27/05/2016 09:23 GMT+7

Nhà đầu tư không tử tế

TRẦN NGỌC THƠ
TRẦN NGỌC THƠ

TTO - Với việc bị truy hoàn do kê khai hoàn thuế không đúng quy định và bị truy thu do chuyển giá cả thảy gần 2.000 tỉ đồng, Formosa đáng được đưa vào danh sách những nhà đầu tư nước ngoài không tử tế.

Trong hoàn thuế, hẳn ít doanh nghiệp trong nước được tận hưởng niềm vui được cơ quan thuế giải quyết nhanh chóng. Ngược lại, Formosa dễ dàng được hoàn thuế từ năm 2013 đến nay, để rồi sau đó Nhà nước phải thu lại cả ngàn tỉ đồng tiền hoàn thuế do có gần 20.000 hóa đơn hoàn thuế khai không đúng.

Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) là nhà đầu tư nước ngoài có quy mô đầu tư lớn, nhưng họ không ngần ngại chơi trò phù phép “sơ đẳng” với cơ quan thuế để moi tiền hoàn thuế.

Câu chuyện Formosa bị truy thu và truy hoàn thuế 2.000 tỉ đồng củng cố thêm giả thuyết mà các chuyên gia đã nêu là Việt Nam đang ở “bờ vực” của hai nền kinh tế trong một quốc gia.

Một nền kinh tế của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang ngày càng chiếm ưu thế thống lĩnh, đóng góp 70% kim ngạch xuất khẩu và nền kinh tế của các doanh nghiệp tư nhân nội địa ngày càng bị “bỏ quên”.

Khá nhiều doanh nghiệp FDI nhận được ưu đãi của các địa phương nhưng họ vẫn tìm cách kiếm thêm, từ việc trốn thuế ở đẳng cấp cao thông qua chuyển giá đến những việc làm mà ít ai nghĩ tới là khai hồ sơ hoàn thuế không đúng quy định.

Điều gì khiến họ liều lĩnh như thế? Chỉ có thể lý giải bằng lý thuyết trò chơi như sau: tôi cứ khai gian, cơ quan thuế phát hiện đến đâu tôi sẽ đối phó đến đó.

Nếu lý thuyết trò chơi “liều lĩnh” này đúng, thì gần 20.000 hóa đơn hoàn thuế không đúng quy định này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng hàng trăm ngàn hồ sơ hoàn thuế khác của các doanh nghiệp FDI chưa bị phát hiện.

Với Formosa nói riêng và những vụ lùm xùm trong chuyển giá trốn thuế nói chung của các doanh nghiệp FDI, có lẽ ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh chính, không ít doanh nghiệp này còn đặt nặng việc kiếm thêm bằng cách “né thuế, moi thuế”.

Vụ Formosa góp phần làm sáng tỏ thêm nghịch lý nộp thuế của khu vực FDI bấy lâu nay.

Không có gì lạ khi một báo cáo về thuế thu nhập năm 2015 cho thấy trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và xuất khẩu nhiều nhất, có 460 doanh nghiệp có vốn FDI nhưng tỉ lệ đóng góp vào tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 37%.

Để cho các doanh nghiệp FDI như Formosa thoải mái phô diễn các chiêu trò né thuế, moi thuế, tất nhiên doanh nghiệp và người dân trong nước chịu vạ lây. Khoản thất thu thuế từ khu vực FDI phải được các cơ quan chức năng tận thu từ các kênh khác, chủ yếu từ khu vực kinh tế nội địa và từng người dân.

Chúng ta đã, đang và sẽ trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng cũng không thể quên rằng trong số những nhà đầu tư nước ngoài có những nhà đầu tư không tử tế, vì vậy phải có những cách quản lý phù hợp để đảm bảo rằng họ không lấy đi những gì lẽ ra thuộc về chúng ta, của đất nước chúng ta.

Và chỉ khi chấm dứt được nạn né thuế, moi thuế mới có thể thu hẹp khoảng cách giữa hai khu vực kinh tế, giúp doanh nghiệp nội địa được thực hiện các khoản đóng góp thuế với Nhà nước bình đẳng như các doanh nghiệp FDI.

TRẦN NGỌC THƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên