30/12/2016 10:04 GMT+7

Nhói lòng với Venezuela

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Năm 2016 tiếp tục là một năm mà người dân Venezuela phải chịu đựng nhiều hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế do giá dầu giảm và siêu lạm phát.

Nhìn lại một năm qua, tình trạng khan hiếm lương thực, thuốc men, và các nhu yếu phẩm ngày càng trầm trọng đã đẩy người dân đất Venezuela vào tình cảnh vô cùng khó khăn. 

Nhiều nhóm người phải đi cướp các xe chở thực phẩm, đập phá các cửa hàng để cướp bóc, thậm chí phải lượm rau quả bỏ đi ở các chợ để ăn.

Xe cộ xếp hàng đổ xăng trước khi giá xăng tăng kỷ lục ở Venezuela hồi tháng 2. Trong nỗ lực kiểm soát khủng hoảng của chính phủ, ngày 17-2, lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua, chính quyền Caracas chính thức tăng giá xăng gấp 60 lần. Trước đó, 1 lít xăng chất lượng cao chỉ có giá 0,01 USD, còn theo chính sách mới, giá 1 lít xăng cùng loại là 0,6 USD. Do chỉ xuất khẩu dầu thô và nhập xăng từ nước ngoài, Venezuela không còn kham nổi việc trợ cấp giá xăng khi giá dầu thô giảm thảm hại - Ảnh: AP

Một người nằm đợi nhiều giờ liền trong phòng mổ cấp cứu tại Bệnh viện Luis Razetti ở TP Puerto la Cruz ngày 15-4. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm sức khỏe Đại học Trung ương Venezuela, có 76% bệnh viện ở nước này lâm vào trình trạng khan hiếm thuốc, 81% thiếu thiết bị phẫu thuật và 70% bị gián đoạn nguồn cung nước. Nhiều người dân Venezuela phải đi sang Colombia để mua thuốc men - Ảnh: The New York Times

Tù nhân tại đồn cảnh sát đô thị Chacao, phía đông thành phố Caracas, ngày 27-5. Nhiều nhà tù ở Venezuela phải chứa đến 20.000 tù nhân khi sức chứa chỉ 5.000. Các nhà tù ở Venezuela đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng do số lượng tù nhân tăng lên hằng ngày. Số người Venezuela bị bắt giữ tăng cao vì các tội như ăn cướp, bắt cóc và giết người - Ảnh: Time

Hai người đàn ông nhặt khoai tây tại một khu đổ rác ở chợ Coche tại thủ đô Caracas ngày 31-5. Tại ngôi chợ này, thậm chí nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu cũng phải đến lượm những thứ còn ăn được để ăn hoặc bán lại - Ảnh: AP

Phóng sự do hãng tin AP thực hiện cho thấy nhiều người đổ xô đến chợ để nhặt rau quả bỏ đi

Một bao tiền Venezuela tại một quầy đổi tiền ở Puerto Santander, Colombia ngày 3-6. Trước tình hình lương thực khan hiếm cực độ, nhiều người Venezuela ở gần biên giới Colombia đã phải sang nước láng giềng để mua thức ăn - Ảnh: Reuters

Cảnh sát bồng một phụ nữ bị ngất xỉu khi đang xếp hàng mua thực phẩm tại một siêu thị ở Caracas ngày 10-6. Dòng người dài dằng dặc và thời gian chờ đợi kéo dài khiến nhiều người không trụ vững - Ảnh: Reuters

Một người đàn ông la lớn trong một cuộc biểu tình chống chính phủ trước tình trạng thiếu hụt lương thực ở thủ đô Caracas ngày 14-6 - Ảnh: Reuters

Tháng 10 năm nay, bà Zulay Pulgar phải mang một trong những đứa con nhỏ của mình đi cho hàng xóm vì không có tiền nuôi. Bà Pulgar là một trong số những người mẹ nghèo ở Venezuela phải mang con đi cho, hoặc bỏ rơi con mình, do không thể nuôi nổi - Ảnh: Reuters

Nhiều người đợi trước một ngân hàng ở San Antonio del Tachira để đổi tiền ngày 13-12, sau khi Tổng thống Nicolas Maduro bất ngờ ra sắc lệnh loại bỏ tờ bạc mệnh giá 100 bolivar trong vòng 72 tiếng và phát hành tiền mệnh giá cao hơn, nhằm chống lại sự thao túng đồng tiền này của các tổ chức tội phạm và "thế lực thù địch bên ngoài" - Ảnh: Reuters

Người dân đốt tờ tiền mệnh giá 100 bolivar ở El Pinal ngày 16-12 để biểu tình sau khi lệnh thu hồi tiền này được ban bố. Những ngày giữa tháng 12, đất nước Venezuela trở nên cực kỳ hỗn loạn do tiền mới vẫn chưa kịp đến tay người dân trong khi đã hết hạn thu hồi tiền cũ. Chính phủ sau đó cho phép người dân xài tiền 100 bolivar đến đầu năm 2017 - Ảnh: Reuters

Người dân xúm vào hôi của tại một cửa hàng thực phẩm ở La Fria ngày 17-12 sau khi nơi này bị đập phá - Ảnh: Reuters

VIdeo do đài RT đăng hồi tháng 4 cho thấy tình trạng cướp bóc thức ăn ở Venezuela

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên