05/10/2011 08:09 GMT+7

Nhiều hạn chế khi Việt hóa phim Hàn

NGA LINH thực hiện
NGA LINH thực hiện

TT - Sau bài báo “Nở rộ phim Việt gốc Hàn” (Tuổi Trẻ ngày 4-10) chúng tôi nhận được nhiều email đồng tình của bạn đọc, và Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận ý kiến của những người trong cuộc.

F6lWqCof.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Cầu vồng tình yêu - Ảnh đoàn phim cung cấp

Chuyển thể từ bộ phim Vinh quang gia tộc (đã phát sóng trên HTV3) của Ðài SBS, sau sáu tập phim Cầu vồng tình yêu chưa xóa bỏ được hết dấu vết hơi hướng phim Hàn (xung đột gia đình đẩy lên thái quá) nhưng ít nhiều tạo thuyết phục với diễn xuất khá đều của các diễn viên. Bà ÐặNG THIếU NGÂN - một trong bốn tác giả kịch bản chuyển thể phim Việt hóa Cầu vồng tình yêu, kiêm trưởng Ban Thế giới điện ảnh online tạp chí Thế Giới Ðiện Ảnh - trao đổi với Tuổi Trẻ:

* Ðã trực tiếp chuyển thể phim Hàn, thông hiểu ngôn ngữ và có sự giao lưu với các nhà làm phim nước này, êkip của chị phải cẩn trọng như thế nào trong quá trình Việt hóa?

- Các kịch bản phim Hàn chủ yếu hấp dẫn ở lời thoại. Phần lớn đối thoại trong phim Hàn rất sâu sắc, xúc động, điều này tạo thành mạch lôi cuốn cho bộ phim. Khâu chuyển thể kịch bản Hàn từ trước tới nay của chúng ta thường theo quy trình biên dịch tiếng Hàn ra tiếng Việt, gọi là bản dịch thô, sau đó các biên kịch thuần Việt mới gia công, tỉa tót lại. Thực hiện theo quy trình này, lời hay ý đẹp, những gì tinh hoa nhất của nhiều câu nói đã bị rơi rụng đi do người dịch chỉ cắm cúi dịch, dịch cho đúng đã nghĩ là tốt chứ mấy ai để ý kỹ về bối cảnh, mày mò tìm từ ngữ thích hợp. Mà như thế đôi khi biên kịch cũng không thể có thêm cảm hứng sáng tác. Vì vậy, khi có ý định chuyển thể kịch bản phim Hàn sang phim Việt, điều cần chú ý đầu tiên là khâu ngôn ngữ.

* Chị tìm thấy những kinh nghiệm, bài học nghề nghiệp nào với những bộ phim chuyển thể gần đây không mấy thành công? Ðiều gì các nhà làm phim có thể tránh khi thực hiện các bộ phim Việt hóa?

- Hàn Quốc có quá nhiều kịch bản phim. Bản thân nhiều phim của Hàn Quốc còn na ná giống nhau nên việc lựa chọn một bộ phim để “nhào nặn lại” là điều không đơn giản. Có rất nhiều bộ phim nổi tiếng, phim thần tượng của Hàn được bán kịch bản ra nước ngoài, nhưng không phải bản sao nào cũng đẹp đẽ, tuyệt vời như nguyên bản. Ðấy là sự thất bại của những lựa chọn chưa tới nơi, vì người ta chỉ nhìn vào thành công của nguyên bản, không hiểu việc chuyển từ kim chi sang rau muống, sang hamburger, sang mì Ý... thì sẽ phải gia giảm lại thế nào cho phù hợp.

Có một điều nhận thấy rõ là hầu hết phim Việt hóa không thành công thuộc hàng “bom tấn”, ăn khách của làn sóng Hàn tại Việt Nam và nhiều nước khác. Ngoài những hạn chế khách quan như tình cảm và sự xét nét của khán giả, thì hạn chế chủ quan của những bộ phim được Việt hóa phần lớn ở đoạn chuyển ngữ, sắp xếp tình huống và diễn xuất của diễn viên.

Ngoại trừ một số diễn viên gạo cội, trừ thêm một số diễn viên tay ngang có năng khiếu; dàn diễn viên trẻ của chúng ta không được “nhào nặn” kinh khủng như diễn viên trẻ của Hàn Quốc. Hời hợt trong cách thể hiện, lời thoại ngô nghê, nét diễn vô hồn dĩ nhiên sẽ bồi thêm những thất bại cho một “siêu phẩm nước hai”. Trường hợp Cầu vồng tình yêu tạm đang được yêu thích, có thể nói đó là do sự thận trọng khi lựa chọn kịch bản, sự cầu kỳ trong việc tuyển lựa đúng người, đúng việc, từ khâu đọc, khâu viết đến êkip sản xuất, dàn diễn viên tham gia...

* Nhà văn - nhà biên kịchNguyễn Quang Lập:

Thứ nhất, việc nở rộ phim truyền hình Việt hóa cho thấy các nhà sản xuất rất có thể đang mất niềm tin vào lực lượng sáng tác kịch bản trong nước (đang không đáp ứng được thị hiếu người xem). Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, họ lại đang coi thường đội ngũ biên kịch, chưa kể không đánh giá đúng khả năng của đội ngũ này. Nó thể hiện ở chính cách họ trả nhuận bút, nhiều nơi cho đến nay vẫn trả ở mức trung bình 5 triệu đồng/tập. Có tủi thân không khi cách đây bốn năm năm, các nhà biên kịch Trung Quốc đã cho biết trung bình biên kịch nước họ được trả 2.000 USD/tập.

Sự coi thường nhiều khi thể hiện ở chính cách các nhà sản xuất tổ chức kịch bản. Nói thật, công tác tổ chức kịch bản, thẩm định và biên tập kịch bản là khâu yếu nhất hiện nay. Nếu người mua hàng yếu kém thì làm sao có được những kịch bản chất lượng cao? Nếu có chỉ là gặp may mà thôi. Tôi biết đang xảy ra hiện tượng mua thành mớ các kịch bản của sinh viên rồi đem xào xáo lại. Làm sao đòi hỏi tác phẩm hay khi gốc rễ đã là những kịch bản còn thiếu nhiều vốn sống, kinh nghiệm...

Như tôi một lần đã nói trên báo Tuổi Trẻ, khi ta chưa giỏi chế biến đồ ta mà đòi lấy đồ tây (tức nước ngoài nói chung) để chế biến thành đồ ta là một ảo tưởng nguy hiểm. Không nên hiểu Việt hóa phim nước ngoài (cụ thể ở đây là phim Hàn Quốc) là thay tên Việt, bối cảnh Việt, câu thoại Việt. Điều cốt yếu ở đây là Việt hóa văn hóa, Việt hóa tâm sinh lý.

Nhiều người hỏi tôi cũng bộ phim đó khi dân ta xem phim nước ngoài thì rất thích, nhưng khi ta chế biến thành phim ta thì ai xem cũng chê là tại sao? Khoan hãy nói chuyện quay phim, dựng phim của ta hiện nay đang lấy cẩu thả, tháu cáy làm căn bản, mà hãy nhìn nhận khâu đầu tiên là tâm lý tiếp nhận của người xem. Khi xem phim “ngoại”, dân ta cho là mình xem chuyện của người ta. Còn khi xem phim đã Việt hóa thì ta đang xem chuyện của mình, cho nên tất cả những gì diễn đạt theo luật chơi của người sẽ bị coi là giả tạo, vô lý, thậm chí dở hơi. Vấn đề cốt tử là ở chỗ đó.

* Ông Trần Minh Tiến - giám đốc Hãng phim Lasta:

Sau bộ phim Vòng xoáy tình yêu (làm lại của Thái Lan, phát sóng năm 2005), chúng tôi cũng có ý định chuyển thể bộ phim thứ hai là Anh chị em sinh đôi. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc với nhóm biên kịch, chỉnh sửa đến lần thứ ba mà đọc kịch bản chúng tôi vẫn cảm thấy có nhiều điều không ổn, cuối cùng dự án này phải bị loại bỏ. Rõ ràng chuyển thể kịch bản nước ngoài để làm phim VN không phải là chuyện đơn giản.

Qua kinh nghiệm làm phim nhiều năm, chúng tôi thấy một bộ phim tốt phải có sự phối hợp tốt giữa kịch bản - nhà sản xuất và đạo diễn. Ngày xưa để có thể cầm bút viết, người viết phải đi thực tế nhiều. Ngày nay người viết ngồi trước máy tính và gõ. Họ thiếu kinh nghiệm sống. Hãng phim chúng tôi nhận được nhiều kịch bản gửi tới. Trong số đó chỉ có vài kịch bản tốt có thể làm phim, còn lại là hời hợt. Vì thế, chúng tôi chọn phương thức đặt hàng cho biên kịch.

Muốn có kịch bản hay cần có sự phối hợp trao đổi kỹ lưỡng với nhóm biên kịch. Trao đổi càng kỹ thì kịch bản càng tốt. Ngay từ buổi đầu, nhà sản xuất phải yêu cầu thật kỹ với nhóm biên kịch: làm phim về ai, ngành nghề nào, mức độ ra sao, các tình tiết như thế nào... khi kịch bản xong phải đọc kỹ để sửa chữa những chỗ không hợp lý. Quy trình này mất ít nhất hai tháng, thậm chí đến bốn, năm tháng. Nếu nhà sản xuất muốn có kịch bản nhanh chỉ còn cách mua của nước ngoài và chỉnh sửa lại chút ít mà thôi.

NGA LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Việt hóa phim Hàn