12/03/2015 08:18 GMT+7

Nhật tăng cường vai trò an ninh tại biển Đông

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Chính phủ Nhật đang chủ động tăng cường vai trò an ninh tại Đông Nam Á trong thời điểm căng thẳng trên biển Đông leo thang.

Đô đốc Harry B. Harris (trái) - tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, sát cánh cùng ông Kazutaka Sugimoto - tư lệnh Lực lượng phòng vệ biển của Nhật trong một buổi thị sát ngày 6-2 vừa qua - Ảnh: US Navy

Báo chí Nhật và Philippines đưa tin trong vài tháng tới, lần đầu tiên Nhật sẽ tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với Philippines ở ngoài khơi quốc gia Đông Nam Á này.

Đây là một phần trong thỏa thuận an ninh mà Tokyo và Manila ký kết hồi tháng 1 vừa qua. Hiện Nhật cũng đang đóng 10 tàu tuần tra cho cảnh sát biển Philippines và sẽ giao chiếc đầu tiên vào cuối năm nay.

Reuters dẫn nguồn tin từ Tokyo tiết lộ Nhật sẽ hỗ trợ Philippines xây dựng hạ tầng tại căn cứ của quân đội nước này trên đảo Palawan nhìn ra biển Đông.

Người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines Restituto Padilla tuyên bố: “Việc Nhật và Philippines cùng triển khai lực lượng hỗ trợ nhau bảo vệ các tuyến hàng hải là điều tự nhiên”.

Xu thế không thể đảo ngược

Hồi tháng 2, Chính phủ Nhật đã viện trợ tàu tuần tra đầu tiên cho cảnh sát biển Việt Nam. Theo cam kết giữa hai nước, Việt Nam sẽ nhận tổng cộng sáu tàu tuần tra từ lực lượng cảnh sát biển Nhật nhằm phục vụ hoạt động tuần tra an ninh trên biển. 

Hỗ trợ Philippines và Việt Nam là một phần trong chiến lược giúp Đông Nam Á duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt tại biển Đông, như Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng tuyên bố hồi năm ngoái.

Reuters dẫn lời học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) khẳng định đây là xu thế rõ ràng và chắc chắn Nhật sẽ không quay đầu lại bất chấp những phản đối của Trung Quốc thời gian qua.

Viện trợ quân sự để xuất khẩu vũ khí

Dự báo những thay đổi trong chính sách quốc phòng Nhật các tháng tới cũng sẽ giúp chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á.

Một trong những cơ chế hợp tác đang được xem xét là Tokyo sẽ viện trợ quân sự để thúc đẩy xuất khẩu vũ khí cho các nước khu vực.

Bắc Kinh cũng có thể sẽ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.

Reuters dẫn lời một nghị sĩ Nhật mô tả ADIZ của Trung Quốc trên biển Đông sẽ là một “thảm họa”, bởi nó sẽ hạn chế nghiêm trọng hoạt động hàng hải và hàng không khu vực.

Nhật có lợi ích quốc gia quan trọng ở biển Đông. Nếu kiểm soát vùng biển Đông Nam Á, Trung Quốc có thể chặn 60% nguồn cung năng lượng của Nhật.

“Nhật không có chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông nhưng bất ổn và xung đột trên biển Đông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia Nhật.

Do đó, Nhật hoàn toàn có quyền tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và ổn định trên biển Đông” - chuyên gia an ninh Corey Wallace thuộc Trung tâm Nghiên cứu Úc - Nhật ở Canberra (Úc) nhận định.

Thể hiện vai trò an ninh ở biển Đông cũng là bước để Chính phủ Nhật mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự quốc tế, một mục tiêu mà Thủ tướng Abe đề ra.

Tuần tra hợp pháp trên biển Đông

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani tuyên bố Tokyo có thể xem xét triển khai tàu và máy bay tuần tra trên biển Đông vì tầm quan trọng quá lớn của vùng biển này đối với nền kinh tế Nhật.

Trước đó, đô đốc Robert Thomas, tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ, đánh giá tàu tuần tra Nhật có thể giúp giám sát các hành vi gây hấn ở những vùng tranh chấp.

“Các nước đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực đều mong muốn Nhật thể hiện chức năng bảo vệ sự ổn định” - đô đốc Thomas nhấn mạnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết việc Nhật triển khai tàu và máy bay tuần tra ở biển Đông là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Giáo sư Thayer cho rằng việc Nhật tuần tra ở biển Đông là bước đi hợp lý.

Bởi Nhật hiện đã là một quốc gia dẫn đầu trong Thỏa thuận hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang (ReCAAP). Tàu cảnh sát biển Nhật cũng thường xuyên đến thăm các nước khu vực. Việc Nhật tăng cường hợp tác an ninh biển với các nước ven biển Đông do đó cũng hoàn toàn phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, Nhật cũng đang thắt chặt quan hệ với Úc. Theo Reuters, chính quyền Canberra mới cử một quan chức Bộ Quốc phòng Úc tới Tokyo để hỗ trợ Nhật xây dựng quan hệ vững chắc với Đông Nam Á.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc cho biết quan chức này sẽ làm việc ở Nhật trong vòng 18 tháng tới. Bộ Quốc phòng Nhật cũng đang tổ chức đàm phán với Malaysia và Indonesia về kế hoạch sản xuất vũ khí chung.

 

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên