10/11/2016 23:41 GMT+7

Nhà bít bùng không chỉ có quán karaoke

LÊ CÔNG SĨ
LÊ CÔNG SĨ

TTO - Từ vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội làm 13 người thiệt mạng, dư luận bức xúc về công tác phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm ở các quán karaoke.

Nguyên nhân gây cháy với thiệt hại lớn đang nhắm đến là biển quảng cáo ở các quán karaoke, rõ nhất là biển quảng cáo bịt kín quán dẫn đến khó thoát hiểm khi cháy và khiến công tác tiếp cận của lực lượng chữa cháy khó khăn.

Tuy nhiên, các quán karaoke không phải là nơi duy nhất tiềm ẩn nguy cơ cháy, mà còn nhiều công trình khác ở đô thị cũng có khả năng cháy và nguyên do không chỉ nằm ở biển quảng cáo.

Rất dễ thấy tại các khu đô thị trước đây, sau những dãy nhà là con hẻm rộng 1-2m. Con hẻm này được xem là bắt buộc trong quy hoạch xây dựng đô thị nhằm bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật (thoát nước), đối lưu gió và đặc biệt nhằm tạo lối thoát hiểm khi có mọi sự cố xảy ra, không riêng cháy.

Tuy nhiên, trên thực tế các con hẻm ở đô thị hiện nay đang ngày càng thu hẹp và biến mất bởi tình trạng lấn chiếm của người dân. Đối với các đô thị quy hoạch xây dựng mới cũng tương tự.

Quy chuẩn quy hoạch xây dựng quy định rất rõ khoảng cách các dãy nhà, chiều rộng các hẻm kỹ thuật và thoát hiểm như đã nêu, song thực tế sau các dãy nhà phố đô thị hiện nay vì nhiều lý do, hẻm này đã không tồn tại hoặc bị “nuốt” mất. Việc thoát hiểm ở các nhà phố đô thị gần như chỉ phụ thuộc duy nhất vào mặt phía trước công trình.

Trong khi đó, nhiều nhà (hay tòa nhà) hiện nay có mặt tiền đều bịt kín bằng biển quảng cáo. Nhiều tòa nhà không có biển quảng cáo thì lại khoác lên mình chiếc áo kiến trúc bít bùng với nhiều chất liệu khác nhau, trong đó dễ thấy nhất là kính.

Cách xây dựng theo kiểu “bịt kín” rõ ràng không những không phù hợp với khí hậu nhiệt đới như VN, mà còn gây khó khăn cho công tác thoát hiểm khi có sự cố, trong đó có cháy.

Quy chuẩn quy hoạch xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng cũng như các quy chế quản lý đô thị hiện nay đều quy định rõ phần công trình nhô ra khỏi lộ giới ở mặt trước không được xây kín thành phòng (logia), chỉ được xây hở (bancông) cũng nhằm mục đích trên. Song thực tế không rõ vì sao nhiều công trình xây dựng bít bùng vẫn tồn tại khắp nơi như hiện nay?

Cháy nhà (tòa nhà) tuy là nguy cơ tiềm ẩn thường trực song tỉ lệ không nhiều, thậm chí rất nhiều công trình tồn tại đến hết tuổi thọ vẫn không xảy ra và đó chính là nguyên do dẫn đến sự chủ quan của nhiều người.

Tuy vậy, thực tế thời gian qua cho thấy cháy là nguy cơ có thể xảy ra với bất kỳ công trình nào và thiệt hại không hề nhỏ. Để hạn chế thấp nhất sự cố cháy cũng như thiệt hại do sự cố này, cơ quan chức năng cần thẳng thắn “nói không” với các dự án quy hoạch không đáp ứng quy chuẩn về thoát hiểm, chế tài dự án triển khai không phù hợp quy hoạch được duyệt cũng như “trảm” các công trình bít bùng vi phạm các quy định xây dựng đô thị.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy cần được duy trì thường xuyên, chứ không nên chỉ dừng lại trên phương án thiết kế.

LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên