12/02/2014 11:57 GMT+7

Nguyễn Hà Đông: Nếu game gây nghiện sẽ mạnh dạn gỡ bỏ

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Tạp chí Mỹ Forbes ngày 11-2 đăng tải bài giới thiệu cuộc gặp phỏng vấn độc quyền dài 45 phút với Nguyễn Hà Đông, tác giả game di động Flappy Bird.

1mnbCBNG.jpg
Nguyễn Hà Đông. Ảnh: AFP/Getty Images.
jnMBwHyc.jpgPhóng to
Flappy Bird đã được tác giả gỡ xuống, nhưng trên App Store có nhiều game mô phỏng nó.

Flappy Bird sẽ ra đi vĩnh viễn

Ngay trong tựa bài, tờ báo doanh nghiệp nổi tiếng đã dẫn lời Hà Đông nói rằng game này sẽ “ra đi vĩnh viễn” vì là “một sản phẩm gây nghiện”. (Flappy Bird Creator Dong Nguyen Says App 'Gone Forever' Because It Was 'An Addictive Product').

Theo Forbes, đây là cuộc trả lời báo chí đầu tiên của Hà Đông sau khi anh quyết định gỡ Flappy Bird xuống khỏi hai dịch vụ ứng dụng App Store (cho thiết bị iOS) và Google Play (cho thiết bị Android) cho dù nó đang được xếp đầu bảng ứng dụng miễn phí với hơn 60 triệu lượt người tải về.

Trái với những đồn đoán có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi cộm là bởi tránh rắc rối vì bản quyền, Hà Đông giải thích rõ với Forbes lý do vì sao anh quyết định “khai tử vĩnh viễn” chú chim Flappy Bird. “Flappy Bird được thiết kế để chơi trong vài phút khi bạn thư giãn. Nhưng đã xảy ra việc nó trở thành một sản phẩm gây nghiện. Tôi nghĩ nó đã trở nên một vấn đề. Để giải quyết vấn đề đó, cách tốt nhất là hạ Flappy Bird xuống. Nó sẽ ra đi vĩnh viễn.”

Một lần nữa, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Forbes, Hà Đông tâm sự: “Cuộc sống của tôi không còn thoải mái như trước đây. Tôi không thể ngủ được”.

Đông nói rằng trong mấy ngày qua mình không dám đụng tới Internet và chỉ biết ngủ vùi cho hết thời gian. Có lẽ đây cũng là một trong những động cơ chính để Hà Đông hạ Flappy Bird xuống nhằm tự cứu lấy mình trước đã. Anh khẳng định việc hạ chú chim này: “Tôi không nghĩ đây là một sai lầm. Tôi đã suy nghĩ rất thấu đáo.”

Khi được hỏi về một bài viết trên trang The Verge hồi tuần trước ước tính mỗi ngày tác giả có thể kiếm được 50.000 USD từ quảng cáo trên Flappy Bird, Hà Đông từ chối xác định con số đó. “Tôi không biết con số chính xác, nhưng tôi biết nó rất nhiều”.

Forbes cho biết cuộc phỏng vấn độc quyền này được tờ báo thực hiện trực tiếp ở Việt Nam, trong một khách sạn tại Hà Nội với điều kiện nghiêm ngặt là Forbes không được đăng hình Hà Đông. Cuộc phỏng vấn phải đình lại nhiều giờ, một phần do Hà Đông có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tạp chí Mỹ mô tả Hà Đông là một chàng trai 29 tuổi có tướng tá thể thao với một mái tóc húi ngắn. Anh có vẻ căng thẳng và trong suốt 45 phút phỏng vấn, liên tục hút nhiều điếu thuốc và vẽ nguệch ngoạc những chú khỉ trên một tờ giấy. Anh cho biết cha mẹ mình thậm chí không biết rằng có Flappy Bird và vai trò của con trai cho tới khi sự bao trùm của truyền thông cuốn ra khỏi sự kiểm soát trong mấy ngày qua.

Cảm hứng cho "chim" khắp nơi vỗ cánh

Là một kỹ sư tin học trẻ nhiều tài năng, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển phần mềm ứng dụng, Hà Đông cho biết: “Sau thành công của Flappy Bird, tôi cảm thấy tự tin hơn, và tôi có sự tự do để làm những gì mình muốn.”

Hà Đông nói rằng anh sẽ tiếp tục phát triển game. Ngoài Flappy Bird, hiện nay Hà Đông có một số game di động khác cũng có tiếng vang. Trong đó có game Super Ball Juggling hiện đứng thứ 6 và game Shuriken Block đứng thứ 18 trên App Store. Anh nói thêm là hiện mình không có ý định gỡ bỏ các game này xuống vì chúng “vô hại”.

Tuy nhiên, anh nhấn mạnh, nếu anh nghĩ người chơi có thể đang trở nên bị nghiện với game của mình, anh sẽ không ngần ngại hạ chúng xuống.

Với những người đã ghiền trò chơi Flappy Bird thì trên các kho ứng dụng hiện không thiếu các game có thể thay thế. Ngay trên App Store cũng đã có nhiều game “ăn theo” và mô phỏng (clone) Flappy Bird như Flappy Plane, Flappy Whale, Flappy Penguin, Flappy Angry Bird,.. Hà Đông nói anh có lẽ chẳng có một hành động pháp lý nào để chống lại bất cứ vụ sao chép nào. Thậm chí anh cho biết: “Tôi đã thử chơi Ironpants. Đó là một game tốt”.

Ironpants được đánh giá là một game thay thế Flappy Bird hứa hẹn nhất. Nó được đưa lên App Store ngày 27-1-2014, tức 10 ngày sau khi Flappy Bird vươn lên thứ hạng số 1 (ngày 17-1) và chỉ 2 tuần trước khi Flappy Bird bị tác giả gỡ xuống. Bản trên Google Play được đưa lên ngày 6-2-2014 (4 ngày trước khi con chim Flappy Bird hạ cánh). Ở game Ironpants, hình ảnh chú chim và cách chơi cũng tương tự Flappy Bird, nhưng thay cho những chiếc ống nước giống như của Mario là những cây cột đá. Dung lượng game lớn hơn rất nhiều, phiên bản Android tới 10,84MB.

Tới trưa 11-2-2014, game này có hơn 1 triệu lượt tải và có 20.403 người đánh giá, đang có điểm 3/5 sao. Game này cũng có những tính năng chia sẻ trên mạng xã hội như Twitter, và chơi cũng khá “khó chịu”, nhưng con chim bay nặng nề chứ không mượt mà và nhạy như Flappy Bird. Đáng tiếc là phần quảng cáo của nó “hung hăng” quá, cứ xô ra trước mặt người chơi chứ không cố định ở phía trên màn hình như ở Flappy Bird.

Khi tạp chí Forbes hỏi có gì muốn nói với những người chơi đang tràn đầy thất vọng vì Flappy Bird bị gỡ xuống, Hà Đông nói ngắn gọn: “Cảm ơn các bạn rất nhiều vì chơi game của tôi”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên “cha đẻ” Flappy BirdNở rộ các clip nhạc dành cho Flappy BirdFlappy Bird và sự quá đà của báo mạngGame chấn động Flappy Bird có thể bị tác giả kết liễu?Flappy Bird “hớp hồn” thế giới, tác giả thu tiền tỉChàng trai Việt làm thế giới phát sốt với game di động Flappy BirdVì sao game gây chấn động Flappy Bird bị tác giả gỡ bỏ?Bài học thực tế từ game Flappy Bird

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên