26/05/2015 11:05 GMT+7

Nhiều tranh cãi tại LHP Cannes

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Một bộ phim Pháp kể về nỗi khốn cùng của những người di cư đã bất ngờ đoạt Cành cọ vàng tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2015.

Sự lựa chọn gây tranh cãi đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội của giới phê bình quốc tế.

Đạo diễn Pháp Jacques Audiard khoe giải thưởng Cành cọ vàng cao quý Ảnh: Reuters
Đạo diễn Pháp Jacques Audiard khoe giải thưởng Cành cọ vàng cao quý - Ảnh: Reuters

Các thành viên ban giám khảo LHP Cannes, dẫn đầu là anh em đạo diễn Mỹ Joel và Ethan Coen, đã bỏ phiếu chọn Dheepan của nhà làm phim Pháp lừng danh Jacques Audiard.

Thông báo về kết quả giải Cành cọ vàng khiến các nhà báo và chuyên gia phê bình có mặt ở nhà hát Debussy ngạc nhiên và chưng hửng. “Một vài tiếng vỗ tay và những tiếng huýt sáo la ó nhẹ vang lên. Sự thất vọng được thể hiện hết sức rõ ràng” - một nhà phê bình mô tả. 

Bởi Dheepan dù được khen ngợi nhưng hoàn toàn không có mặt trong danh sách ứng cử viên Cành cọ vàng của giới chuyên môn. Tác phẩm của đạo diễn Audiard kể câu chuyện về ba người Tamil di cư từ Sri Lanka phải vật lộn với cuộc sống mới ở Paris.

Ðây là bộ phim được đánh giá “xuất hiện trong thời điểm thích hợp” và là “thông điệp chính trị” bởi châu Âu hiện đang đau đầu đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư trên Ðịa Trung Hải.

Cành cọ vàng tôn vinh sự cống hiến!

Nhà phê bình Peter Bradshaw của báo Anh Guardian chỉ trích Cành cọ vàng dành cho Dheepan giống như một giải thưởng để tôn vinh sự cống hiến của đạo diễn Audiard, bởi Dheepan trên thực tế thua kém những kiệt tác trước đây của ông như The prophet (Nhà tiên tri) và Rust and bone (Gỉ sét và xương).

Chuyên gia Eric Kohn của trang Indiewire cho rằng Dheepan không xứng tầm Cành cọ vàng bởi LHP Cannes năm nay có nhiều tác phẩm dữ dội và dũng cảm hơn.

Từ trước đến nay, LHP Cannes luôn được xem là “thánh đường” tôn vinh nghệ thuật điện ảnh và là nơi bảo vệ nguyên tắc rằng chất lượng nghệ thuật của các bộ phim quan trọng hơn những yếu tố khác, ví dụ như độ ăn khách. Và các nhà phê bình chỉ trích sự lựa chọn của ban giám khảo năm nay là đã không tuân thủ đúng tinh thần này.

Trang báo Pháp France 24 cũng cho rằng chiến thắng của Dheepan là cú sốc lớn nhất tại LHP Cannes trong nhiều năm qua. Hai anh em đạo diễn Coen đã nổi nóng khi một phóng viên quốc tế đặt câu hỏi phải chăng họ ưu ái Dheepan bởi “không hiểu nổi cấu trúc phức tạp” của đại diện châu Á The assassin (Nữ sát thủ)?

Anh em Coen giải thích rằng các thành viên ban giám khảo đều là nghệ sĩ, họ đánh giá các tác phẩm tranh giải với con mắt của người nghệ sĩ chứ không phải theo cái nhìn của nhà phê bình.

Giải Grand Prix (giải nhì) được trao cho bộ phim của đạo diễn Hungary 38 tuổi Laszlo Nemes  Son of Saul (Con trai của Saul), một câu chuyện thảm khốc và dữ dội về cuộc diệt chủng Do Thái trong Thế chiến II.

Trước đó, phần lớn giới phê bình đều cho rằng Son of Saul xứng đáng với giải Cành cọ vàng. Cả DheepanSon of Saul đều có chủ đề chung là nhân tính bị mắc kẹt giữa cái ác tàn khốc, nhưng tác phẩm Hungary được đánh giá là đậm chất hiện thực và mạnh mẽ hơn Dheepan.

“Dù Son of Saul vuột mất Cành cọ vàng nhưng vẫn là tác phẩm khẳng định giá trị của Cannes” - nhà phê bình Kohn nhấn mạnh. Một ứng cử viên được yêu mến khác là The lobster (Tôm hùm) của nhà làm phim Hi Lạp Yorgos Lanthimos chỉ được nhận thưởng của ban giám khảo (giải ba).

The lobster là câu chuyện đậm chất trào phúng về những người độc thân phải tìm kiếm được bạn tình trong 45 ngày, nếu không sẽ bị biến thành động vật hoang dã.

Thêm nhiều ngạc nhiên

Ngoài Dheepan, lễ trao giải LHP Cannes 2015 còn có không ít ngạc nhiên. Thêm một cú sốc nữa là nữ diễn viên Cate Blanchett - ứng cử viên hàng đầu của giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất - đã bị ngó lơ.

Vinh dự này được chia đôi cho bạn diễn của Blanchett trong bộ phim đồng tính nữ Carol là Rooney Mara và nữ diễn viên Pháp kỳ cựu Emmanuelle Bercot với Mon roi (Nhà vua của tôi). Tác phẩm Pháp bị giới phê bình đánh giá thấp và chiến thắng của Bercot cũng gây ra những bức xúc nhất định.

Ðiện ảnh Pháp còn giành thêm một chiến thắng với giải nam diễn viên chính thuộc về Vincent Lindon trong phim The measure of a man (Phẩm giá đàn ông).

The assassin của nhà làm phim Ðài Loan Hầu Hiếu Hiền và nữ diễn viên Thư Kỳ dù cũng là ứng cử viên Cành cọ vàng hàng đầu nhưng chỉ được an ủi với giải đạo diễn xuất sắc nhất. The assassin được ca ngợi là “vô cùng diễm lệ” và “sáng tạo lại” dòng phim võ thuật cổ trang.

Giải quan trọng còn lại là kịch bản hay nhất thuộc về nhà làm phim Mexico Michel Franco với Chronic (Bệnh kinh niên). Giới phê bình bày tỏ niềm tiếc nuối với một số tác phẩm xuất sắc khác tại LHP Cannes như bộ phim Ý My mother (Mẹ tôi) hay Sơn hà cố nhân của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha.

Dù vậy, như các thành viên ban giám khảo LHP Cannes giải thích, không thể nào trao thưởng hết cho các tác phẩm xuất sắc có mặt tại đây được.

Sau lễ trao giải, Thủ tướng Pháp Manuel Valls gửi tin nhắn lên mạng xã hội Twitter: “Ðiện ảnh Pháp tỏa sáng tại Cannes và trên thế giới”.

Nhưng với việc giới phê bình chỉ trích đạo diễn LHP Cannes Thierry Fremaux ưu ái nhiều phim Pháp và chiến thắng gây tranh cãi của Dheepan, Cannes năm nay đã có một cái kết không làm những người yêu điện ảnh nghệ thuật hài lòng.

“Rất đáng thất vọng và không ai lấy làm vui. Ðúng là một kết thúc không có cao trào” - nhà phê bình Jay Weissberg của tạp chí Variety than thở.

Người Pháp không còn mơ mộng Cannes?

Trong hai ngày 21 và 22-5, Viện Odoxa đã khảo sát ý kiến về LHP Cannes của 999 người trưởng thành và tiêu biểu cho toàn bộ dân số Pháp.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên nhật báo Le Parisien ngày 24-5 (ngày cuối cùng của LHP Cannes) cho thấy “người Pháp không còn mơ mộng đến thảm đỏ, những chiếc váy dạ hội và ánh đèn flash của LHP Cannes”.

Về phía những ý kiến tích cực, LHP được đánh giá là lôi cuốn (73%), làm rạng danh nước Pháp (69%), tốt (56%), gây ấn tượng (52%) và hướng đến toàn thế giới (44%).

Tuy nhiên, phần lớn người Pháp cho rằng thế giới thu nhỏ của Cannes là khó gần gũi (78%) và chỉ thuộc về người giàu (78%), phô trương và cực đoan (84%) nên không còn làm người Pháp mơ mộng nữa (76%).

Ðiều thú vị là báo Pháp đã dùng từ "bling-bling" để nói về tính phô trương và cực đoan của LHP Cannes. Ðây là một biệt ngữ của giới trẻ để ám chỉ trang sức và quần áo lố lăng của một số ca sĩ nhạc rap.

LHP Cannes còn bị chê là thiếu chiều sâu (77%) và lãng phí ngân sách (64%). Tuy nhiên, ban tổ chức LHP giải thích rằng trong tổng kinh phí 20 triệu euro (hơn 479 tỉ đồng) năm 2015, chỉ có một nửa do nhà nước cấp, phần còn lại đến từ các nhà tài trợ.

CÔNG KHANH (Theo 20 minutes)

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên