Nhà sáng chế "kỳ lạ"

ĐĂNG NAM 30/10/2005 01:10 GMT+7

TTCN - Tôn sùng nhà bác học Einstein, sẵn sàng cầm cố nhà cửa để có tiền sáng chế, thậm chí chui vào trong một chiếc máy suốt hai năm rưỡi trời chỉ với mục đích nghiên cứu... Có lẽ với giới nghiên cứu “nửa mùa”, không ai là không biết đến ông - nhà sáng chế Phan Đình Phương.

Phóng to

Máy quét rác đa năng thực hiện các động tác thu gom rác trên đường phố

TTCN - Tôn sùng nhà bác học Einstein, sẵn sàng cầm cố nhà cửa để có tiền sáng chế, thậm chí chui vào trong một chiếc máy suốt hai năm rưỡi trời chỉ với mục đích nghiên cứu... Có lẽ với giới nghiên cứu “nửa mùa”, không ai là không biết đến ông - nhà sáng chế Phan Đình Phương.

Tôi lần theo địa chỉ ghi trong giấy tìm đến nhà ông. Lẩn khuất trong một con hẻm ở cuối đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng), căn nhà nhỏ của gia đình ông Phương quả là quá khiêm tốn so với những gì tôi nghĩ trước đó. Ngay cả tấm bảng đề tên An Sinh (công ty TNHH do cha con ông sáng lập) cũng nhỉnh hơn chiếc cặp học sinh một tí và được treo lủng lẳng trên cao.

Bên trong sân, hàng đống thiết bị máy móc, cơ khí bày biện ngổn ngang... Tiếp tôi bên chiếc máy tính xách tay với chi chít những chi tiết đồ họa chồng chéo, ông Phương lẩm nhẩm: “Từ ngày đi Hội chợ Techmart ở Sài Gòn về, đêm tôi ngủ chưa đầy bốn tiếng. Công việc mụn cả đầu”. Nói rồi ông quay sang gí đầu vào chiếc máy tính xem như không có việc gì xảy ra.

“Xét ra tớ mới thành công chứ chưa thắng lợi”

Phóng to
Ông Phan Đình Phương

Tốt nghiệp kỹ sư hóa năm 1972 tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Phan Đình Phương xung phong về đầu quân làm anh lính tiếp vận nhiên liệu tại Cục Hậu cần thuộc Bộ tư lệnh phòng không - không quân. “Ngày ấy xăng dầu dùng cho máy bay hiếm lắm, xăng dầu của khối XHCN hầu như không thích ứng với những chiếc máy bay chiến lợi phẩm thu được của địch. Vậy là anh em bọn tôi ngồi bóp trán suy nghĩ”.

Cuối cùng bằng một phát kiến của mình, kỹ sư Phương đã buộc các chiếc máy bay hiệu HU-1H (Mỹ sản xuất) cất cánh bằng những thùng nhiên liệu mà ta có trong tay.

“Với phát kiến ấy tôi được đơn vị tặng một cuốn sổ”.

Sau giải phóng ông chuyển về công tác tại Nhà máy dưỡng khí Đà Nẵng. Đúng ngành nghề, ông Phương say sưa lao vào các công trình nghiên cứu khoa học. Mỗi lần nhắc đến chuyện cũ, vợ và con trai ông vẫn không quên được cảnh chồng, cha mình ôm chăn chiếu vào nằm trong một chiếc máy để làm việc. Suốt hai năm rưỡi trời, ông đã biến chiếc máy ấy thành căn phòng riêng của mình để nghiên cứu, sáng chế.

Rốt cuộc sau hơn 10 năm kỳ công, cuối cùng ông đã thành công trong việc sáng chế máy thu hồi hơi xăng và thiết bị thu hồi ngưng tụ hơi xăng được Nhà nước cấp bằng độc quyền sáng chế. “Cứ 1.000 lít xăng sẽ thu được 1,5 lít. Như vậy, nếu tính tất cả các trạm trung chuyển, bơm xăng trong nước, bình quân mỗi năm thiết bị này có thể tích cóp thu về gần 4.500 tấn xăng”.

Với ông Phương, trí tưởng tượng quan trọng không kém kiến thức. Có lẽ vậy mà ông là nhà nghiên cứu khoa học “nửa mùa” lãng mạn nhất. Không điều gì ông đã nghĩ đến mà không làm cho bằng được. “Đã làm khoa học thì phải nghĩ rằng thất bại là 100%, từ đó loại bỏ dần các nguyên nhân thất bại. Cuối cùng yếu tố còn lại sẽ là thành công”.

“Ông đã thành công rất nhiều công trình, vậy tại sao ông vẫn nghèo, vẫn thường xuyên làm giấy vay tiền, cầm cố xe. Thậm chí còn dùng cả sổ nghiệp chủ đi thế chấp... lấy 130 triệu đồng để tiếp tục nghiên cứu?”.

Nghe hỏi, ông Phương cười xòa, một nụ cười hết sức bình dị:

“Xét ra tớ chỉ mới thành công chứ chưa thắng lợi”.

Cúp vàng cho nhà sáng chế

Phóng to
Đây là chiếc máy quét rác của nước ngoài rao bán trên mạng Internet có giá thành đắt gấp hàng chục lần chiếc máy do ông Phương sáng chế.
Trong số hàng chục công trình đã ra mắt, dù không nói ra nhưng có lẽ ông Phương “cưng” nhất là phát minh máy chữa cháy tự động dùng CO2 đẩy các chất dập lửa. Đây là công trình nghiên cứu gây được tiếng vang không chỉ trong nước mà cả thế giới. Khi đưa ra trình trước Cơ quan Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, phát minh này đã đạt “điểm tuyệt đối” 5 chữ A kèm theo những lời đánh giá cao.

WIPO cũng thừa nhận phát minh này đã “vượt qua các sáng chế cùng lĩnh vực của Nga, Mỹ, Nhật và Cơ quan Patent châu Âu”. Với khả năng dập tắt rất nhanh những đám cháy xăng, gỗ hay cháy văn phòng bằng giải pháp dùng khí CO2 đẩy nước, đẩy bọt, đẩy bột chữa cháy..., phát minh này của ông đã được cơ quan phát minh sáng chế Hoa Kỳ cấp bằng độc quyền sáng chế và đã được Bộ Khoa học - công nghệ hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện nghiên cứu. “Đó là một động viên rất lớn với những người làm khoa học nghèo như tôi” - ông nói.

Với ông, quan điểm về nghiên cứu khoa học hết sức rõ ràng: “Cái gì mang tính xã hội cao, bức thiết hơn thì ưu tiên làm trước”. Vì thế mà không phải ngạc nhiên khi cái tên An Sinh được ông chọn đặt cho công ty TNHH bé xíu của mình: “Tất cả những phát kiến được chế tạo, ra đời tại đây trước hết phải mang tính an toàn và sinh lợi cho con người”. Với tôn chỉ ấy, suốt mấy chục năm qua hàng chục “đứa con” tinh thần của ông ra đời mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội như: thiết bị thu hồi ngưng tụ xăng, thiết bị chữa cháy tự động, thiết bị thu hồi C02, thiết bị tự động chùi rửa vỏ bình gas, thiết bị lau kính...

Đặc biệt mới đây, ông Phương cùng con trai mình là Phan Trọng Nghĩa đã khiến giới nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước sửng sốt khi công bố sáng chế thành công máy thu gom vật liệu rời đa năng với nhiều công dụng khác nhau: quét dọn rác, thu gom bắp, đậu, lúa, thậm chí còn làm được nhiệm vụ lau chùi vệ sinh tại các nhà ga, bệnh viện...

Âm thanh lạo xạo phát ra từ chiếc chổi của người lao công quét rác đêm đêm đã khiến ông Phương trằn trọc. Sau bốn tháng mày mò đo, vẽ, cuối cùng chiếc máy quét rác đầu tiên mô phỏng các động tác của người lao công chào đời. “Máy móc nào vận hành đúng y như con người làm thì chắc chắn sẽ thành công.

Phóng to
Máy quét rác đa năng biểu diễn động tác đổ rác vào thùng
Bởi khi lao động con người không có hành động thừa, đó là chưa nói đến động tác quét rác đã được đúc kết tự ngàn đời”. Nhưng để có được chiếc máy quét rác đa năng ấy, mấy ai biết được ông đã phải “xẻ thịt” chiếc xe máy Trung Quốc - phương tiện đi lại duy nhất của mình - để lấy động cơ gắn vào máy quét rác...

Với một động cơ 100cc (tương đương 7kW), mô phỏng động tác quét rác cộng với vận dụng nguyên lý động học hàng không, nhà sáng chế Phan Đình Phương đã thành công trong việc hút, dọn tất cả các rác rưởi, bụi bặm đường phố, kể cả rác dưới những ổ gà.

Cái tiện lợi của chiếc máy này là có thể bỏ rác vào thùng ngay trước mặt người công nhân mà không phải xoay người như các thiết bị quét rác của nước ngoài. Hơn nữa máy lại gọn nhẹ, rất cơ động và ít hao nhiên liệu. Theo tính toán, nếu sử dụng máy quét rác nhập ngoại thì mỗi kilômet quét tiêu tốn 4,8 - 5,1 lít xăng, trong khi với chiếc máy do ông sáng chế thì 100km quét chỉ tiêu tốn không quá 7 lít xăng. Đó là chưa kể tốc độ quét khá nhanh lên đến 15km/g, máy tự hút bụi, địa bàn hoạt động rộng và chỉ nặng không quá 250kg.

Chính vì những ưu điểm vượt trội ấy mà khi ra mắt máy quét rác đa năng đã gây sửng sốt cho không ít nhà khoa học và đã được Hội chợ triển lãm Techmart Việt Nam 2005 trao cúp vàng. Đó là một danh hiệu cao quí với những nhà sáng chế, nghiên cứu trong nước. Nhưng với ông, làm sao có được thật nhiều chiếc xe như vậy chạy trên hè phố để giải phóng bớt một phần nhọc nhằn của những công nhân vệ sinh mới là chiếc cúp vàng thật sự.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận