11/11/2016 19:39 GMT+7

Người Việt ở nơi đâu cũng cần đóng góp phát triển đất nước

MAI HOA
MAI HOA

TTO - “Vì Việt Nam, đoàn kết lại” là thông điệp mà ông Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật Bản) mong muốn trở thành thông điệp chính của mọi người Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên thế giới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ, chụp ảnh cùng đại biểu kiều bào trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ, chụp ảnh cùng đại biểu kiều bào trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Theo ông Dũng, người Việt dù ở bất kỳ nơi đâu cũng nên bỏ qua những vấn đề riêng, hết lòng cùng đất nước Việt Nam phát triển.

Những lời tâm huyết này được ông Dũng chia sẻ tại buổi gặp gỡ chiều 11-11 giữa lãnh đạo TP với đại diện của hơn 500 đại biểu dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài 2016.

Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu khoa học

Theo phân tích của ông Nguyễn Trí Dũng, vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là việc đầu tư vào nghiên cứu khoa học công nghệ và khoa học cơ bản rất ít, rất yếu. Công tác này hiện chỉ nhà nước làm là chính.

“Tôi ở Nhật gần 50 năm, vẫn nói với anh chị em kiều bào rằng phải làm sao chuyển giao công nghệ, tác động để chuyển giao nhanh hơn. Làm thế nào vận động được trí tuệ, tiềm năng, kinh nghiệm của nơi đang sinh sống để về giúp đất nước”, ông Dũng chia sẻ.

Từ những trăn trở suốt nửa thế kỷ ở đất nước Nhật Bản, ông Dũng bày tỏ mong muốn mọi người Việt Nam, dù ở bất cứ đâu cũng phải đoàn kết, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Lập khoa kinh tế chất lượng cao

Còn GS.TS Lê Văn Cường - một Việt kiều Pháp cho biết gần 15 năm ông nhận hướng dẫn cho hàng trăm nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp.

Ông Cường cho rằng hiện vẫn còn lỗ hổng về kiến thức kinh tế của sinh viên. Thực trạng khác là lương bổng của giáo viên tại Việt Nam còn thấp nên vẫn còn tình trạng “chạy sô”, không còn thời gian đâu chú tâm vào nghiên cứu sâu.

Giáo sư kinh tế đại học Paris Lê Văn Cường góp ý kiến với lãnh đạo TP.HCM về các giải pháp giúp phát triển thành phố - Ảnh: Thuận Thắng
Giáo sư kinh tế đại học Paris Lê Văn Cường góp ý kiến với lãnh đạo TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Ông Cường đề nghị cần tính toán mở các khoa kinh tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế tại các trường kinh tế trong nước để tăng tính cạnh tranh, tăng lượng sinh viên du học tại chỗ, không làm chảy máu chất xám, thu hút chất xám từ bên ngoài đổ về.

Về ý kiến của GS Cường, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng ông rất chia sẻ, bởi ông Phong cũng là một tiến sĩ kinh tế, từng có thời gian 11 năm giảng dạy.

Ông Phong kể, khi đó ông còn trẻ, áp lực cuộc sống nên ông chủ yếu dành thời gian cho giảng dạy mà không thể dành nhiều thời gian cho nghiên cứu.

“Sau này, thời gian nghiên cứu của đội ngũ giảng viên đã tăng lên nhiều so với thời gian giảng dạy. Vừa rồi, TP cũng đã có một đề án giáo dục để tỉ lệ nghiên cứu có thể đáp ứng yêu cầu của khu vực và thế giới”, ông Phong cho biết.

Tự làm các sản phẩm thông minh cho TP

Là một Việt kiều Canada, về quê hương Trà Vinh sống đã hơn 10 năm, ông Nguyễn Thanh Mỹ bắt đầu khởi nghiệp lại ở tuổi 60, sau khi nghỉ hưu ở tập đoàn. Ông nhận thấy tỉ lệ thất thoát nước sạch hiện nay rất lớn, gây lãng phí.

Ông cùng các kỹ sư làm đồng hồ nước thông minh, lắp vào mỗi hộ dùng nước. Mỗi giờ, đồng hồ này tự động gửi dữ liệu về để so sánh lượng nước qua đồng hồ tổng, từ đó so sánh và phát hiện nơi rò rỉ để khắc phục. 

Ngoài sản phẩm này, công ty của ông Mỹ còn có rất nhiều sáng chế như thiết bị quan trắc môi trường tự động, gửi tín hiệu về smartphone để kiểm soát chất lượng môi trường xung quanh…

Tiến sĩ Năng lượng và Vật liệu Nguyễn Thanh Mỹ ở Canada giới thiệu đồng hồ nước thông minh do mình và các cộng sự Việt Nam chế tạo - Ảnh: Thuận Thắng
Tiến sĩ Năng lượng và Vật liệu Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu đồng hồ nước thông minh do mình và các cộng sự Việt Nam chế tạo - Ảnh: Thuận Thắng

“Tôi hi vọng có thể được tiếp xúc với các công ty nước sạch ở TP.HCM để xài thử, nếu được sẽ cho sản xuất ở Việt Nam các thiết bị này”, ông Mỹ hào hứng.  

Nhiều đại biểu khác cũng mong muốn TP phải có cơ chế rõ ràng, cụ thể để thu hút nguồn lực kiều bào đóng góp cho sự phát triển của TP. 

Tiếp thu những ý kiến góp ý, chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh chủ trương của cả nước nói chung và TP nói riêng là luôn trân trọng và cố gắng phát huy vai trò của kiều bào. Còn cơ chế cụ thể như thế nào, lãnh đạo TP sẽ dành thêm thời gian nghiên cứu, lắng nghe kiều bào hiến kế thêm.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài 2016 sẽ chính thức khai mạc vào sáng 12-11, với sự tham dự của hơn 500 kiều bào đang sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên