14/05/2017 18:00 GMT+7

Nhịp một ngày của đôi vợ chồng trẻ

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - Những vòng quay đều đặn của cuộc sống đời thường đôi khi nhàm chán và vô vị khiến chúng ta ngạt thở, nhưng biết đâu nếu ta hít thở cuộc sống ấy bằng nhịp điệu của thơ ca...

Diễn viên Adam Driver (vai Paterson) và Golshifteh Farahani (vai Laura) trong phim Paterson - Ảnh: IMDb
Diễn viên Adam Driver (vai Paterson) và Golshifteh Farahani (vai Laura) trong phim Paterson - Ảnh: IMDb

Như Paterson - anh chàng tài xế xe buýt thích làm thơ trong bộ phim cùng tên, ta sẽ cảm nhận được “mạch đời đang dâng muôn lối?”.

Paterson là một bộ phim nhỏ, rất nhỏ - một bộ phim độc lập thuần khiết nhất của thể loại này, mang dấu ấn và phong cách cá nhân rõ nét của đạo diễn Jim Jarmusch.

Phim của Jim hầu hết là những câu chuyện cá nhân, những con người bình dị trong cuộc sống. Ông không tham vọng kể những câu chuyện lớn, và càng không tham vọng để kể về các bi kịch lớn lao của con người.

Trailer Paterson 

Phim của ông là những nhịp thở đều bình lặng mà nếu người xem cảm được và đắm chìm vào thế giới do ông tạo ra, ta như thấy được những mạch đời dâng lên.

Paterson là một bộ phim như vậy, kể về nhịp sống đời thường tưởng như không có biến cố nào xảy ra trong một tuần của Paterson - một tài xế lái xe buýt và vợ của anh - Laura, một phụ nữ nội trợ có gốc gác Trung Đông.

Tận hưởng cuộc sống như chính nó

Bộ phim mở đầu với hình ảnh buổi sớm mai trên chiếc giường ngủ của hai vợ chồng, ánh sáng chiếu qua rèm cửa.

Paterson thức dậy theo đúng nhịp sinh học, liếc nhìn chiếc đồng hồ chuẩn bị nhích qua con số 6 giờ 15 phút sáng, ăn sáng một mình và ra khỏi nhà đến nơi làm việc.

Nhưng ở mỗi khoảnh khắc lặp lại đều đặn và có phần tẻ nhạt đó, Paterson luôn quan sát bằng đôi mắt và lắng nghe bằng đôi tai của anh.

Anh nhìn những que diêm màu xanh trong bao diêm nhãn Ohio Blue Tip và làm một bài thơ về nó trong giờ đợi lái xe buýt xuất phát. Anh lắng nghe những cuộc trò chuyện, đôi lúc vu vơ vô thưởng vô phạt, đôi lúc rất nghiêm túc của những hành khách.

Sau giờ làm, anh thường đi bộ về nhà, đến một quán bar gọi một vại bia, ngắm nhìn những bức chân dung nhà thơ hay nghệ sĩ treo trên tường, quan sát những quân cờ trên bàn hay nhìn hai người đàn ông đang say mê chơi cờ...

Những ý thơ cứ thế hình thành trong đầu và anh viết chúng vào cuốn sổ tay bí mật mà anh luôn mang theo bên mình.

Khi ta còn trẻ, ta học được rằng không gian có ba chiều: cao, rộng và sâu
Như một chiếc hộp giày
Rồi, sau đó ta nghe được có một chiều thứ tư
Là thời gian
Hừm
Rồi có người nói có thể có chiều thứ năm, sáu, bảy
Tôi làm xong việc
Đến quán bar và uống một vại bia
Tôi nhìn xuống chiếc ly và cảm thấy thật sảng khoái.

Paterson 

Những bài thơ ghi lại những quan sát, nhịp thở của cuộc sống được viết đều đặn trong cuốn sổ của anh và anh giữ nó cho riêng mình.

Mỗi buổi tối về nhà anh được Laura chào đón bằng những bất ngờ nho nhỏ. Cô tự tay thiết kế từng tấm rèm với những họa tiết độc đáo hoặc sơn lại bức tường với màu sắc kỳ quặc. Có hôm là một “chiếc bánh bí mật” với công thức đặc biệt.

Cô mơ ước được làm chủ một tiệm bánh cupcake và làm bánh đều đặn mỗi ngày chờ giấc mơ đó thành hiện thực.

Laura không ngừng khen ngợi những bài thơ của chồng, so sánh anh với những nhà thơ lớn lúc chưa nổi tiếng và khuyến khích anh in những bài thơ đó để “nhiều người cùng chiêm ngưỡng”.

Paterson cứ thơ thẩn trong cõi mộng mơ của riêng anh. Ta hầu như không thấy được bất cứ xáo trộn cảm xúc nào trên gương mặt của anh, ngay cả lúc anh đứng ra ngăn cản một vụ bạo lực (một anh diễn viên da màu dùng súng đòi tự sát nếu cô người yêu không quay lại với anh ta) hay chiếc xe buýt bị hỏng dọc đường bị hành khách than phiền.

Thậm chí Paterson cũng không dùng cả điện thoại di động hay bất cứ đồ dùng công nghệ hiện đại nào trong ngôi nhà của mình, bởi như anh nói: “Chúng như một sợi dây trói”. Paterson chấp nhận và đôi khi tận hưởng cuộc sống như chính nó, như chính cách anh chọn nó; khác với anh chàng đồng nghiệp Donny luôn than phiền về cái “gánh nặng cuộc sống” mà anh ta mang vác...

Nhưng sự bình thản trên gương mặt của Paterson luôn ẩn chứa một điều gì đó bên trong, một cuộc đấu tranh với chính nội tâm của anh mà ta không biết được. Nó như thế giới nội tâm của mỗi người trong chúng ta mà đôi khi chính ta còn không hiểu được.

Vợ chồng Paterson trong phim Paterson


Và luôn có một ngày khác sắp đến...

Như những bộ phim trước của mình, Jim Jarmusch giữ vai trò biên kịch và đạo diễn Paterson. Nhan đề này là tên của một thành phố công nghiệp ở New Jersey, đồng thời là tên riêng của nhân vật chính.

Và toàn bộ những cảnh trong phim đều được quay ở thành phố này, một thành phố của thơ ca, quê hương của những nhà thơ lớn như Williams Carlos William, Allen Ginsberg...

Jim Jarmusch từng dẫn một câu nói của Nicholas Ray - đạo diễn yêu thích của ông - để minh họa cho phong cách đạo diễn của mình:

“Mỗi bộ phim dài là sự tiếp nối của những câu chuyện nhỏ. Mỗi cảnh là một bộ phim độc lập, và tất cả cùng nhau tạo thành một tổng thể rành mạch”. Và ở bộ phim thấm đẫm không khí thơ ca này, ta có thể cảm nhận được điều đó rõ nét.

Những khung hình tuyệt đẹp của nhà quay phim Frederick Elmes mang đến những câu chuyện nhỏ như những lát cắt của đời thường. Ở đó, ta chứng kiến câu chuyện hòa điệu giữa hai tâm hồn thơ ca khi Paterson gặp một cô bé đang ngồi ghế đá đợi mẹ và chị gái, cô bé cũng có một “cuốn sổ bí mật” lưu giữ những bài thơ.

Cô bé đọc cho Paterson một bài thơ của mình có nhan đề là “Nước đổ”: Nước đổ từ bầu trời không sáng trong/Như mái tóc đổ qua đôi vai cô gái trẻ. Nước đổ, trên ngôi nhà tôi, trên vai mẹ tôi và tóc tôi/Mọi người gọi đó là mưa.

Một cảnh trong phim Paterson

Ở đó, nơi có thác nước nổi tiếng của thành phố Paterson, một nơi chốn mà Paterson hay đến để đắm chìm trong thế giới của riêng anh.

Ở đó, sau nỗi buồn vì cuốn sổ thơ bí mật bị con chó Bulldog của anh xé nát, Paterson gặp một người đàn ông đến từ Nhật Bản “viếng thăm thành phố Paterson của nhà thơ vĩ đại Williams Carlos William, của Allen Ginsberg...”.

Rồi họ nói chuyện về thơ ca, về những nhà thơ của các vùng đất khác, về những kẻ “sống và hít thở bằng thơ ca”. Trong chiếc túi xách của ông ta cũng có một cuốn sổ chứa những bài thơ viết bằng tiếng Nhật nhưng không muốn dịch ra tiếng Anh, bởi vì “thơ dịch giống như ta tắm mà vẫn mặc áo mưa”.

Paterson giống như một bài thơ được ghép nối bằng các khuôn hình đẹp như những bức tranh của cuộc sống, ta không cần cố để “dịch” nó, ta cũng chẳng cần “đọc” nó bởi như người đàn ông Nhật Bản nói:

“Trong một cuốn sổ tay, đôi khi trang trắng thể hiện được nhiều điều nhất”; ta chỉ cần cảm nhận và hít thở hơi thở cuộc sống ấy bằng thơ ca, như cách Paterson cảm nhận cuộc sống mỗi ngày. Một cuộc sống mà “Ánh mặt trời luôn mọc mỗi sáng và lặn mỗi chiều. Và luôn có một ngày khác sắp đến”.

Paterson của Jim Jarmusch

Jim Jarmusch luôn từ chối cộng tác với các hãng phim lớn để hoàn toàn tự do làm phim theo phong cách cá nhân của mình, nơi mà mỗi khuôn hình như một bức tranh và khi ghép chúng lại với nhau, ông mang đến một chiếc vòng tuyệt đẹp được khảm bằng bàn tay của người thợ thủ công khéo léo.

Kể từ bộ phim đầu tay Permanent vacation (1980) và sau đó là Stranger than paradise được LHP Cannes phát hiện và trao giải “Camera vàng”, đến nay Jim Jarmusch đã biên kịch và đạo diễn 12 bộ phim và hầu hết đều được đánh giá cao.

Ông là một đạo diễn được LHP Cannes đặc biệt yêu thích, với chín bộ phim từng tranh giải Cành cọ vàng, trong đó thành tựu cao nhất là Broken flowers giành Giải thưởng lớn của ban giám khảo năm 2005. Paterson là bộ phim tranh giải Cành cọ vàng năm 2016.

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên