03/10/2016 16:25 GMT+7

​Nhận diện những thách thức về lao động trong ngành điện tử

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Đa số người lao động Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử là lao động kỹ năng thấp, lắp ráp hàng loạt và tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị thấp.

Đây là thực trạng được đưa ra tại báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Những năm gần đây, số lượng việc làm trong ngành công nghiệp điện tử tăng nhanh. Tổng số lao động trong ngành này đã tăng lên 7 lần trong vòng 8 năm, từ 46.000 lao động vào năm 2005 đến hơn 327.000 vào năm 2013 và khoảng 500.000 ở thời điểm hiện tại.

Theo các nghiên cứu mới của ILO, những thách thức của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam gồm: làm sao để cải thiện điều kiện lao động trong ngành, nắm bắt được công nghệ và kiến thức, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường toàn cầu.

Thực tế, khoảng 80% người lao động ở phân khúc dưới của ngành công nghiệp này hầu hết là lao động nữ, làm việc trong các dây chuyền lắp ráp. Phụ nữ cũng hầu như không giữ các vị trí kỹ thuật hay quản lý. Hơn nữa, các vị trí quản lý cấp cao trong ngành đều do người nước ngoài nắm giữ.

Nhìn chung, theo nghiên cứu của ILO thì điều kiện lao động tại các doanh nghiệp khá tốt. Tuy nhiên, các thách thức về tuân thủ Bộ luật Lao động vẫn còn tồn tại như vi phạm thời gian làm thêm giờ (vượt quá giới hạn 300 giờ/năm), phân biệt đối xử về giới, một số vấn đề về an toàn lao động và đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, đối thoại xã hội trong ngành vẫn còn yếu và có thể được cải thiện tốt hơn.

Nghiên cứu của ILO cũng chỉ ra rằng 99/100 doanh nghiệp điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chiếm đa số trong 20 doanh nghiệp lớn nhất là doanh nghiệp Nhật Bản, sau đó là các doanh nghiệp Hàn Quốc. Những doanh nghiệp lớn nhất này sử dụng một nửa tổng số lao động trong ngành.

Theo nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, mặc dù ngành điện tử là một biểu tượng cho sự hội nhập nhưng doanh nghiệp nội địa Việt Nam gần như đứng ngoài chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp chỉ cung cấp được thùng carton, bao bì, đóng gói.

Để khắc phục điều này, theo Giám đốc ILO tại Việt Nam Chang-Hee Lee, cần xây dựng những liên kết bền vững hơn giữa các doanh nghiệp đa quốc gia và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam để góp phần bảo đảm một lộ trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa bền vững. Khi những doanh nghiệp nội địa trở thành một đối tác tích cực của các doanh nghiệp đa quốc gia, các doanh nghiệp nội địa sẽ có mặt nhiều hơn trong chuỗi giá trị gia tăng cao.

“Những kết quả ‘hai bên cùng có lợi’ như vậy mang lại tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững cũng như việc làm bền vững cho người lao động. Điều này sẽ được hiện thực hóa khi khung pháp lý phù hợp được xây dựng, với một môi trường chính sách thuận lợi và những nỗ lực hợp tác của tất cả các bên”, Giám đốc ILO tại Việt Nam nói.

Mới đây, ILO cũng đưa ra Tuyên bố ba bên về các nguyên tắc liên quan tới doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội, trong đó đưa ra những hướng dẫn chính sách giúp tối ưu hóa đóng góp tích cực của các doanh nghiệp đa quốc gia đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể có.

Tuyên bố này cũng đưa ra cụ thể vai trò và trách nhiệm của quốc gia đầu tư, quốc gia sở tại, doanh nghiệp đa quốc gia, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động để có thể tối ưu hóa những đóng góp của doanh nghiệp đa quốc gia đối với sự phát triển kinh tế-xã hội thông qua hình thức đối thoại.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên