Người Nhật không mời ăn... cá hồi sống

PHA LÊ 12/05/2016 20:05 GMT+7

TTCT - Bây giờ cứ ra quán Nhật là thấy cá hồi sống. Sushi cá hồi, sashimi cá hồi, cứ thế tung bay khắp nơi.

Sashimi cá hồi - món các nhà hàng Nhật truyền thống nghiêm túc không bao giờ có
Sashimi cá hồi - món các nhà hàng Nhật truyền thống nghiêm túc không bao giờ có


Nhưng đúng phong tục ăn uống, người Nhật không bao giờ ăn cá hồi sống cả. Ngày nay, những nhà hàng có tiếng lâu đời, có sao Michelin ở Nhật chẳng mời ai món cá hồi sống hết. Các nhà hàng bình dân ở Nhật còn dọn món cá sống này, chứ nhà hàng nổi tiếng lâu đời, do đầu bếp có ý thức, có hiểu biết về truyền thống, lịch sử và thương cho sức khỏe của thực khách sẽ không dây dưa với cá hồi sống bao giờ.

Cá hồi nướng than. Đây mới là món truyền thống của Nhật
Cá hồi nướng than. Đây mới là món truyền thống của Nhật

 

Tại sao người Nhật ăn cá sống?

Người Nhật nổi tiếng sống theo mùa, mùa nào có gì ăn đó và họ hiểu rằng tài nguyên của đất nước không nhiều, nên có nguyên liệu gì là phải vắt óc tận dụng hết các chất dinh dưỡng. Thế phải làm sao khi nước Nhật có mùa đông và các vùng phía bắc mùa đông còn khắc nghiệt nữa.

Mùa ấy rau củ chẳng bao nhiêu, trồng trọt chăn nuôi khó khăn, sản lượng rất lẹt đẹt. Trái lại, mùa ấy cá béo tốt vì chúng biết trữ mỡ cho ngày lạnh tháng dài.

Cá lại giàu vitamin, nếu tính ra thì các kiểu A, B, C, D của cá dồi dào chẳng thua gì rau. Của đáng tội là vài vitamin hễ gặp nhiệt là bay, đặc biệt vitamin C trong cá sẽ biến mất nếu chúng ta nấu chín.

Trong tình hình ấy, người Nhật tìm ra cách ăn cá sống để lấy hết chất bổ từ loại nguyên liệu này. Như vậy dù họ thiếu rau, thiếu gạo, thiếu trái cây, chỉ cần có cá sống là cơ thể họ cầm cự được để sống khỏe mạnh bất kể mùa đông hay thu. Âu cũng là cách ăn uống có lý đối với một đảo quốc bốn bề là biển khơi.

Cá cam, hay còn gọi là cá kampachi – một trong những loài cá người Nhật ăn sống.
Cá cam, hay còn gọi là cá kampachi – một trong những loài cá người Nhật ăn sống.

 

Giun sán và cá

Tuy nhiên từ thời Heian - tức thời Bình An, bắt đầu khoảng năm 794, người Nhật đã hiểu rõ rằng có những loại cá ăn sống được, có loại không.

Để sống cho khỏe luôn là một bài toán, cái nào có lợi hơn thì làm. Ví dụ nếu uống thuốc là gặp 1% nguy cơ tác dụng phụ nhưng 99% sẽ khỏi bệnh, đành uống thuốc vậy.

Trên đời này có cái gì an toàn 100% đâu? Cá sống cũng thế, các loại cá biển tất nhiên chẳng sạch hoàn toàn nổi, xác suất một vài con bị nhiễm giun Anisakis là có. Nhưng xác suất này rất thấp, ít ra trong một thời gian dài lúc biển cả chưa bị loài người làm ô nhiễm.

Bao thế hệ người Nhật đã đem việc ăn sống vài loại cá lên bàn cân, kết quả cho thấy ăn thiếu vitamin - đặc biệt thiếu C - trong thời gian dài rất nguy hiểm và gây chết người nhiều hơn xác suất ăn phải cá nhiễm giun Anisakis.

Trong trường hợp xấu, nhiễm giun nếu phát hiện kịp thời còn chữa khỏi được, chứ sống thiếu chất trong ba tháng mùa đông và có thể cộng thêm mấy tháng mùa thu tùy thời tiết năm ấy khắc nghiệt như thế nào là chẳng biết lấy gì chữa.

Đổi lại, một số loài cá dù muốn thu gom hết dinh dưỡng đến mấy chăng nữa người Nhật cũng không dám ăn sống do xác suất trúng giun sán độc quá cao. Họ không bao giờ ăn sống cá sông vì dù sông sạch tới đâu cũng sẽ có nhiều trứng sán, trứng ký sinh trùng hơn biển.

Người Nhật ăn cá sống nhưng không phải tất cả-L.N.M.
Người Nhật ăn cá sống nhưng không phải tất cả-L.N.M.

 

Cá hồi tuy có bơi ra biển sống lúc lớn, nhưng cá mẹ đẻ trứng ở sông và cá hồi con lớn lên trong môi trường sông. Với quá trình lớn lên ấy, chúng bắt buộc phải lấy các sinh vật ở sông làm thức ăn, từ đó “tiện thể” ăn luôn trứng sán lá, sán dây.

Xác suất cá hồi con ăn sán vào bụng không phải 100%, nhưng vẫn đủ cao để báo động. Các con sán dây còn nổi tiếng lì lợm, ngay cả khi cá hồi lớn và di cư tới biển, sán dây vẫn dai dẳng bám lấy cá hồi và theo chúng ra đại dương. Vì vậy dù có đánh bắt cá hồi ở môi trường biển đi chăng nữa, chúng vẫn có nguy cơ mang nhiều mầm bệnh từ sông.

Bấm tay tính cũng đủ thấy sán lá, sán dây đủ loại hầm bà lằng sẽ nguy hiểm hơn mỗi một con giun Anisakis. Đấy là chưa tính đến việc khi mò ra biển, cá hồi cũng gặp phải nguy cơ... nhiễm Anisakis.

Sau bao năm tích lũy kinh nghiệm, người Nhật quyết định cá gì ăn sống được chứ cá hồi nên nấu chín cho an toàn.

Bữa cơm Nhật với lát cá hồi -nướng mỏng, còn lại là canh và rau củ
Bữa cơm Nhật với lát cá hồi -nướng mỏng, còn lại là canh và rau củ



Các món cá hồi truyền thống Nhật

Với nhiều mỡ, cá hồi rất hợp để nướng vì mỡ sẽ giúp da cá giòn rụm. Người Nhật từng ăn cá hồi nướng thường xuyên, loại cá này cũng to, rẻ và nhiều nên cá hồi nướng là món bình dân phổ biến. Dân Nhật thời thế kỷ 18-19 lắm khi chỉ có miếng cá hồi cắt mỏng, nướng giòn da ăn kèm với rau củ ngâm chua và chén canh là vui.

Nhà nghèo ướp cá hồi với muối, nhà nào khá hơn sẽ ướp nước tương pha rượu gạo.

Để tận dụng hết con cá, người Nhật còn lấy thịt cá hồi vụn ra băm nhuyễn, nắn lại chiên thành chả. Lẩu hoặc cá hồi hầm làm từ thịt và xương cá hồi từng là món ăn Nhật phổ biến, dù ngày nay giới trẻ của Nhật không thích ăn nữa. Lẩu cá hồi hay cá hồi hầm rất hợp để ăn trong mùa lạnh như thu hoặc đông.

Nếu mỡ cá thường chảy mất một phần khi nướng gây thất thoát thì lẩu hầm lại giữ được phần mỡ ấy trong nước dùng. Thời nay đồ béo đầy ra nên nghĩ tới mỡ thấy sợ nhưng cách đây độ trăm năm, dân Nhật chủ yếu đói cộng thêm thời tiết khắc nghiệt nữa nên lẩu cá hồi béo sẽ giúp họ có sức làm việc. Trong một thời gian dài, chẳng ma nào ở Nhật mời nhau món cá hồi sống hay sushi cá hồi sống cả!

Từ đống tàn dư của Thế chiến thứ hai, nước Nhật vực dậy và trở thành cường quốc mạnh sau Mỹ làm cả thế giới choáng váng. Lúc ấy ngoài tự hào và thu tiền từ các kiểu công nghệ máy móc với bán xe hơi, nước Nhật còn muốn quảng bá văn hóa, đem ẩm thực nước nhà đi xuất khẩu. Khổ một nỗi có những món Nhật vô cùng khó đại trà hóa.

Du khách đến nhà hàng Nhật nên chọn món nào?
Du khách đến nhà hàng Nhật nên chọn món nào?

 

Riêng món cá sống thì đầu tiên là phải tới mùa, thứ hai là sản lượng của mùa thường không bao giờ nhiều, thứ ba là vài loại cá dành cho việc ăn sống hơi bị đắt.

Ví dụ cá ngừ từng là loại cá rẻ, nhà bình dân cũng mua về ăn sống được dù hiện nay sản lượng có hiếm đi nên cá ngừ trở thành món đắt. Nhưng mùa của cá ngừ là vào mùa lạnh như mùa đông. Và nhìn chung cá ngừ luôn đắt hơn cá hồi một tẹo.

Cá tai - một họ cá tráp - nổi tiếng là loại ăn sống rất ngon. Mùa của cá tai rơi vào xuân và cá tai đắt kinh khủng. Nhà bình dân chỉ dám mua cá tai ăn vào dịp năm mới nhằm đón tết cho sung túc. Những ngày còn lại của mùa xuân là chỉ nhà giàu, nhà lãnh chúa mới có cá tai ăn thường xuyên.

Cá tai sống, một trong những loại sashimi đắt tiền nhất
Cá tai sống, một trong những loại sashimi đắt tiền nhất

Trong tình hình ai cũng muốn ăn món cá sống nổi tiếng của Nhật mà sản lượng lại thiếu, cộng thêm việc không phải ai cũng có tiền, cá hồi nổi lên như vị cứu tinh. Loại cá này to, xẻ ra được lắm thịt, gần như mùa nào cũng có, lắm mỡ nên còn dễ trữ đông.

Đúng là cá hồi không an toàn bằng các loại cá biển khác thật, nhưng vừa muốn ăn cá sống kiểu Nhật vừa thích giá phải chăng thì còn mỗi cách này, chứ đầu bếp nào bán cá tai sống với giá bình dân được. Đành chấp nhận rằng quảng bá văn hóa ẩm thực có khi là con dao hai lưỡi, báo hại lắm kẻ cất công mò vào nhà hàng sushi gắn đầy sao Michelin của Nhật rồi bàng hoàng rằng vì sao không có món sushi cá hồi sống!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận