20/08/2013 06:13 GMT+7

Pha sữa - không phải ai cũng biết!

ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

TT - Qua dư luận về việc sữa công thức nhiễm khuẩn được đăng tải trên báo chí thời gian gần đây, chúng tôi xin trích đăng các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới quanh việc pha sữa công thức cho trẻ như thế nào là phù hợp nhất.

Sữa công thức vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn

Với công nghệ sản xuất sữa công thức cho trẻ dưới 12 tháng tuổi hiện tại, sữa công thức không thể hoàn toàn được tiệt trùng dù tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Điều này có nghĩa đôi khi sữa công thức vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn. Vi khuẩn bị nhiễm phổ biến nhất là Enterobacteria sakazakii và Salmonella enterica. Enterobacteria sakazakii được chứng minh gây bệnh cho trẻ sơ sinh từ năm 1958, Salmonella enterica được báo cáo từ năm 1995. Tuy nhiên tần suất mắc bệnh cũng không cao, Enterobacteria sakazakii gây ra khoảng 70 ca bệnh trên toàn thế giới kể từ năm 1958, Salmonella gây đợt nhiễm 141 trẻ ở Pháp năm 2005.

Ngoài ra trẻ cũng có thể bị bội nhiễm hai loại vi khuẩn này nếu trong quá trình pha sữa cho trẻ tay của người pha và các dụng cụ pha (bình sữa, ly, muỗng) không sạch.

Trẻ nào dễ bị bệnh?

Về mặt lý thuyết tất cả trẻ đều có nguy cơ mắc bệnh từ sữa nhiễm khuẩn. Tuy nhiên một số trẻ có nguy cơ cao hơn như trẻ sinh non tháng, nhẹ cân (dưới 2,5kg), trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng) và đặc biệt trẻ dưới 2 tháng tuổi, trẻ suy giảm miễn dịch (mẹ nhiễm HIV).

Nên pha sữa bằng nước nóng 70độ C

Trước đây, theo khuyến nghị của các nhà sản xuất và phổ biến trong cộng đồng, mọi người vẫn thường pha sữa với nước nóng 40-50độ C. Tuy nhiên theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để diệt được các vi khuẩn trên cần pha sữa ở nhiệt độ 70độ C rồi làm nguội tức thì bằng cách để bình sữa dưới vòi nước chảy hay ngâm trong nước lạnh. Nên kiểm tra kỹ nhiệt độ sữa trước khi cho trẻ bú, tránh làm phỏng trẻ.

Để có nước nóng 70độ C, có thể dùng nước sôi để trong bình thủy hoặc nước vừa đun sôi để nguội khoảng 30 phút. Ngoài ra, để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn nên cho trẻ uống sữa ngay sau khi pha. Dù trẻ uống không hết, phụ huynh không nên lưu trữ quá 1-2 giờ. Trường hợp cần pha sữa trước cho nhiều cữ bú, phải dự trữ sữa trong tủ lạnh với nhiệt độ 5độ C không quá 24 giờ.

Quá trình vệ sinh và pha sữa cũng cần đảm bảo đúng quy định. Trước tiên nên rửa tay bằng xà bông trước khi pha sữa. Khi rửa bình sữa, phụ huynh cần dùng bàn chải rửa bình dài rửa sâu trong bình sữa và rửa bằng xà phòng. Bên cạnh đó có thể dùng các máy tiệt trùng bình sữa theo cơ chế hơi nước nóng hay đun trực tiếp bình sữa trong nồi nước sôi. Sau đó để bình sữa, núm ti bình trong nồi đun tiệt trùng và đậy kín cho đến khi cần dùng đến.

Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ

Hằng năm Tổ chức Y tế thế giới đều tăng cường mối quan tâm của cộng đồng về nuôi con bằng sữa mẹ thông qua việc kỷ niệm tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ (tuần lễ từ 1 đến 7-8 hằng năm) trên 170 quốc gia trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khẳng định sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu và hiệu quả nhất trong việc bảo đảm sức khỏe của trẻ.

ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên