16/10/2016 11:50 GMT+7

Những “bóng hồng” và chuyện tình kẹo kéo

NGỌC HIỂN - HỮU KHOA (ngochien@tuoitre.com.vn)
NGỌC HIỂN - HỮU KHOA (ngochien@tuoitre.com.vn)

TTO - Trước đây, hát rong bán kẹo kéo trên đường phố Sài Gòn chỉ dành cho cánh mày râu. Nhưng bây giờ, nhiều cô gái tuổi đôi mươi cũng xuống đường đem tiếng hát, lời ca để mua vui cho khách nhậu.

Nhật Hạ hát rong tại bờ kè đường Hoàng Sa - Ảnh: HỮU KHOA
Nhật Hạ hát rong tại bờ kè đường Hoàng Sa - Ảnh: HỮU KHOA

Mình là thằng bán kẹo kéo, mình không có gì ngoài tiếng hát nhưng con gái người ta dám đi theo thằng bán kẹo nên mình nghĩ phải thưa chuyện để cưới Mơ. Nếu không cưới, gia đình Mơ sẽ nghĩ mình là một thằng không có trách nhiệm

NGUYỂN THANH HẬU

Trai hát rong gặp gái kẹo kéo đem lòng yêu nhau, hình thành nên những cặp đôi trong làng kẹo kéo.

“Kiếp cầm ca” kẹo kéo

Những ngày theo chân ngược xuôi mưu sinh trên dọc các con đường nhậu, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những “bóng hồng” hát rong bán kẹo.

Có những cô gái còn rất trẻ như Hà Anh, Nhật Hạ, Kim Mơ... nhưng cũng có chị đã có gia đình, thậm chí đã ở độ tuổi U40, U50 như cô Ba Lài, chị Thanh Loan...

Tuy vậy, mỗi người đều theo một dòng nhạc riêng, hát ở một địa bàn riêng, người hát nhạc trẻ, kẻ hát nhạc trữ tình nên ai cũng có đất sống với nghề. Có một điểm chung của những “đồng nghiệp” nữ, họ đều là dân tứ xứ thập phương đến Sài Gòn.

Mới chỉ đi hát rong bán kẹo hơn hai tháng nhưng cô gái Nguyễn Thị Ái Trinh (26 tuổi) đã có trong tay rất nhiều mối “ruột”. Họ mời Trinh đến quán nhậu, “bao sô” trọn gói chỉ để nghe tiếng hát của cô gái xinh xắn người Đà Nẵng này.

Trinh vào Sài Gòn bốn năm nay, kiếm tiền bằng chính giọng ca của mình ở các phòng trà bình dân. Mỗi tháng 30 ngày lo cơm áo gạo tiền nhưng không phải ngày nào cũng có nơi mời hát nên Trinh quyết định xuống đường hát rong bán kẹo những đêm không có sô.

Đêm đầu tiên xuống đường Trường Sa - Hoàng Sa cầm micro hát Trinh thấy hụt hẫng vô cùng bởi nó khác xa với không khí phòng trà.

“Hát trên sân khấu có ánh đèn, âm thanh nghe ấm cúng rồi khán giả chăm chú, trân trọng từng lời hát nên mình hát rất phiêu. Còn đây ra đường ồn ào, khách họ chỉ ngước lên trầm trồ một cái rồi tập trung vô bàn nhậu, chẳng ai đoái hoài nên tủi thân lắm” - cô nói.

Ở đường Hoàng Sa - Trường Sa, chúng tôi thường xuyên bắt gặp hai cô gái trẻ măng đi chung xe, thay phiên nhau kẻ cầm micro hát, người đi mời kẹo.

Điều đặc biệt, mỗi lần họ cất lên giọng ca là cả quán đều đắm đuối dõi theo và vỗ tay rần rần khi họ kết thúc một bản nhạc.

Đó là Trần Thị Nhật Hạ và Trịnh Thị Quyên, hai “bóng hồng” kẹo kéo học cùng lớp, cùng trường. Hạ quê ở Quảng Bình, còn Quyên quê ở Đắk Lắk, cả hai vừa mới tốt nghiệp Trường CĐ Công thương TP.HCM.

Cũng vì chất giọng mượt mà, ngoại hình xinh đẹp mà Hạ được giới kẹo kéo bờ kè nể phục bởi luôn được khách nhậu thích và đương nhiên luôn bán được nhiều kẹo.

“Sướng quá, hôm nay vô mánh, mời bàn nào bàn nấy cũng mua, cho tiền nhiều quá thể luôn. Phải hai tháng rồi mới có một đêm sướng như thế” - Hạ kể khi đồng hồ đã điểm 23g.

Khi còn là sinh viên, đọc thấy một mẩu tin trên mạng cần tuyển ca sĩ kẹo kéo, Hạ liều mình đi “casting” và trở thành ca nữ kẹo kéo đến bây giờ. Mới đầu, nữ sinh này vừa ngại vừa lo nên nhờ Quyên đi cùng để đỡ sợ... mấy ông khách xỉn.

Đi riết với Hạ rồi Quyên cũng thành ca sĩ bán kẹo như bạn mình. Nhờ được nhiều khách nhậu mến mộ mà Hạ và Quyên đều có thu nhập không nhỏ để đóng tiền học và gửi về quê cho gia đình.

Một chuyện tình kẹo kéo

Nguyễn Thanh Hậu và Trần Kim Mơ quen nhau vào đầu năm 2015. Khi đó, Mơ làm phục vụ quán cà phê ở TP Mỹ Tho. Hậu quê ở Sóc Trăng nhưng phiêu dạt các tỉnh miền Tây để ca hát, bán kẹo mưu sinh. Gặp Hậu, Mơ quyết “theo chàng” để cùng làm nghề hát rong bán kẹo.

Đến giữa năm 2015, Hậu quyết định cưới Mơ. “Mình là thằng bán kẹo kéo, mình không có gì ngoài tiếng hát nhưng con gái người ta dám đi theo thằng bán kẹo nên mình nghĩ phải thưa chuyện để cưới Mơ. Nếu không cưới, gia đình Mơ sẽ nghĩ mình là một thằng không có trách nhiệm” - Hậu nói.

Những ngày trước khi cưới, Hậu và Mơ phải đi bán kẹo từ tỉnh này sang tỉnh khác, có ngày phải chạy cả 100km từ 3g sáng mới dành dụm đủ tiền làm đám cưới. Cưới xong, hai vợ chồng dắt nhau lên Sài Gòn mưu sinh cho đến bây giờ.

Chúng tôi tìm về phòng trọ của hai vợ chồng “đồng nghiệp” nằm sát bên cánh đồng lúa dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh ở huyện Bình Chánh.

Trong dãy nhà trọ ọp ẹp lợp tôn nóng hầm hập có gần 20 lao động nhập cư của các tỉnh miền Tây tá túc, Hậu sống cùng vợ và con gái kháu khỉnh Huỳnh Ngọc Khả Phương mới được 10 tháng tuổi. “Mình hát tại Q.4, ở đây hơi xa trung tâm nhưng được cái giá thuê rẻ” - Hậu nói.

Khi mới lên Sài Gòn, hai vợ chồng hát song ca dọc các quán nhậu để bán kẹo. Vừa mới chân ướt chân ráo đến khu Trung Sơn (Q.8) ca được nửa bài thì Hậu bị dân gạo cội dằn mặt: “Đây là lãnh địa của tao, mày muốn sống thì biến đi chỗ khác”.

Từ đó, hai vợ chồng không bao giờ dám bén mảng đến khu Trung Sơn. Vòng qua nhiều nơi, cuối cùng Hậu cũng tìm được chốn dừng chân là các quán nhậu ở Q.4. Hai vợ chồng đều hát hay, được khách có cảm tình nên hằng đêm đi được nhiều quán.

Theo Hậu, đi hát Hậu thường xuyên gặp những vị khách nhậu Sài Gòn rất thân tình, có người kêu tới bắt tay bo tiền hoặc gửi tặng thức ăn.

Có cặp vợ chồng nọ vì quý mến nên thường mời vợ chồng Hậu đi ăn rồi tài trợ cho vợ Hậu đi học nghề thẩm mỹ viện, học phí 30 triệu đồng.

Dù được đối xử tốt như vậy, Hậu vẫn chân chất, trung thực với hoàn cảnh của mình. Anh nói: “Nhiều khi khách mến, khách kêu lại ngồi cùng nhưng mình không bao giờ dám đụng đũa vì mình chỉ là thằng hát rong thôi, mình đụng đũa là tự đặt mình ngang hàng với khách, không nên!”.

Hà Anh (phải) cùng bạn trai Nguyễn Phú Tài biểu diễn hát rong - Ảnh: NGỌC HIỂN
Hà Anh (phải) cùng bạn trai Nguyễn Phú Tài biểu diễn hát rong - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh (ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nhưng Nguyễn Phú Tài (26 tuổi), quê Phú Yên, lại có một quyết định... ngược đời. Bỏ việc đi hát rong và yêu luôn một nữ ca sĩ kẹo kéo là Hà Anh.

Tài mê đánh đàn guitar còn bạn gái lại mê ca hát, chuyện tình của họ đẹp và nhiều cung bậc cũng tựa như những bản tình ca. “Từ ngày hai đứa yêu nhau mộng ước thật nhiều. Từ ngày hai đứa yêu nhau lòng ước bao nhiêu. Mộng vàng hai đứa có chi là quá xa xôi. Ta mơ một mái nhà tranh. Ta mơ một túp lều tình. Đời mình đẹp mãi với em và anh...” - Hà Anh, bạn gái của Tài, đã cất tiếng hát trong trẻo như vậy khi Tài kể cho chúng tôi nghe những ngày đầu họ yêu nhau.

Tài gặp Hà Anh trong một buổi gặp mặt những người mê ca hát. Lúc đó Tài đánh đàn, Hà Anh hát, cô gái này mới cất lên tiếng hát đã khiến trái tim Tài xao xuyến. Thương Hà Anh phận gái xa nhà chịu khó lăn lộn ở Sài Gòn, Tài quyết định kề vai sát cánh cùng cô.

Họ rủ nhau đi hát rong bán kẹo dọc các quán nhậu ở bờ kè. “Hồi quen ảnh em gầy gò, người chỉ còn 30kg do mắc bệnh phổi, đang điều trị nên cơ thể lúc nào cũng nóng như lửa, có lần xỉu trong quán nhậu mà ảnh không bỏ rơi em, em thấy mình may mắn” - Hà Anh nói.

Hơn hai năm đi hát cùng nhau, nhiều khi khách say rượu, có “thái độ” quá mức với Hà Anh, Tài cũng buồn nhưng hết mình bảo vệ người yêu. Tài dự định sẽ cưới Hà Anh khi cả hai để dành được chút vốn liếng.

_____________________________________

Kỳ tớiTừ lề đường đến ánh đèn sân khấu

NGỌC HIỂN - HỮU KHOA (ngochien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên