đạo văn chứ chạy đường nào cho khỏi.

Qua từng cấp học, chuyện quay cóp càng gia tăng cường độ. Cấp tiểu học ở mức liếc bài của bạn để chép đã là quá đáng, lên đến cấp III thì giật luôn bài của bạn mà chép. Chuyện quay cóp đến mức liều lĩnh, trơ tráo đã là nguyên nhân chính dẫn đến những kỳ thi tốt nghiệp bị cho là thiếu nghiêm túc nhưng đem đến con số đẹp đậu tú tài gần 100%.

Kỳ thi quốc gia mới đây có 20.000 bài thi bị điểm liệt môn toán ở cụm thi khu vực, trong khi học sinh học lực yếu kém chọn thi tại địa phương thì không có điểm liệt môn toán nào (?). Đây là đòn giáng rất mạnh vào thói hư chực chờ quay cóp. Xin nêu hiện trạng: Có học sinh lớp 12 làm phép tính 3 - 5 = ? không được. Nhiều học sinh lớp 12 làm phép tính 1/3 - 1/2 = ? vẫn sai. Có học sinh lớp 12 không bao giờ xác định đúng được tọa độ một điểm trên mặt phẳng Oxy. Nhiều học sinh lớp 12 ngay câu đầu tiên khảo sát hàm số, đạo hàm hàm số bậc ba đã không xong... Vì đâu học sinh lớp 12 “thảm thương” như thế? Trả lời: những học sinh đó dường như “quyết tâm” không chịu học, chỉ đợi khi kiểm tra là quay cóp. La rầy các em ư? Như nước đổ đầu vịt. Báo cáo ban giám hiệu ư? Vô ích. Giáo viên cảnh báo: “Em sẽ rớt tốt nghiệp mất thôi”. Học sinh trả lời: “Thầy khỏi lo, quay cóp là nghề của em mà”. Ôi trời.

Cấp quản lý tung ra những lời có cánh, nào là thay đổi cách kiểm tra đánh giá, phát huy tính tích cực học tập sáng tạo, tăng cường khả năng vận dụng, khả năng tự học, tự nghiên cứu... Nếu không tính tới chuyện học sinh chỉ chực chờ quay cóp, một thứ vấn nạn đến bất trị, thì có hô hoán cải cách giáo dục đằng trời cũng không biến chuyển nổi.

Một lớp người khá đông chỉ biết dựa dẫm, sẵn sàng lấy sản phẩm trí tuệ của người khác làm của mình đang từ học đường tuôn ra xã hội. Ứng xử sao đây với lớp người này?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận