15/10/2016 10:38 GMT+7

Nhật hối thúc quốc hội chóng thông qua TPP

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ngày 14-10, Chính phủ Nhật Bản hối thúc quốc hội mau chóng phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Khách tham quan chụp ảnh một mẫu máy bay 787 Dreamliner của hãng Boeing trong triển lãm hàng không Nhật Bản 2016 tại Tokyo tuần này. Boeing là một trong các tập đoàn của Mỹ dự kiến sẽ được hưởng lợi từ hiệp định TPP - Ảnh: Reuters
Khách tham quan chụp ảnh một mẫu máy bay 787 Dreamliner của hãng Boeing trong triển lãm hàng không Nhật Bản 2016 tại Tokyo tuần này. Boeing là một trong các tập đoàn của Mỹ dự kiến sẽ được hưởng lợi từ hiệp định TPP - Ảnh: Reuters

Theo Wall Street Journal, ngay khi các nghị sĩ trong quốc hội bắt đầu phiên thảo luận ngày 14-10, Bộ trưởng Kinh tế và chính sách tài chính Nobuteru Ishihara, người được thủ tướng Abe giao phụ trách vấn đề TPP của Nhật Bản, nêu quan điểm: "Việc Nhật Bản thông qua hiệp định này sẽ tạo lực đẩy cho việc sớm thông qua TPP tại Mỹ".

Một vài quốc gia khác trong số 12 nước cùng tham gia TPP, trong đó có Úc, cũng đã có những bước xúc tiến thúc đẩy thông qua hiệp định thương mại này, dù vậy cũng không nhanh chóng như Nhật Bản.

Chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe muốn phê chuẩn TPP trước khi Quốc hội Mỹ bắt đầu phiên họp ngày 14-11, tức là thời điểm nước Mỹ đã bầu xong tân tổng thống cho nhiệm kỳ mới.

Động thái này cho thấy quyết tâm thúc đẩy sớm quá trình thông qua hiệp định TPP của Nhật Bản, bất chấp các tuyên bố dường như rất quả quyết của cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ.

Cả ông Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton đều cho biết họ phản đối TPP. Chưa kể còn có sự phản đối mạnh mẽ về hiệp định này từ cả hai đảng phái chính tại Mỹ.

Các quan chức Nhật Bản và Úc cho biết họ vẫn hi vọng sau khi mùa bầu cử ở Mỹ kết thúc, một phiên họp do tổng thống Barack Obama vẫn còn đang nắm quyền điều hành sẽ là cánh cửa mở ra cơ hội cho việc phê chuẩn TPP.

Chính quyền của tổng thống Obama đã tham gia đàm phán thỏa thuậ TPP và bản thân ông Obama là người ủng hộ mạnh mẽ hiệp định này.

Tuy nhiên trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Thương mại Úc Steve Ciobo cho biết ông "lạc quan một cách thận trọng" về khả năng Mỹ sẽ phê chuẩn TPP.

Nếu các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương sớm phê chuẩn TPP, điều này sẽ tạo ra một lợi thế gây áp lực mang tính "phủ đầu" để Washington không thể bàn lại chuyện này.

"Chúng tôi không muốn, bản thân tôi không hề mong muốn chút nào, việc phải đàm phán lại hiệp định này", ông Ciobo nói.

Quan điểm của ông Ciobo cũng tương đồng với thủ tướng Singapore. Tháng trước tại Tokyo, Nhật Bản, ông Lý Hiển Long nói: "Tôi nghĩ việc bàn lại tất cả những chuyện này sẽ rất khó khăn. Trong tình hình tốt nhất thì cũng phải mất vài năm nữa, còn trong tình huống tệ nhất thì có thể hiệp định sẽ bị hủy bỏ".

Giới lãnh đạo Nhật Bản coi TPP như một yếu tố then chốt trong chiến lược cả kinh tế lẫn an ninh quốc gia của nước này.

Phát biểu ngày 13-10 thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: "Tự do thương mại là nền tảng cho chính sách phát triển kinh tế thời hậu chiến của Nhật Bản.

Giới quan chức Nhật Bản cho biết nếu được thực thi, TPP sẽ lập tức giúp xóa bỏ thuế với hơn 80% phụ kiện ô tô của Nhật xuất khẩu đi Mỹ. Điều này giúp các nhà sản xuất ô tô của Nhật vận hành các nhà máy của họ tại Mỹ với chi phí thấp hơn nhiều.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên