03/12/2015 11:25 GMT+7

Nhân viên xe buýt lao đao vì giảm lương

YẾN TRINH - NGỌC ẨN
YẾN TRINH - NGỌC ẨN

TT - Giống như nhiều người về TP.HCM tìm việc làm, anh Võ Nguyên Thịnh (22 tuổi) rời Long An để làm tiếp viên xe buýt ở Sài Gòn hơn một năm nay. Anh mô tả công việc rất vất vả vậy mà mấy tháng nay tiền lương lại giảm vì quy định mới...

Một số tài xế và tiếp viên xe buýt phải ngủ lại xe để tiết kiệm tiền thuê nhà trọ - Ảnh: Y.Trinh

Sáng anh dậy từ 3g30 để chuẩn bị ra xe. Sau khi có lệnh xuất bến và tài xế đã kiểm tra tình trạng xe, thường là 4g40, anh sẽ lên xe buýt tuyến số 8 đi từ Q.8 đến Q.Thủ Đức, rồi vòng về.

“Một ngày tôi đi chừng 6-8 chuyến, tính ra mỗi ngày làm việc là mười mấy giờ. Thời gian nghỉ giữa các tuyến cũng không nhiều, thành ra tài xế lẫn tiếp viên thèm nhất là được ngủ” - anh nói.

Nghề làm dâu trăm họ

Theo giới tài xế thì công việc này luôn chịu áp lực vô hình từ sự bảo đảm tính mạng cho hành khách. Cường độ làm việc hầu như liên tục, điều khiển xe qua đủ kiểu đường sá to nhỏ quanh co, chuyện thắng gấp hay va chạm trên đường cũng thường xảy ra.

Áp lực “hữu hình” là việc chấp hành nghiêm chỉnh luật của hợp tác xã về giờ giấc hoạt động, hơn chục quy tắc ứng xử với hành khách được gắn trên xe phải tuân thủ... Nếu không chấp hành tốt, cả tài xế và tiếp viên đều chịu phạt.

Anh Nguyễn Minh Đức (38 tuổi, tài xế của Hợp tác xã vận tải 19-5) đúc kết: “Làm nghề này như làm dâu trăm họ, khác nhiều so với việc lái xe tải hay xe khách trước đây tôi từng làm”.

Với những tiếp viên nữ, sức khỏe có hạn, họ thường chọn đi ít tuyến hơn.

Chị Phạm Thị Ngọc Hà (33 tuổi, làm tiếp viên xe buýt năm năm nay) cho biết: “Ngoài lương cứng mỗi tháng, chúng tôi thường tự tính khoản còn lại theo ngày làm, trung bình mỗi ngày 200.000 đồng nếu đi sáu chuyến. Bữa nào mệt quá thì đi ít lại một chuyến, mất mấy chục ngàn nhưng đành chịu”.

Đi sớm về khuya, tiếp viên lẫn tài xế đều không có thời gian ăn cơm nhà. Chị Hà nhẩm tính mỗi ngày chị tốn khoảng 100.000 đồng tiền ăn uống. Công việc đòi hỏi sức bền nên sáng sớm khi rời nhà chị phải ăn xôi hoặc bánh mì, trưa thường là cơm hộp, đến chiều lại... bánh mì hoặc xôi.

Đa số tài xế và tiếp viên chúng tôi gặp đều chung cảnh rời bỏ quê hương nương náu nơi thành phố xa lạ này. Có người tuốt ngoài Bắc, có người miền Tây, có người giọng miền Trung trọ trẹ...

Chị Đồng Thị Tâm (32 tuổi, quê Kiên Giang) kể: “Hai vợ chồng lên đây tròn chục năm. Hai con 11 tuổi và 8 tuổi gửi ông bà ngoại nuôi, dù sao tiền học ở dưới cũng rẻ hơn trên Sài Gòn. Mỗi tháng tụi tôi gửi về 4 triệu đồng”.

Hỏi chị cách để dành dụm tiền trong khi nhiều tiếp viên xe buýt khác cho biết khó mà tiện tặn được, chị cười như mếu: “Mình là phụ nữ dù sao cũng biết cách nhín nhút. Bữa nào đỡ mệt thì dậy sớm hơn một giờ để nấu cơm đem theo ăn”.

Ông Nguyễn Duy Khánh (45 tuổi, tài xế của Hợp tác xã vận tải 19-5) cho biết ngoài gánh nặng gia đình còn lo cho người cha bệnh tật. Làm được bao nhiêu, trừ tiền ăn uống mỗi ngày, ông đưa hết cho vợ để lo cho cha mình và hai con đang học cấp I.

Vợ ông làm công nhân, hai vợ chồng nhiều khi chẳng đụng mặt nhau vì ông đi từ tờ mờ sáng, về lúc cả nhà đã ngủ. Con ông cũng hiểu cảnh khổ nên ít khi đòi cha ở nhà. Thành ra căn phòng trọ ở huyện Hóc Môn ban ngày chỉ có người cha già lủi thủi.

Sống quen trong cái khổ nên tài xế và tiếp viên xe buýt luôn cân đo đong đếm cuộc sống của mình, những thứ phải chi tiêu, những mối lo trong tương lai gần, rồi chép miệng: “Dù sao mình cũng còn đỡ, còn bám víu được...”.

Xe buýt là... nhà

Nhiều tài xế và tiếp viên rơi vào cảnh có nhà ở quê nhưng không thể về vì quê không cho họ công ăn việc làm. Lên thành phố, họ cũng không thuê nổi nhà trọ, mỗi tối khi xe về bến họ ngủ ngay trên chiếc xe mình đã mòn chân cả ngày.

Một số khác thuê phòng trọ ở gần bến phía Q.Thủ Đức trong khi nhiều bữa xe lại về bến Q.8 nên đành ngủ lại trên xe.

Chỉ chiếc balô đựng quần áo và đồ dùng cá nhân cất trên ngăn chứa đồ gần nóc xe, anh Thịnh nói đùa: “Gia tài của tôi đó. Tối xe về bến khoảng 9g, rửa xe xong tôi mắc võng, đóng cửa xe lại rồi ngủ. Mấy ngày đầu cũng khó ngủ và sờ sợ nhưng sau mệt quá nên không còn thấy bất tiện gì nữa. Người ta cũng ngủ như mình mà”.

Cuộc đời còn độc thân của Thịnh những năm gần đây đã dành phần lớn thời gian cho xe buýt, anh không biết địa điểm vui chơi nào trong thành phố. “Mẹ biết tôi trên này như vậy nên mỗi lần gọi điện đều nói ráng ráng lên con” - anh kể.

Tương tự, vợ chồng chị Hà, vợ chồng chị Trâm thuê trọ ở Q.Thủ Đức nhưng một tháng có hơn chục ngày ngủ trên xe buýt ở bến xe Q.8. Họ nói nghề nào nghiệp nấy, ngủ riết rồi cũng quen, vì xe buýt cũng giống như nhà của họ vậy.

Có lẽ trường hợp của bà Bùi Thẩm Mỹ, tiếp viên xe buýt, khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều về sức chịu đựng của con người. Ngoại trừ những đêm ngủ lại bến xe vì xe về bến trễ, còn lại bà đều chạy xe máy từ Q.8 về nhà mình tại Long An.

Bà kể có đêm dù xong xuôi công chuyện đã gần 22g nhưng bà vẫn ra dắt xe về nhà. Về nhà - hai từ ấy giúp người phụ nữ này bền bỉ đi đi về về như vậy 10 năm nay.

“Đi chừng một giờ rưỡi thì về tới nhà. Về tới thì ba đứa con cũng ngủ rồi. 3g sáng lại dậy chạy lên Sài Gòn để kịp theo xe” - bà nói.

Điêu đứng vì cách tính lương, bảo hiểm

Trong mấy bọc nilông đựng đồ dùng cá nhân được bỏ gọn trong vali bằng sắt để phía sau ghế cuối, bà Mỹ gói ghém nào là đồng phục tiếp viên, đồ bộ, một ít thuốc men... Những lời kể của bà về cách tắm rửa giặt đồ nghe cứ bùi ngùi:

“Mỗi lần tắm ở nhà vệ sinh công cộng là 7.000 đồng, nhưng tôi luôn nhớ đem xà bông theo để được trừ 2.000 đồng. Có chỗ chỉ có 6.000 đồng nhưng không phải bữa nào xe cũng ghé được. Đồ đưa người ta giặt mỗi bộ là 10.000 đồng, bữa sau đi ngang lấy. Đi vệ sinh 3.000 đồng/lần nhưng mình là tiếp viên nên người ta tính 2.000 đồng. Vậy mà có chỗ tính 4.000 đồng lận”.

Đừng nói tài xế xe buýt chỉ cần... bằng lái xe và tiếp viên cũng chẳng cần yêu cầu gì ghê gớm. Nghề nghiệp của họ phục vụ cho số đông và luôn phải tỉnh táo mềm mỏng để “làm dâu trăm họ”.

Có thể khi chính sách về tiền lương và chế độ cũng như đời sống tinh thần của họ được quan tâm một chút, ngành vận tải xe buýt sẽ có bước cải thiện. Bởi bất cứ ngành nghề gì cũng cần phải lấy người lao động làm trung tâm.

Đời sống của họ vốn đã cực khổ, vậy mà hiện nay, khoảng 5.000 tài xế và tiếp viên, nhân viên hoạt động trong ngành dịch vụ xe buýt tại TP.HCM đang điêu đứng vì cách tính lương.

Từ năm 2013 đến nay, lương tối thiểu đã được Nhà nước điều chỉnh từ mức 2 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng, rồi 3,1 triệu đồng/tháng nhưng họ chỉ được lãnh 2 triệu đồng/tháng theo quyết định số 23/2012/QĐ-UBND.

Không những thế, họ còn phải đóng ba loại phí bảo hiểm theo mức lương cao hơn mức thực tế nhận được.

Ông Lâm Văn Phấn, chủ nhiệm Hợp tác xã xe khách liên tỉnh và du lịch Việt Thắng, cho biết: “Tiền lương người lao động đã thấp mà còn phải đóng phí cao thì tiền lãnh được càng giảm”.

Nhiều tài xế đã bỏ nghề do không xoay xở được với mức lương quá thấp, một số xã viên cũng rút xe buýt của mình khỏi hợp tác xã.

Vi phạm quy định lương tối thiểu

Ông Cao Văn Sang - giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM - cho rằng hợp đồng lao động có mức lương cơ bản 2 triệu đồng/tháng là vi phạm quy định về mức lương tối thiểu hiện nay và không có giá trị. Doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định lương tối thiểu vùng, hiện nay đối với TP.HCM là 3,1 triệu đồng và từ năm 2016 sẽ tiếp tục tăng.

Theo ông, thực tế là không có người tài xế nào chấp nhận lương 2 triệu đồng. Thậm chí, nếu dựa trên mức 3,1 triệu đồng vẫn còn là mức quá thấp, chỉ áp dụng cho lao động phổ thông không có tay nghề, không qua đào tạo.

Đối với những hợp đồng có mức lương quá vô lý như vậy, BHXH sẽ yêu cầu phải nộp BHXH ít nhất là dựa trên lương tối thiểu vùng. Ông cho biết sẽ yêu cầu nơi thu BHXH kiểm tra xem tại sao những công ty này lại thực hiện chế độ hợp đồng không đúng về tiền lương.Vũ Thủy

Truy thu tiền lỡ ứng 100 tỉ đồng

Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết thực hiện theo nghị định 103/2012/ND-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2013 là 2,35 triệu đồng/người/tháng, sáu tháng đầu năm 2013 trung tâm đã tạm ứng tiền trợ giá xe buýt (100 tỉ đồng) với mức lương theo quy định trên.

Thế nhưng, sau đó UBND TP và Sở Giao thông vận tải TP phê duyệt dự toán tiền trợ giá xe buýt chỉ với mức lương 2 triệu đồng/người/tháng, nên trung tâm phải truy thu số tiền trên cho ngân sách thành phố (mức thu hồi này tương đương 350.000 đồng/người/tháng).

YẾN TRINH - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên