27/02/2006 07:07 GMT+7

Người thầy nghề y

CHÂN TÂM
CHÂN TÂM

TT - Sinh thời GS-BS Nguyễn Quang Quyền từng hỏi một bác sĩ khi tốt nghiệp: “Ai là người thầy giải phẫu học đầu tiên của anh?”, anh học trò khẽ trả lời: “Chính là thầy, thưa thầy”.

Song GS lắc đầu đôn hậu, cười: “Không phải là tôi. Tôi chỉ mang bài giảng của một người thầy khác đến cho các anh”. Lúc ấy, các bác sĩ đứng bên đã nêu những tên tuổi khác nhau: “GS Holinshead, GS Đỗ Xuân Hợp…”, nhưng GS Quyền vẫn trầm ngâm: “Người thầy đó mới thật sự hi sinh cuộc đời mình cho y học..., đó là những xác người thả mình trong formol ở phòng giải phẫu, đó là người tử tù chấp nhận sau khi chết để cơ thể mình cho các nhà y học xưa băm nhỏ, vắt lấy dịch để đo lượng máu tuần hoàn trong cơ thể người.

Các anh đừng quên rằng từng dây thần kinh, mạch máu các anh lục tìm trong những cái xác ấy đã giúp mang đến tên tuổi cho nhiều nhà phẫu thuật tài danh. Thế mà, được mấy vị bác sĩ sau những giây phút đăng quang, đã trở lại nói đôi lời tri ân với những cái xác ấy - những người thầy đầu tiên của mình”.

Nếu người thầy đầu tiên của sinh viên y khoa là những xác người thầm lặng thì người thầy đi cùng cả cuộc đời y thuật của thầy thuốc, không chỉ là những vị giáo sư, cũng không chỉ là những trang y văn, mà đó chính là người bệnh. Chính những căn bệnh trên cơ thể người bệnh đã vun bồi kinh nghiệm cho một đời hành y.

Họ sẵn sàng cho những chiếc ống nghe đặt trên lồng ngực, sẵn sàng cho những ngón tay sinh viên tập gõ trên vùng phổi đang ran đau và cũng sẵn sàng cho những loại thuốc mới thử nghiệm trên cơ thể họ, để giúp chứng minh hiệu quả lâm sàng của một loại thuốc, dù có khi vài chục năm sau y học mới phát hiện ra những tác dụng phụ nguy hiểm của loại thuốc đó như tiềm năng gây ung thư hay suy tủy.

Người bệnh đã âm thầm đóng góp cho lịch sử phát triển y học, song họ có được đáp lại xứng với sự cao thượng đó? Đã có những thầy thuốc “đánh mất” chữ “thầy” trong tên gọi, khi thờ ơ trước những bệnh nhân lam lũ, đâu biết rằng người thân của họ hằng ngày phải xin cơm xã hội để nuôi người bệnh, chờ sớm được lên giường mổ.

Đã có những thầy thuốc làm hoen ố “hồn” của màu áo trắng, khi đến với người bệnh không để làm dịu nỗi đau mà để ngã giá cho chút kiến thức y học trên toa thuốc. Chính vì lòng trân trọng đối với người bệnh mà những thầy thuốc thời xưa như Robert Koch, Alexandre Yersin... luôn thử nghiệm các phương thức điều trị trên bản thân họ trước khi áp dụng trên người bệnh.

Tất nhiên không thiếu những thầy thuốc tận tâm, hết lòng vì người bệnh, nhưng có bao nhiêu thầy thuốc thời nay còn làm như thế? Dẫu vì có nhiều phương tiện y học hiện đại để thực nghiệm, song thầy thuốc không thể quên tri ân họ - những người bệnh - và hình như lời thề Hippocrates đã quên nói về một lời cảm ơn thầy thuốc gửi cho người bệnh sau khi lành bệnh, rằng họ đã góp thêm một trang lâm sàng mới cho quyển sách y học của nhân loại.

CHÂN TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên