04/06/2017 14:18 GMT+7

Những cuốn sách không lời đẹp đẽ

MINH PHÚC
MINH PHÚC

TTO - Những quyển sách chỉ có những bức tranh liên hoàn, khi không lời, khi có lời nhưng lời không phải để minh họa cho tranh, mà như một bài thơ, một dòng suy tưởng.

Ảnh: MINH PHÚC
Ảnh: MINH PHÚC

Chỉ “đọc” qua tranh, nhưng mỗi quyển sách là những cốt truyện lay động và đẹp đẽ, tạo cảm xúc cho người “đọc” có thể viết nên câu chuyện bằng chính trí tưởng tượng của mình.

Những bông hoa bên vệ đường được thai nghén bởi nhà thơ nổi tiếng Jon Arno Lawson và họa sĩ Sydney Smith (Canada), sau đó đoạt được giải thưởng danh giá của Canada cho cuốn sách thiếu nhi có minh họa xuất sắc nhất năm 2015, với hình ảnh người cha dắt con gái mặc chiếc áo khoác đỏ cặm cụi hái những bông hoa dại mọc trong góc phố, hốc tường, kẽ gạch bên đường.

Người cha, như mọi người lớn khác, lơ đễnh và bận bịu: khi thì nghe điện thoại, bận suy nghĩ đâu đâu, mắc bắt tay chào hỏi người quen..., còn cô gái bé nhỏ với những bông hoa hái vội bên đường đã trở thành món quà trên cổ một chú chó con, cho chiếc giày của người hành khất, hoa cài tóc cho cô gái đứng đợi người yêu...

Trẻ con luôn tạo ra khúc hoan ca của riêng mình, những khúc hoan ca đầy trách nhiệm, tình yêu, sự chân thành... để chỉ lối cho người lớn đi đến đích trong toàn bộ ý nghĩa đời người.

Bà tôi đã từ từ nhỏ đi - của Michael De Cock và Kristien Aertssen - là bài thơ về sự mất mát nhưng cũng là bài thơ về tình yêu thương đầy cảm động.

Một cô bé gái mất đi người bà, nhưng cô bé nói về sự mất mát bằng những hình ảnh cảm động về bà cô: lúc tuổi trẻ, lúc nhận nụ hôn đầu tiên, lúc kết hôn và sống với người bạn đời, những cuộc chia tay từ ngắn đến không bao giờ gặp lại khi ông mất, lúc bà rời căn nhà quen thuộc về ở thuê trong căn phòng trên cửa hiệu hoa, lúc bà bị đãng trí, bị lạc với mớ ký ức và nhỏ dần đến khi biến mất.

Sách nói về mất mát mà không bi lụy bởi hình ảnh đẹp đầy chất thơ, lời thơ đẹp nhiều hình ảnh. Và hơn hết, chứa chan trong ấy tình cảm gia đình vợ - chồng, con - cháu giản dị, bao dung.

Đứa trẻ nào dường như cũng thích được bay và mơ mộng về thế giới huyền bí nào đó. Đôi khi chúng còn muốn biến mình thành người lớn, sống đời sống như một người lớn mà đâu biết rằng khi ta lớn đồng nghĩa với chuyện ta mất mát.

Hai quyển sách tranh Nụ hôn từ biệt của Jimmy Liao và Cửa sổ của họa sĩ Tạ Huy Long đã gửi gắm cốt truyện cho ý nghĩ này qua tranh vẽ.

Bạn đọc nhỏ tuổi có thể tự do nghĩ ngợi về những giấc mơ bay, những cuộc phiêu lưu: “Tôi không nhớ đã có bao nhiêu giấc mơ mà trong ấy tôi bay được và bay qua cái cửa sổ đó, bay rất cao và nhìn cả Hà Nội trải ra bên dưới... Tự do như chú châu chấu nhảy trên cánh đồng...” (Tạ Huy Long).

Còn chú bé Woody của Jimmy Liao muốn trở thành người lớn, nhưng làm người lớn tức đồng nghĩa với... lãng quên: quên lời dặn mẹ kể trong những câu chuyện thần tiên, quên chú cá vàng, quên chó Puding, quên chuyến tàu về ngoại và đặc biệt là quên những giấc mơ và thiếu đi sự tưởng tượng.

Trẻ con cứ là trẻ con, để mơ, để yêu thương, để nhận những nụ hôn của bố mẹ và tâm hồn thì lóng lánh trong veo.

Một quyển sách tranh khác đầy ắp tiếng cười là Cha và con của E. O. Plauen. Quyển truyện kinh điển không lời này với hình ảnh cha và con đã rong ruổi trên nhiều quốc gia, truyền cảm hứng và tạo niềm lạc quan yêu thương với cuộc sống, dù bất kỳ hoàn cảnh nào.

Từ chuyện thường ngày như ăn cơm, đọc sách, kèm con làm bài tập... đến lúc lao đao tưởng đến đường cùng vì bị bỏ lại trên hoang đảo.

Dường như không nghịch cảnh cuộc đời nào có thể dập tắt được nguồn vui của cặp đôi cha - con đáng yêu tếu táo. Và tình cảm cha con mãi là thứ tình cảm mà khiến những ai được làm cha đôi khi làm bất cứ điều gì, dù kỳ dị nhất.

Và cũng vậy, những quyển sách đẹp đẽ này chia sẻ rằng không có trẻ con thì thế giới buồn biết chừng nào...

Dù sao đi nữa, may mà trên đời “vẫn còn tồn tại những cuốn sách hình ảnh đẹp và cốt truyện cũng thực sự đẹp” như lời nhận xét về những quyển sách tranh không lời của báo Noordhollands Dagblad (Hà Lan).

Bởi đây là những quyển sách xứng đáng để bạn chọn cho con trẻ, vì ta “đọc” chúng nhiều hơn bất cứ cuốn sách nào và ta kể lại những câu chuyện khác đi mỗi ngày với những bức tranh đẹp đẽ đó.

Khuyến khích trẻ “đọc” tranh, rồi kể lại bằng suy nghĩ của trẻ chẳng phải là cách phát triển ngôn ngữ cho con mỗi ngày và phát triển trí tưởng tượng đó sao.

MINH PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên