01/03/2017 15:04 GMT+7

Những điều chưa biết về án tử hình ở Malaysia

M. TRUNG
M. TRUNG

TTO - Ở Malaysia, án tử hình thường chỉ dành cho những tội danh rất nặng. Trong 3 thập niên (1970- 2001), Malaysia tử hình 359 phạm nhân.

Đoàn Thị Hương sau phiên tòa. Gương mặt cô có vẻ thất thần - Ảnh: AFP
Bị cáo Đoàn Thị Hương sau phiên tòa sáng 1-3. Gương mặt cô có vẻ thất thần - Ảnh: AFP

Các tội danh có thể bị xử án tử hình ở Malaysia bao gồm: giết người, buôn ma túy, phản quốc, bắt cóc, cưỡng hiếp, cướp có vũ trang… Các phạm nhân người nước ngoài không được hưởng miễn trừ án tử hình.

Án tử hình dành cho tội danh khủng bố chỉ mới được Malaysia bổ sung gần đây. Bất cứ kẻ khủng bố hoặc bảo trợ khủng bố nào cũng đều có thể đối mặt án tử hình.

Từ tháng 1-2003, án tử hình còn được tuyên trong các trường hợp cưỡng hiếp dẫn đến cái chết hoặc cưỡng hiếp trẻ em.

Một điều luật năm 1961 quy định hành vi bắt cóc có thể bị tuyên án chung thân hoặc tử hình, thay vì chỉ phạt đánh roi như trước đó.

Tại Malaysia, chỉ có các tòa án Thượng thẩm mới có quyền tuyên án tử hình. Các vụ án liên quan người vị thành niên nhưng có khung hình phạt tử hình cũng được xử tại tòa Thượng thẩm thay vì tại tòa án dành cho người vị thành niên.

Quy trình kháng cáo lên Tòa phúc thẩm và Tòa án liên bang là bắt buộc trong mỗi vụ án có tuyên tử hình. Khả năng cuối cùng để phạm nhân thoát án tử hình là xin khoan hồng.

Ban lệnh khoan hồng là đặc quyền người đứng đầu mỗi bang (ở Malaysia gọi là Yang di-Pertua Negeri) ở nơi tội ác xảy ra, hoặc Yang di-Pertuan Agong (hay Nhà vua) nếu tội ác xảy ra trên lãnh thổ liên bang (gồm Kuala Lumpur, Putrajaya và Labuan) hoặc có liên quan đến một thành viên lực lượng vũ trang.

Theo Mục 281 Bộ luật hình sự Malaysia, án tử hình được thực hiện bằng cách treo cổ. Phụ nữ có thai và trẻ em không thể bị kết án tử hình. Trong giai đoạn từ năm 1970 - 2001, cơ quan thực thi pháp luật ở Malaysia đã tiến hành tử hình 359 phạm nhân.

Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, cách Malaysia đưa ra án tử hình chưa phù hợp với Quy ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) vì tòa án không cân nhắc hoàn cảnh riêng của bị cáo hay hoàn cảnh dẫn đến tội ác trong lúc xét xử.

Chẳng hạn với một số án giết người bị tuyên tử hình, tòa sẽ không xét việc bị cáo có ý định giết nạn nhân thật sự hay chỉ vô ý, trong khi theo quy ước ICCPR, vô ý giết người không được định nghĩa là “tội ác nghiêm trọng”.

Hệ thống luật của Malaysia được xây dựng dựa trên Hệ thống luật của Anh thời kỳ thuộc địa. Riêng Luật Hồi giáo được áp dụng đối với người Hồi giáo trong các vấn đề gia đình và tôn giáo. Theo Điều 5(1) của Hiến pháp Malaysia, án tử hình không bị cấm.

M. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên