29/09/2017 12:44 GMT+7

​Nhiều người ủng hộ ý kiến của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

SĨ HUYÊN (ghi)
SĨ HUYÊN (ghi)

TTO- Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều nhà chuyên môn bày tỏ quan điểm ủng hộ ý kiến của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng, Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cần tổ chức một hội nghị mở rộng để lắng nghe tất cả ý kiến của những người có chuyên môn, tâm huyết đối với bóng đá nước nhà.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái). Ảnh tư liệu. Tác giả ảnh: NAM KHÁNH

Hôm 28-9, phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VH-TT&DL cần tổ chức một hội nghị mở rộng để lắng nghe tất cả ý kiến của những người có chuyên môn, tâm huyết đối với bóng đá nước nhà.

“Có làm rõ nguyên nhân thực sự khiến người hâm mộ không đến là vì sân bãi không tốt, trình độ cầu thủ chưa cao hay vì bóng đá chưa thực sự lành mạnh, trong sạch như dư luận phản ảnh. Từ đó mới đưa ra được giải pháp, “liệu pháp điều trị” đúng, xử lý tận gốc những vấn đề liên quan đến cầu thủ, trọng tài, doanh nghiệp đầu tư...” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của giới chuyên môn

Chủ tịch VFF không nhất thiết phải có chuyên môn

Khán đài sân Gò Đậu vắng hoe trong trận lượt về V-League 2017 giữa B.Bình Dương (xanh) và Sông Lam Nghệ An (vàng). Ảnh: ANH QUANG

HLV Lê Thụy Hải: “Thật vui khi lâu lắm rồi bóng đá nước nhà mới có được sự quan tâm sâu sắc từ một vị lãnh đạo chính phủ. Tôi hoàn toàn tán đồng về gợi ý từ phó thủ tướng Vũ Đức Đam rằng Tổng cục TDTT và VFF nên gấp rút tổ chức một hội nghị hay hội thảo, mời gọi các nhà chuyên môn, người yêu bóng đá, lãnh đạo các CLB chuyên nghiệp, đại diện cầu thủ, trọng tài, HLV v.v…đến tham dự, đóng góp ý kiến xây dựng trong nỗ lực vực dậy nền bóng đá nước nhà.

Là người luôn đau đáu với sự phát triển của bóng đá, nếu tôi được mời tham dự cuộc họp ấy, tôi sẽ mạn phép đóng góp vài ý kiến như sau:

1- Theo tôi, chủ tịch VFF phải là người có tầm, có tâm và đặc biệt là tiếng nói của vị ấy phải có trọng lượng đối với các LĐBĐ địa phương cũng như lãnh đạo ở địa phương.

Tầm và tâm ở đây là sự bao quát, biết hoạch định chiến lược, đưa ra những dự án chiến lược ngắn hạn- dài hạn để từng bước vực dậy nền bóng đá nước nhà.

VFF phải tìm cách tự chủ hoàn toàn về nguồn kinh phí, đừng nên ngửa tay chờ đợi sự cấp phát từ ngân sách nhà nước trong việc duy trì các đội tuyển quốc gia hay thuê HLV ngoại.

Và điều quan trọng là tất cả các thành viên của VFF khi được tín nhiệm bầu vào ban chấp hành rồi thì phải cùng nhau xắn tay áo vào làm việc chứ đừng nên tham gia “cho vui” hay vào VFF để đánh bóng hình ảnh cá nhân. Và tất nhiên là không nên tham gia cuộc chơi để mưu cầu lợi ích nhóm.

2- Chủ tịch không nhất thiết là người có chuyên môn bóng đá mà đòi hỏi phải đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo sáng suốt, đúng chủ trương đường lối và thật sự hành động vì phong trào chung.

Với một người đứng đầu như vậy, đòi hỏi cấp dưới của chủ tịch VFF phải là những người có nghề, là dân chuyên môn để từ đó tham mưu cho chủ tịch về định hướng phát triển của bóng đá phong trào, bóng đá trẻ và bóng đá đỉnh cao.

3- Ở góc nhìn của mình, tôi cho rằng chủ tịch VFF phải là người của nhà nước thì sẽ rất thuận lợi trong công tác đối ngoại, tạo được tiếng nói có trọng lượng với lãnh đạo các địa phương trên cả nước. Có như vậy thì sự hoạt động của các CLB mới thuận lợi hơn về mọi mặt. Sở dĩ tôi nêu ra gợi ý này là vì cơ sở vật chất trên toàn quốc đều do địa phương quản lý, CLB bóng đá chuyên nghiệp chỉ là đối tượng thuê sân tổ chức thi đấu, tập luyện chứ không được tự chủ hoàn toàn về sân bãi.

Bất cập từ hệ thống thi đấu, đào tạo, sai sót của trọng tài

Cầu thủ phản ứng trọng tài, hình ảnh phản cảm thường bắt gặp ở V-League. Ảnh: ANH TIẾN

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương: “Gợi ý của phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc làm việc với Tổng cục TDTT và VFF có đặt ra câu hỏi với các nhà quản lý thể thao nói chung và quản lý bóng đá nói riêng là vì sao người hâm mộ ngày càng ít đến sân?

Với góc nhìn của một người làm công tác chuyên môn, tôi cho rằng V-League ngày càng thưa vắng người xem là do các nguyên nhân chính như sau:

- Hệ thống thi đấu đang hết sức bất cập, phát triển không đồng đều và hết sức bất hợp lý. Ví dụ như ở giải V-League thì có tới 14 CLB tham dự, nhưng quay sang giải hạng nhất chỉ có 7 đội. Chân đế không rộng thử hỏi làm sao giải cao hơn có thể phát triển tốt?!

- Bên cạnh việc mắc phải những sai sót trong khi điều hành trận đấu, vai trò và tiếng nói cũng như các quyết định của đội ngũ trọng tài không được tôn trọng, luôn bị cầu thủ phản ứng ngay trên sân cỏ, tạo nên hình ảnh phản cảm làm người xem chán chường. Không dừng lại ở đó, nhiều lãnh đạo lẫn HLV luôn đưa ra những chỉ trích, phê phán trọng tài thậm chí là ngờ vực trọng tài thổi còi thiếu công tâm.

Vô tình, những hành vi ấy càng làm cho đội ngũ trọng tài bị giảm uy tín và bị tổn thương nặng nề.

- 17 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, thực chất bóng đá chuyên nghiệp VN chỉ là cái vỏ bên ngoài, là hình thức và chỉ tiêu tiền chứ chưa hề làm ra tiền. Như vậy thì làm sao xứng danh là bóng đá chuyên nghiệp?

Khán đài sân Hàng Đẫy vắng bóng CĐV. Ảnh: NAM KHÁNH

Rất nhiều CLB tồn tại một cách rất phập phù, bởi chỉ cần nhà tài trợ rút lui vì lý do nào đó thì đội bóng ấy sẽ bị xóa sổ ngay tức khắc. Năm năm qua, bóng đá VN đã mất đi không ít hơn 5 CLB chuyên nghiệp bởi lý do đó.

- Chơi bóng trong bối cảnh chưa rõ ngày mai sẽ ra sao, nhiều cầu thủ không toàn tâm toàn ý với nghề, không biết nâng niu giữ gìn hình ảnh của CLB và của chính minh. Họ sẵn sàng lao vào chuyện “ăn miếng trả miếng”, chơi bóng đầy tính bạo lực hoặc có những hành vi thiếu văn hóa làm tổn thương người xem bóng đá chân chính.

- Tôi khẳng định rằng tiêu cực với bóng đá nước nhà vẫn còn đó, có điều tinh vi, khéo léo hơn. Buồn thay khi nhiều cầu thủ vẫn còn nếp nghĩ- không có cửa vô địch, không còn hi vọng lọt vào nhóm của huy chương và cũng không phải đối mặt với nguy cơ xuống hạng nên thi đấu cầm chừng, đợi hết mùa bóng để tìm bến đỗ mới với khoản lót tay hậu hĩnh hơn”. 

SĨ HUYÊN (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên