08/01/2017 08:05 GMT+7

Nhà sáng chế học lớp 5

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Chỉ là một nông dân học hết lớp 5 nhưng ông Bùi Thanh Tú (50 tuổi, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã tìm cách sáng chế máy móc phục vụ các lò làm bún trong vùng.

Nhà sáng chế không bằng cấp Bùi Thanh Tú - Ảnh: NGỌC TÀI
Nhà sáng chế không bằng cấp Bùi Thanh Tú - Ảnh: NGỌC TÀI

Nhờ đó xưởng cơ khí của ông Tú được nhiều lò bún khắp vùng ĐBSCL tìm tới đặt hàng. Đến nay, dây chuyền sản xuất bún, bánh hỏi, bánh phở tự động của ông còn được xuất ngoại sang tận nước Mỹ xa xôi. Cũng ở quốc gia này, ông Tú đã mở được hai văn phòng đại diện đặt tên là Đồng Tháp.

“Nghề nào cũng phải sáng tạo không ngừng. Làm máy xay bột thành công rồi tui liền nghĩ tới máy làm bún, làm bánh hỏi. Rồi phải nâng cấp tính tự động hóa, năng suất cao, giảm bớt càng nhiều sức người càng tốt. Sản phẩm mình không ngừng cải tiến mới trụ vững được vì sản xuất máy móc đâu phải chỉ có riêng mình làm

Ông BÙI THANH TÚ

Từ thợ xay bột thuê

Ông Tú sinh ra trong một gia đình gốc nông dân, đông anh em. Mới học hết lớp 5, cha mẹ ông phải bỏ xứ đi làm ăn xa, là anh lớn trong nhà, ông quyết định gác lại chuyện học để ở nhà chăm lo cho các em.

Sau khi lập gia đình, thấy cha mẹ cũng thiếu trước hụt sau mà ruộng vườn thì eo hẹp, ông bàn với vợ sang huyện biên giới Tân Hồng để khai khẩn đất hoang làm ruộng. Ai ngờ vùng đất phèn chua cỏ cháy, lúa sạ xuống được dăm ngày gặp phèn liền chết sạch. Bền chí sạ đi sạ lại đôi ba lần nhưng cũng chẳng cứu được đám lúa, ông Tú như chết trân giữa ruộng.

“Lúc lên đây mần ruộng là hai bàn tay trắng, giờ quay về là nợ lút đầu. Tui còn định từ trên gác lao xuống cây nọc dưới sân chết quách cho rồi nhưng nghĩ thương cha mẹ, vợ con ở nhà, nợ nần tùm lum tui mà chết thì quá ích kỷ” - ông Tú bần thần nhớ lại quãng thời gian đầy khó nhọc của mình.

Trở về lại quê nhà ông Tú cùng vợ con đùm túm sang cù lao Long Phú Thuận mở một lò bún nhỏ ở xóm bún Hàng Gòn. Mỗi ngày đôi vợ chồng trẻ làm hơn chục ký bún rồi đẩy xe khắp nơi bán kiếm tiền đong gạo ăn qua ngày.

Về sau, thấy nhu cầu máy móc để sản xuất bún rất lớn, ông Tú bắt đầu mày mò sáng chế máy xay bột. Khi chiếc máy vận hành bằng điện, công suất cao ra đời, ông bắt tay ngay vào việc xay bột thuê ròng rã suốt ngày đêm. Cũng chính từ thời điểm ngắm nghía đứa con tinh thần đầu tiên này, ông đã vạch sẵn trong đầu kế hoạch “dài hơi”: phải mở xưởng cơ khí vì quá đam mê.

“Kỹ sư” không bằng cấp

Mấy năm liền làm nghề xay bột thuê ông Tú tích lũy được một số vốn đủ để ông mở một tiệm cơ khí nhỏ. Từ tiệm nhỏ ông dần mở sang tiệm lớn hơn nhưng cũng chỉ là một cửa tiệm vô danh. Đến cuối năm 2009, ông chính thức treo bảng mang tên mình lên xưởng cơ khí quy mô nhất dãy đất cù lao.

Biển hiệu cơ khí Bùi Thanh Tú vừa treo lên thì lập tức bị thử thách. Buổi sáng vợ ông ra “bài toán” khó: “Ông phải làm cho tui cái máy sản xuất bánh hỏi làm sao gạo đổ vào bánh hỏi chạy ra. Làm được vậy tui mới khen hay”. Câu vợ nói làm ông trằn trọc: “Tui biết vợ đang thử để tui tức khí làm cho bằng được. Nói thì nói vậy chứ không phải dễ làm”.

Xế chiều, một chủ lò bún tận Long Xuyên, An Giang nghe tiếng ông Tú làm nhiều loại máy móc nên lặn lội sang đặt hàng. Cái máy vị khách này đặt vừa đúng với lời thách đố của vợ buổi sáng.

“Tui không nhận cũng không được vì ban sáng mới trương cái bảng tên lên giờ mà từ chối thì nhục quá. Bí bách, tui đành nói thách, kê giá máy lên 330 triệu đồng. Mục đích là để khách thấy mắc mà không đặt, không ngờ bà chủ lò bún này đồng ý cái rụp rồi móc ngay 100 triệu đồng đặt cọc” - ông Tú kể.

Sau đó ông bắt tay vô làm máy ngay nhưng máy làm ra vận hành không suôn sẻ. Bánh hỏi chạy ra khoảng độ 10 phút, không hiểu sao động cơ bị tắt, khói bay nghi ngút. Những ngày sau đó ông gần như ăn ngủ cạnh cái máy. Làm đến đuối sức thì ngủ vật vạ tại chỗ, lúc tỉnh dậy lại lao vào làm tiếp.

“Lần mò hoài tui phát hiện nguyên nhân máy bốc khói là do thiếu thiết bị giảm nhiệt. Cuối cùng dây chuyền sản xuất bánh hỏi cũng hoàn thành” - ông Tú kể.

Máy giao cho khách vừa xong ông liền làm tiếp một cái máy khác cho vợ. Gạo sau khi ngâm cho vào máy, máy sẽ làm tất cả các công đoạn từ xay bột, ép khô, hấp chín và ra thành phẩm.

Đối với cái máy sản xuất bánh hỏi đầu tiên mà chủ lò bún ở Long Xuyên đặt hàng, ông Tú đã nhiều lần bảo hành, gắn thêm các thiết bị cải tiến máy mà không lấy tiền.

Theo ông Tú, chính những khách hàng đặt niềm tin tối đa vào ông như thế đã thôi thúc ông luôn sáng tạo.

“Nghề nào cũng phải sáng tạo không ngừng. Làm máy xay bột thành công rồi tui liền nghĩ tới máy làm bún, làm bánh hỏi. Rồi phải nâng cấp tính tự động hóa, năng suất cao, giảm bớt càng nhiều sức người càng tốt. Sản phẩm mình không ngừng cải tiến mới trụ vững được vì sản xuất máy móc đâu phải chỉ có riêng mình làm” - ông Tú chia sẻ.

“Mang chuông đi đánh xứ người”

Đến nay dây chuyền sản xuất thực phẩm do ông Tú sản xuất đã bán khắp các tỉnh từ ĐBSCL cho đến TP.HCM rồi miền Đông với giá vài tỉ đồng/máy. Trong đó, dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động là sản phẩm thành công nhất.

Gạo sao khi cho vào máy, sẽ cho ra sản phẩm là bánh hỏi với công suất đạt khoảng 400kg/giờ, cao gấp 10 lần so với làm bằng tay.

Chưa dừng lại, ông còn cải tiến dây chuyền này để cho ra sản phẩm bánh hỏi sấy khô, có thể đóng gói bán ra thị trường. Năm 2013, hai dây chuyền sản xuất thực phẩm của ông đã xuất ngoại sang Mỹ.

Cơ duyên “mang chuông đi đánh xứ người” đến với ông từ hai cuốc điện thoại cách nhau... ba năm.

Lần đầu là vào năm 2010, một phụ nữ tên Hà Ngọc Dung, Việt kiều Mỹ đang làm cho một công ty chuyên sản xuất thực phẩm. Công ty bà Dung đang có nhu cầu mua máy sản xuất bún tươi.

“Ban đầu tui nghĩ là có ai ghẹo tui chứ không nghĩ là sự thật. Mà quả nhiên họ hứa hẹn cho đã rồi sau đó im ru luôn” - ông Tú kể.

Mãi đến năm 2013, bà Dung một lần nữa gọi điện thoại cho ông Tú đặt máy cho chính gia đình mình, vì sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn bà không làm công việc cũ nữa mà muốn mở cơ sở bán bún tươi tại ngay nước Mỹ, và một lần nữa bà nhớ đến ông Tú ở Đồng Tháp.

Dây chuyền mà ông sáng chế vừa cập cảng ở “xứ sở cờ hoa” liền bị kiểm tra gắt gao về mặt kỹ thuật. Nếu muốn được cấp phép nhập khẩu ông buộc phải sửa lại thiết kế theo yêu cầu.

Ông có mấy tuần để sửa lại, nhưng sau khi vượt qua thử thách ông và bà Dung mới té ngửa vì nguyên liệu gạo ở Mỹ rất khác so với Việt Nam. Máy của ông chịu gạo nội nhưng lại “đình công” với gạo ngoại.

“Nghe vợ chồng bà Dung tâm sự lần thất bại này căn nhà sẽ bị nhà băng xiết nợ. Dù không bà con ruột thịt nhưng tui thấy rất buồn, cái tâm của người thợ cơ khí không cho phép tui phủi hết trách nhiệm. Nên tui quyết định ở lại cùng vợ chồng bà Dung bắt tay vào giải bài toán khó này”.

Từng đợt thiết bị, máy móc hết chuyển đường thủy đến chuyển đường hàng không đến Mỹ, ông Tú xắn tay làm ròng rã mấy tháng trời. Cuối cùng dây chuyền sản xuất bún cũng thành công.

Để ghi nhớ tấm lòng của ông Tú, vợ chồng bà Dung quyết định lấy luôn tên quê hương ông để làm biển hiệu, đó cũng là cửa hàng Đồng Tháp Noodles đầu tiên ở TP Portland, bang Oregon. Liền sau đó cửa hàng Đồng Tháp Noodles mở ở TP.Seattle, bang Washington cũng ra đời.

Bà Hà Ngọc Dung chia sẻ trong quá trình làm việc chung chính bà cũng được ông Tú truyền cảm hứng từ sự tận tâm và không bao giờ bỏ cuộc. Hiện tại dây chuyền sản xuất thực phẩm của ông Tú lắp ráp cho bà Dung vẫn còn vận hành rất tốt.

Cơ sở của bà cung ứng vào các ngày cuối tuần chủ yếu cho các quán ăn chế biến các món từ gạo mang thương hiệu Đồng Tháp. “Dung đâu có biết gì về cái nghề này đâu. Cũng nhờ anh Tú dẫn dắt” - bà Dung nói.

Dây chuyền sản xuất bún tự động do ông Tú chế tạo - Ảnh: NGỌC TÀI
Dây chuyền sản xuất bún tự động do ông Tú chế tạo - Ảnh: NGỌC TÀI

 

Vượt lên chính mình

Dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động của ông Tú liên tiếp được Bộ Công thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2014 và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2015.

Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết ông Tú là một trong các nhà sáng tạo tiêu biểu nhiều năm liền của tỉnh, là một người làm giàu nhờ chế tạo máy làm bánh hỏi.

Ông Hoan nói: “Chúng ta phải biết chắt chiu các sáng tạo từ những người nông dân. Họ có thể chưa từng biết qua những nguyên lý khoa học, chưa biết thế nào là bản vẽ thiết kế kỹ thuật.

Có thể những sáng tạo đó chưa đáp ứng chuẩn mực của một đề tài nghiên cứu khoa học, chưa phải là một phát minh, sáng chế mới so với bên Tây bên Tàu. Nhưng có điều chắc chắn là họ đã vượt lên chính mình”.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên