28/12/2004 02:35 GMT+7

Nhà văn hóa Thanh niên - trường thi Gia Định xưa

Đ.T. ghi
Đ.T. ghi

TT - Thành đoàn TP.HCM vừa phát động cuộc thi “Phương án kiến trúc Nhà văn hóa Thanh niên”. Nhiều ý tưởng chắc chắn đang nảy mầm trong nhiều bạn trẻ.

03Un93iK.jpgPhóng to
Một góc sân Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM trong một ngày hội HSSV - Ảnh: Thanh Đạm

Có một điều lý thú mà trước nay ít ai nhắc đến - một chi tiết có thể giúp những bạn đang có ý định dự thi quan tâm: địa bàn Nhà văn hóa Thanh niên là một di tích lịch sử văn hóa lâu đời.

Tiến sĩ Hồ Hữu Nhựt (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết:

- Vào năm 1801, khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua đã mở khoa thi hương khóa đầu tiên trên đất Gia Định nhưng lúc này chưa có trường thi. Khoa thi thứ hai mới có trường thi ở khu vực Đồng Tập Trận (nay là khu vực Bệnh viện Bình Dân trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM).

Từ năm 1848, dưới thời vua Tự Đức, trường thi Gia Định được chuyển về thôn Hòa Nghĩa, phía tây thành Gia Định (nay là khu vực Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM). Tại đây đã diễn ra sáu kỳ thi hương cho các sĩ tử từ các tỉnh Bình Thuận, Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên với các khoa thi: Mậu Thân (1848), Kỷ Dậu (1849), Canh Tuất (1850), Nhâm Tý (1852), Ất Mão (1855), Mậu Ngọ (1858).

Từ đây đã có 85 cử nhân với nhiều tên tuổi như Nguyễn Thới Thông (Nguyễn Thông), Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Thành Ý... Đến năm 1859, khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định thì trường thi Gia Định cũng không còn. Thời Pháp, nơi đây là nhà thi đấu đánh bun và đấu kiếm.

Thời chống Mỹ, từ 1963-1968 đây là trụ sở nhiều tổ chức thanh niên, SVHS của Thành đoàn, một trung tâm công khai, đấu tranh chính trị lớn ở Sài Gòn của nhiều phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng.

Ngày 30-4-1975, các cánh quân Thành đoàn tiến về TP hội tụ ở đây. Sau đó, nơi đây trở thành Câu lạc bộ Thanh niên, diễn ra nhiều hoạt động văn hóa phục vụ tuyên truyền, giáo dục thanh niên sống tốt, có lý tưởng. Năm 1979 đổi tên Nhà văn hóa Thanh niên đến ngày nay.

Sắp tới, Nhà văn hóa Thanh niên sẽ được xây dựng mới cao khoảng 15 tầng với nhiều khối chức năng. Lãnh đạo TP đã xác định đây là công trình mang dấu ấn mạnh mẽ, ấn tượng dành tặng thanh niên TP.

Thiết nghĩ trong kiến trúc xây dựng chính thức cần có một góc dành để nhắc nhớ khu vực nhiều dấu ấn lịch sử này, nên tái hiện một cách sống động trường thi hương Gia Định, một nét văn hóa độc đáo của VN mà nơi này từng ghi dấu.

Đ.T. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên