28/05/2012 05:05 GMT+7

Những bệnh đau dạ dày

BÁC SĨ TỊT TUỐT
BÁC SĨ TỊT TUỐT

TTC - Dạ dày, bà con mình còn gọi là bao tử, là cái nhà kho chứa thực phẩm chúng ta ăn uống vào. Dạ dày tiếp nối với thực quản (ở phần trên) và ruột non (ở phần dưới).

cui6G2xm.jpgPhóng to

Là “nhà kho” nhưng nhiệm vụ của nó lại có tới 3 phần: nhập, sơ chế và xuất xưởng. Là một tổ chức sống nên nó chịu vô vàn tác động từ bên trong và bên ngoài. Vì nguyên nhân gây bệnh rất nhiều, triệu chứng đa dạng, phong phú, điều trị khó khăn, dễ tái phát nên các nhà chuyên khoa tiêu hóa gọi là “những bệnh đau dạ dày”.

Đủ kiểu đau

Với vai trò sơ chế thực phẩm, dạ dày có một hệ thống tế bào bài tiết acid làm mềm và enzyme tiêu thịt, vì vậy nếu hệ thống này mất thăng bằng, lượng acid tăng sẽ tiêu cả lớp niêm mạc, gây ra những vết loét, biểu hiện bằng đau rát, ợ chua, đầy hơi. Ăn thực phẩm bị nhiễm trùng, nhiễm độc, uống rượu mạnh, uống bia không có mồi, hút thuốc lá, căng thẳng thần kinh vì stress gây kích thích dây thần kinh số 10 (phế vị) đều tăng lượng acid trong bao tử. Trường hợp này, khi đi khám về bà con mình hay kể là “tui bị dư acid”.

Bệnh thứ hai liên quan đến dạ dày mà bà con mình hay gọi nôm na là vi khuẩn “ăn” dạ dày: Chuyên ngành tiêu hóa của nước ta làm một thống kê rồi công bố: 70% dân ta nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Chúng vào cơ thể chúng ta qua đường miệng (ăn uống, hôn hít), chui vào lớp dưới niêm mạc dạ dày, đào hầm ở đây mà sinh sống. Những người nhiễm khuẩn trong bao tử có hàng triệu con Helicobacter pylori. Nếu soi bao tử, xét nghiệm dịch thấy có Helicobacter pylori thì phải dùng 2 loại kháng sinh để tiêu diệt chúng, đồng thời cho thuốc giảm bài tiết acid. Helicobacter pylori gây đau, gây loét và có thể gây ung thư bao tử. Loét bao tử thường có các triệu chứng: đau thượng vị (vùng trên rốn và dưới mỏm xương ức); đau có chu kỳ theo bữa ăn và theo mùa (có khi đau hàng tuần, ngưng để tuần sau, tháng sau đau tiếp. Mùa lạnh đau nhiều hơn mùa nóng). Đau xuất hiện hoặc tăng khi ăn các thức ăn chua, cay hay khi bị căng thẳng thần kinh.

Ngoài ra, trẻ nhỏ và người lớn có thể bị viêm bao tử và ruột do một loại siêu vi tên là rotavirus. Thường những trường hợp này có sốt, nôn, đau thượng vị kèm theo tiêu chảy.

Đau bao tử có thể do thuốc: do dùng những thuốc loại corticoid (prednisolon, dexamethason) hay aspirin. Nếu do thuốc, thường triệu chứng xuất hiện sớm kèm theo nôn, ói nhiều, ói ra mật xanh mật vàng, thậm chí ói ra máu. Có người hốt hoảng tưởng mình bị bệnh trên não bởi thấy bệnh nhân lao màng não, viêm do não mô cầu đều ói (nhưng thường có sốt). Ngoài ra có những biểu hiện không điển hình như đầy bụng, ợ chua, tiêu hóa chậm, bụng lình bình không muốn ăn.

Và đau do rối loạn cơ học: Một viên thức ăn lọt vào bao tử là phần thực quản ở đây thắt lại, tránh dịch vị trào lên. Nếu bị mất cân bằng cơ học (do viêm loét), hóa học (do tăng lượng acid trong dạ dày) sẽ làm dịch vị trào lên gây “hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản”. Thường thấy là ợ chua, nôn, nuốt khó, ta gọi là nuốt nghẹn, có người lại đau ngực, ứa nước miếng, đắng miệng, hôi miệng, nấc cục, ói, khiến bệnh nhân lo lắng, không biết mình bị những bệnh gì.

Để bảo vệ bao tử

Tránh những loại nước có gas. Không ăn đồ chua cay như ớt, tiêu, giấm, những trái cây chua. Trái cây tốt nhất là dưa hấu, nó trung hòa độ acid trong bao tử. Loại rau tốt nhất là bắp cải vì nó chứa vitamin U giúp bảo vệ niêm mạc bao tử. Nước gừng ấm giúp cho bao tử dễ tiêu hóa thức ăn hơn. Sữa và trứng là hai thực phẩm trung hòa acid trong bao tử. Nên cai thuốc lá, rượu, bia bởi chúng là tác nhân phá hủy niêm mạc và tăng tiết acid trong dịch vị. Nên ăn vừa phải, đừng quá no nê, bữa tối nên ăn nhẹ để giảm tải cho bao tử.

Cuộc sống hối hả, áp lực công việc, stress là những nhân tố làm tăng bài tiết acid trong bao tử. Vì thế bạn ăn trong tâm trạng thư giãn, tránh “nhồi nhét hay vừa ăn vừa chạy”. Trẻ đang độ tuổi đi học không nên vừa ăn vừa xem tivi hay chơi game vì khả năng tiết dịch vị kém. Các bữa ăn nên đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ là giúp bao tử làm việc hiệu quả. Nên giải tỏa stress vì sức khỏe chung và vì bao tử của bạn. Bạn có thể chơi một môn thể thao, tập yoga, đi bơi… để cái đầu bớt căng thì bao tử cũng không chịu áp lực.

Bạn nhớ là điều trị “những bệnh đau dạ dày” là khó khăn và khả năng tái phát rất cao. Vì thế hãy bảo vệ nó bằng cách tránh xa những tác nhân gây bệnh.

Oq3hzaZq.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 452 (15-05-2012) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

BÁC SĨ TỊT TUỐT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đau dạ dày