17/01/2017 09:57 GMT+7

Những ngôi trường nhân ái ở xã nghèo

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Nhờ có tình nguyện mùa đông, từ cuối năm 2013 đến nay đã có ít nhất 50 công trình điểm trường, nhà bán trú, nhà nhân ái được Trung ương Hội xây dựng khắp các xã nghèo vùng rét cả nước.

*** Error ***
Nhóm thiện nguyện Niềm Tin làm lễ khánh thành trường mới ở bản Nậm Vì, xã Chung Chải (Mường Nhé, Điện Biên) trong niềm vui của học trò nghèo miền núi - Ảnh: NVCC

Đặc biệt, các tổ chức thiện nguyện đã hưởng ứng xây dựng hàng ngàn điểm trường, nhà bán trú ở các bản làng heo hút. Các công trình này đã giúp đường đến trường của học trò miền núi ngắn lại.

Gian nan xây trường vùng cao

Hoàng Hoa Trung, phó trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin (Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội), cho biết: “Năm 2014 khi đi khảo sát tại xã Chung Chải (Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), chúng tôi thấy hơn 10 điểm trường ở các bản thuộc xã này đều xiêu vẹo, xuống cấp mà chỗ nào cũng muốn xây dựng.

Các điểm trường chỉ toàn phòng học được dựng bằng cột, rồi quây phên liếp thấp xung quanh, mái lợp cỏ tranh, bàn ghế không đủ, nhiều lớp giáo viên kê cây gỗ làm bàn và học sinh ngồi bệt trên đất. Nhìn cảnh bọn trẻ dân tộc Mông lem nhem trong các phòng học như vậy chúng tôi rất xót xa, muốn làm điều gì đó thiết thực.

Biết là chi phí xây dựng ở đây cực cao, cũng chưa biết vận động quỹ thế nào, nhưng cứ nhìn hình ảnh thầy và trò trong các lớp học chờ sập đổ, chúng tôi “đánh liều” quyết định chọn điểm trường Nậm Vì ở bản xa nhất, cách trung tâm xã khoảng 20km đường đèo núi”.

Sau khi tham khảo, tính toán, nhóm Trung quyết định sẽ tự thiết kế, trực tiếp xây dựng để giảm tối đa chi phí. Rất may ý tưởng của nhóm Trung đã được “đối tác” là một trường mầm non quốc tế tại Hà Nội ủng hộ ngay 100 triệu đồng. Vẫn còn thiếu 200-300 triệu, Hoàng Hoa Trung đề xuất nhiều ý tưởng độc, lạ để kiếm tiền.

Nào là đến các KTX xin các bạn sinh viên giấy vụn, đồ thừa bán lấy tiền. Rồi tổ chức các nhóm sang làng gốm Bát Tràng xin đồ gốm loại, dọn kho để mang vào nội thành bán đấu giá. Tổ chức nấu đồ ăn chay để quyên góp tiền. Ra bãi sông Hồng xin đất phù sa để bán cho các nhà vườn trong nội thành. Đi bán sim điện thoại, bán bảo hiểm xe máy...

Khi có đủ tiền, nhóm tính đến phương án xây dựng. Rất may trong nhóm có nhiều bạn học kiến trúc nên có nhiều phương án xây dựng tối ưu. Nhóm quyết định mua một số vật liệu từ Hà Nội, mua hai máy ép gạch thủ công, sau đó thuê một chuyến xe tải hết 20 triệu đồng để chở toàn bộ vật liệu lên bản Nậm Vì.

Ông Lê Quang Tuấn, một kỹ sư xây dựng về hưu là bố đẻ một thành viên trong nhóm, đã tình nguyện lên Nậm Vì để chỉ đạo, giám sát thi công.

Ông Tuấn nhớ lại: “Tôi từng là bộ đội, từng làm ở một công ty xây dựng lớn nên đi nhiều, nhưng khi đến Nậm Vì tôi cũng “choáng” với sự khó khăn thiếu thốn ở đây. Điện không có, chúng tôi phải thuê máy nổ lên để hàn, khoan. Nước không có, phải thuê người địa phương đi hàng chục kilômet đội nước lên bản với giá 30.000 đồng/can 20 lít.

Để có gạch xây, chúng tôi đưa máy ép gạch thủ công lên, thuê 5-6 lao động với giá 200.000 đồng/ngày công/người, trong hai tuần liền đi lấy đất, trộn ximăng để đóng ép hơn 6.000 viên gạch. Riêng về thi công, tôi phải về tận huyện Mường Nhé cách gần 100km tìm thợ, nhưng khi nghe nói xây dựng ở bản Nậm Vì họ kiên quyết không làm dù giá ngày công lên tới 500.000 đồng/ngày/người.

Họ đòi nhận thầu cả công trình với giá 90 triệu đồng. Phải nói việc xây một công trình ở miền núi, vùng sâu vùng xa là rất tốn kém. Khi đó, 100kg ximăng tại huyện giá 200.000 đồng thì khi vào đến bản phải mất thêm 30.000-50.000 đồng công vận chuyển.

Mất 40 ngày, chúng tôi hoàn thành xây dựng hai phòng học, một phòng giáo viên (30m2/phòng), cùng bếp, nhà vệ sinh, bể nước... và quả thật tôi thấy đây đúng là công trình để đời không chỉ cho nhóm Niềm Tin, mà còn cho cả giáo viên, học sinh nơi đây...”.

Trung cho biết để duy trì 40 học sinh ở điểm trường, nhóm của Trung quyết định tài trợ, tặng 150.000 đồng tiền ăn/học sinh/tháng, mỗi giáo viên 300.000 đồng/tháng và cam kết tặng trong hai năm.

Tiếp đó năm 2015, nhóm Trung lại vận động, làm mọi việc để kiếm tiền xây thêm hai điểm trường ở bản Xà Quế và Pá Lùng (cũng ở xã Chung Chải) với tổng giá trị gần 600 triệu đồng, và đã khánh thành, bàn giao cho địa phương đầu tháng 9-2016...

Niềm vui trường mới

“Không có điểm trường, học sinh phải đi bộ gần 20km đường rừng núi từ bản xuống trường chính để học. Nơi có điểm trường thì vẫn có hàng trăm học sinh mỗi ngày phải lặn lội đi bộ 5-7 km để đến lớp.

Có điểm trường, có nhà bán trú thì học sinh, giáo viên đỡ vất vả hơn. Và quan trọng là trường mới kiên cố thì cô và trò mới yên tâm dạy và học, không còn sợ bị gió lùa, mưa hắt mỗi khi đông về” - thầy Phạm Văn Khiêm, hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải số 1 (Mường Nhé), tâm sự.

Theo hiệu trưởng Khiêm, xã Chung Chải rất rộng, có đến 12 bản và bản xa nhất cách trung tâm xã 20km, chỉ đi được xe máy vào mùa khô. Học sinh chủ yếu đi bộ. Do quá rộng, đường đi lại khó khăn nên việc đến lớp của học sinh vô cùng vất vả, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn đều đặn xảy ra.

Trường đã phải mở 12 điểm trường ở 12 bản, nhưng vì kinh phí không nhiều nên các điểm trường (chỉ 2-3 lớp) mở ra cũng chỉ là phòng học tạm, dựng cột, quây phên liếp lưng lửng, lợp lá.

“Trường số 1 có năm điểm trường thì 3/5 điểm trường được xây dựng bởi nhóm thanh niên tình nguyện Niềm Tin của Hà Nội.

Bên cạnh đó, năm 2013, 2014 Trung ương Hội LHTN Việt Nam cùng các doanh nghiệp đã xây tặng ba dãy nhà ở với đầy đủ giường, chăn màn để 235/305 học sinh bán trú có chỗ ăn, ngủ tại trường.

Nếu không có các chương trình hỗ trợ của Trung ương Hội LHTN Việt Nam và các tổ chức thiện nguyện, các đội nhóm thanh niên tình nguyện thủ đô, chắc chắn các điểm trường chúng tôi vẫn mãi là tranh tre tạm bợ...” - hiệu trưởng Khiêm nói.

Lòng thiện nguyện: “điểm tựa” trò nghèo miền núi

Ông Vừ A Bằng, bí thư Huyện ủy huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), tâm sự: “Khi còn làm cán bộ tỉnh đoàn, cán bộ huyện Mường Nhé (từ 2007-2015) chúng tôi đã vận động, xin xỏ khắp nơi để về xây phòng học, điểm trường cho trẻ nghèo vùng cao. Có thời điểm tỉnh đoàn vừa tham gia, vừa phối hợp xây dựng gần chục công trình một lúc”.

Và phong trào không chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp hưởng ứng, mà rất nhiều cá nhân, đội nhóm tình nguyện đứng ra vận động để xây điểm trường.

Một phóng viên tại Hà Nội khi trở lại quê hương Mường Lay, thấy sau 20 năm mà lớp đàn em mình vẫn còn phải học trong những lớp học xiêu vẹo, gió lùa tứ phía thì đã vô cùng xúc động.

Trở lại Hà Nội, cô ấy đã cùng một nhóm bạn thân của mình tổ chức bán hàng trên mạng, tự chế biến thực phẩm, đồ ăn chay... bán kiếm tiền, rồi vận động quyên góp thêm để quyết tâm xây những phòng học mới cho học sinh miền núi.

Chỉ với cách làm như vậy mà đến nay nhóm thiện nguyện của cô đã xây dựng được sáu điểm trường, trong đó có những điểm trường giá trị xây dựng lên tới 600-700 triệu đồng.

Ông Phan Văn Uyên, phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé, cho biết dù đã xây dựng được rất nhiều điểm trường, phòng học tạm, nhưng “cuộc chiến” xóa lớp học tạm, điểm trường xuống cấp ở huyện biên viễn này còn rất cam go. Đến đầu năm học 2016-2017, toàn huyện vẫn còn trên 300 phòng học tạm (chiếm trên 40% tổng số phòng học toàn huyện).

Trong số này mới chỉ có 96 phòng học được đưa vào kế hoạch và danh mục đầu tư giai đoạn 2016-2020. Còn lại trên 200 phòng học tạm không biết sẽ phải... tạm bợ đến bao giờ.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên