27/04/2017 18:34 GMT+7

Người phi công số 5 của phi đội Quyết Thắng

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Trong phi đội bay ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975, có một phi công rất đặc biệt: phi công Trần Văn On, người Tiền Giang, nguyên phi tuần phó của phi đoàn 550 sân bay Đà Nẵng, thuộc chế độ Sài Gòn.

Phi đội Quyết Thắng trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang) sau khi ném bom Tân Sơn Nhất. Trần Văn On thứ ba từ phải qua - Ảnh Tư liệu
Phi đội Quyết Thắng trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang) sau khi ném bom Tân Sơn Nhất. Trần Văn On thứ ba từ phải qua - Ảnh Tư liệu

Người phi công ấy bay ở vị trí số 5 trong đội hình phi đội Quyết Thắng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Khi những người lính không quân từ Hà Nội vào tiếp quản phi đội máy bay A-37 của quân đội Sài Gòn, ông On là người huấn luyện cho họ sử dụng loại máy bay chiến đấu hiện đại này tấn công sân bay Tân Sơn Nhất.

Cuộc đời có những chuyện thật lạ. Lúc đó tui đứng trong hàng ngũ của quân cách mạng, được tham gia trận đánh rất quan trọng của không quân cách mạng, đứng ở cùng chiến tuyến với những người mà trước đó là kẻ địch của mình. Tui không bao giờ quên được giờ phút đặc biệt đó. Thật tình lúc đó tui rất vui, cũng rất muốn Sài Gòn được giải phóng để về gặp gia đình. Tui chỉ nghĩ vậy chứ không sợ sống chết

Ông TRẦN VĂN ON

Người tù binh đặc biệt

Đại tá Nguyễn Văn Lục - nguyên phi đội trưởng phi đội Quyết Thắng, hiện đang sống tại Hà Nội - kể lại: “Ngày 22-4-1975, phi đội chúng tôi được lệnh cơ động vào sân bay Đà Nẵng tiếp nhận máy bay A-37 thu được của địch. Phi đội được phi công của chế độ cũ tên Nghiệp hướng dẫn sử dụng, tìm hiểu kỹ chiến thuật của A-37. Đến ngày 24 thì chúng tôi huấn luyện thực hành, do hai phi công chế độ cũ được ta “tiếp quản” là Nguyễn Văn Sanh và Trần Văn On hướng dẫn. Tôi rất ấn tượng với anh On. Người miền Tây mà. Hiền. Dễ gần. Nói gì cũng cười”.

Ông On nói “mấy ảnh học rất nhanh, thông minh và gan dạ”. Vì là dân trong nghề nên ông On biết “mấy ảnh lái Mig rất giỏi nhưng chuyển loại từ Mig-17 sang Mig-21 thường phải mất 3 tháng, bây giờ sang máy bay A-37 chỉ có mấy ngày trong khi hai hệ máy bay này khác nhau”.

Trong đó, khó nhất là hệ thống điều khiển vũ khí. Mig toàn tiếng Nga. Còn trên A-37 các bảng ký hiệu bằng tiếng Anh. Trang thiết bị, những công tắc điều khiển, cầu chì... khác nhiều về vị trí, cách sử dụng.

Khó học nhất là các trang thiết bị: hệ thống rađa, hệ thống máy ngắm để xạ kích, ném bom, hệ thống động cơ... “Vậy mà mấy ảnh tiếp thu rất nhanh. Thời gian từ lúc huấn luyện chuyển loại cho đến khi bay thực hiện nhiệm vụ chỉ có ba ngày rưỡi!” - ông nói.

Ông On ấn tượng về các phi công cách mạng khi thấy họ học ngày học đêm, kể cả lúc ăn cơm, trước lúc đi ngủ vẫn trao đổi với nhau. Lúc đó gấp quá, yêu cầu quan trọng nhất là chỉ cần biết sử dụng cần điều khiển cất hạ cánh và sử dụng hệ thống ném bom.

Các nút điều khiển sẽ phải dùng nhiều nhất trong buồng lái, ông On dịch ra tiếng Việt, viết ra giấy dán lên cho dễ nhớ. “Chiều 27-4, tui theo mấy ảnh bay vô Phù Cát (Bình Định)” - ông On nhớ lại.

Tại sân bay Phù Cát, phi công Trần Văn On là người bay thử hết 5 máy bay A-37 và chỉ khi ông xác nhận máy bay tốt thì mới cất cánh làm nhiệm vụ được. Đến tối 27 họp chi bộ, ra nghị quyết, hạ quyết tâm và sắp xếp đội hình chiến đấu.

Ngày 28-4 báo cáo cấp trên là tư lệnh Lê Văn Tri về kế hoạch bay. Tư lệnh nhấn mạnh rằng đây là trận đánh rất quan trọng của không quân. “Chúng tôi chỉ có thể thành công chứ không được phép thất bại” - đại tá Nguyễn Văn Lục nhớ lại.

Ông Trần Văn On giờ đây vui thú tuổi già bên con cháu - Ảnh: M.LĂNG
Ông Trần Văn On giờ đây vui thú tuổi già bên con cháu - Ảnh: M.LĂNG

Quyết định táo bạo

Trong thời khắc đó, lãnh đạo không quân Việt Nam đã có lựa chọn vô cùng táo bạo và bất ngờ: quyết định cho phi công của chế độ cũ là Trần Văn On tham gia đội hình ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Sáng 28-4-1975, tại sân bay Phù Cát, đại tá Lê Văn Tri - tư lệnh Quân chủng phòng không không quân - quyết định lực lượng tham gia chiến đấu gồm 6 phi công: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng và... Trần Văn On. Và đó cũng là lúc đại đội bay 4 được mang tên phi đội Quyết Thắng.

Lý giải điều này, đại tá Nguyễn Văn Lục cho hay: “Mình chọn anh On vì có thiện cảm với anh này. Hiền lành và đáng tin cậy. Anh On điều khiển, Vượng ngồi ghế phải quan sát. Nói thật là lúc đó mình vẫn chưa tin anh On hoàn toàn đâu. Nhỡ anh này lái máy bay sang nước ngoài thì sao?”.

9h30 ngày 28-4, 5 chiếc máy bay A-37 của phi đội Quyết Thắng bay từ sân bay Phù Cát vào sân bay Thành Sơn (Phan Rang). Mỗi máy bay được lắp 4 quả bom và 4 thùng dầu phụ.

14h30, tư lệnh quân chủng Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ. Phi công của chế độ cũ Trần Văn On được trao bộ quần áo phi công của quân giải phóng. Ông On nói không bao giờ quên được giờ phút đặc biệt đó.

16h17 ngày 28-4, phi đội Quyết Thắng được lệnh cất cánh. Phi đội bay theo hình chữ A do phi công Nguyễn Thành Trung bay vị trí số 1 dẫn đường. Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On bay số 5.

“Chúng tôi phải bay cặp theo bờ biển vào, bay ở độ cao thấp khoảng 300-400m để tránh rađa phát hiện. Khi vào đến nơi, lần lượt từng chiếc một nhằm đúng mục tiêu mà cắt bom rồi thoát ly ra, bay về. Chỉ đánh vô hangar là chỗ chứa máy bay chứ không đánh vô đường băng. Bọn tui vô đánh bom mà ở bên dưới sân bay Tân Sơn Nhất không biết là ai.

Ở loạt bom đầu, họ cứ nghĩ là có người trong phản, họ hỏi phi đoàn nào nhưng bọn tui im ru, không ai trả lời. Đến lượt tui là máy bay cuối cùng, cắt một lần hết 4 trái bom. Vì bay xa quá, từ Phan Rang vào nên chỉ mang theo được 4 trái bom vì còn phải gắn 4 bình xăng phụ. Tui bay về, đáp xuống là vừa hết xăng, hên không rớt máy bay” - ông On cười nói.

Rời bầu trời, về ruộng vườn

Sau giải phóng, ông Trần Văn On về công tác ở sân bay Trà Nóc (Cần Thơ). Người phi công có số phận khá đặc biệt ấy từng tham gia đánh Pol Pot ở các đảo Tây Nam Tổ quốc và dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.

Ông bay ném bom đánh bọn Pol Pot được chừng 5-6 chuyến, được giao một mình một máy bay.

Sau sự cố phi công Nguyễn Văn Hai - một phi công của chế độ cũ được tin dùng - đánh cắp trực thăng UH1 chở vợ con bay ra nước ngoài thì những người của chế độ cũ đang công tác trong quân đội gặp khó khăn, bị ngừng bay hết.

“Mấy ảnh rất thương tui, tính đưa tui ra Phan Rang, đợi tình hình dịu đi sẽ được bay tiếp nhưng nói thiệt lúc đó tui dao động. Tui nghĩ ra đó không biết có được làm lâu dài hay không. Nên tui xin nghỉ về quê làm ruộng” - ông Trần Văn On nói.

Rời bầu trời, người phi công ấy về với ruộng vườn, sống một cuộc đời bình lặng. Cho đến khi những đồng đội cũ trong phi đội Quyết Thắng tìm ra ông sau 30 năm giải phóng. Họ đến tận nhà thăm, hỗ trợ ông khi gặp khó khăn về lý lịch, đưa đi thăm Hà Nội... Mỗi dịp quan trọng, ông đều được đồng đội mời gặp mặt.

Ông On năm nay đã 69 tuổi, có 6 người con. Ông không giấu được niềm tự hào cho biết 2-3 năm trước, trung tướng Trần Hanh - người tham gia chỉ huy trận đánh ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4-1975 - đã tìm về Tiền Giang mời ông lên Sài Gòn.

“Tình cảm của mấy ảnh làm tui xúc động. Chỉ một thời gian ngắn bên nhau nhưng mấy ảnh coi tui là đồng đội thật sự, tin tưởng mình, dù tui đã từng ở bên kia chiến tuyến...” - ông On nói.

Có cậu và anh là liệt sĩ

Khi được chọn đứng vào phi đội Quyết Thắng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trần Văn On nghĩ: “Tui nghĩ mấy ảnh chọn mình chắc vì biết gia đình bà già tui theo giải phóng nhiều. Anh trai thứ tư của má tui (cậu Tư của ông On) hi sinh. Hai người con của cậu Tư cũng đi giải phóng, một người hi sinh.

Ông nói hồi đó ông cũng đâu muốn đi lính. Năm 1968, vừa thi xong tú tài 2 thì bị bắt đi quân dịch rồi được chọn đi học phi công. Vô sân bay Tân Sơn Nhất học Anh văn, ông cố tình làm biếng để thi rớt. Mà thi rớt thiệt. Vậy mà sau đó người ta vẫn bắt học lại.

Đậu rồi được đưa qua Mỹ học lái máy bay phản lực T41, T37 rồi đến máy bay đánh bom A-37. Năm 1973 về nước, được điều ra sân bay Đà Nẵng.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên