18/10/2016 07:00 GMT+7

Người dân vùng lũ cần gì?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Khúc ruột miền Trung đang oằn mình trước cơn lũ lớn. Người dân cả nước chung tay cứu trợ, tiếp thêm từ vật chất đến tinh thần để những người dân vùng lũ vượt qua cảnh khốn khó.

Tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), người dân phải chèo bè để di chuyển do nước dâng cao - Ảnh: DOÃN HÒA
Tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), người dân phải chèo bè để di chuyển do nước dâng cao - Ảnh: DOÃN HÒA

Chúng tôi liên lạc với những người đang trực tiếp làm công tác cứu trợ ở các tỉnh miền Trung để biết bà con đang thật sự cần gì trong lúc này và sau khi lũ đi qua.

Thương quá miền Trung...

Giữa mênh mông, bốn bề là nước, hình ảnh những cánh tay vẫy lên kêu gọi cứu giúp mới đau đớn làm sao. Từ mái nhà nhìn xuống, đâu cũng chỉ toàn nước là nước, con trâu con bò, thóc lúa heo gà cứ theo dòng nước mà trôi đi…

Ngày 16-10, phóng viên Tuổi Trẻ có mặt tại vùng rốn lũ Hà Tĩnh cho biết nhiều nhà dân ngập đến mái ngói, người dân thiếu thốn nước sinh hoạt và các nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày.

Tại vùng Cồn Nâm, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, suốt mấy ngày, người dân gần như bị cô lập giữa biển nước.

Nhiều người dân chia sẻ nhu yếu phẩm tích trữ đã cạn kiệt, họ chỉ còn biết trong chờ vào thực phẩm, nước uống cứu trợ và chờ nước rút.

Có gia đình vì lũ lớn mà chẳng thể nào làm một đám tang chu toàn cho mẹ, con cái muốn thắp hương lên mộ bà cũng chẳng biết làm sao…

Bà con vùng lũ cần gì lúc này?

Ông Cao Quang Cảnh, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình cho biết lũ lụt năm nay diễn ra rất nghiêm trọng trên địa bàn toàn tỉnh, với đỉnh lũ tương đương đỉnh lũ lịch sử năm 2008. Nước lên quá nhanh nên bà con dù đã có tâm thế chuẩn bị nhưng vẫn không ứng phó kịp.

Ông Cảnh cho hay hiện nay về cơ bản, có thể tiếp cận cứu trợ bằng đường bộ. Tuy nhiên, tại một số xã ngập lâu thì vẫn phải di chuyển bằng thuyền, đò.

Trao đổi với Tuổi Trẻ trưa ngày 17-10, ông Phan Văn Cầu, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình cho biết ông đang ngồi chờ đò để đi vào cứu trợ bà con ở xã Tân Hóa, huyện Ninh Hòa. Ông cho hay sau khi đi đò một tiếng còn phải lội nước vào thì mới tiếp cận được với nhà dân.

Về nhu cầu của bà con, theo lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, trước mắt cần nhất vẫn là lương thực như gạo, mì tôm, nước mắm, dầu ăn, nước sạch để uống, dụng cụ sinh hoạt gia đình…

Bên cạnh đó, nước lũ rút đi thì vấn đề vệ sinh môi trường, dịch bệnh, nguồn nước cũng cần có sự giúp đỡ, chung tay để đảm bảo vấn đề sinh hoạt cho bà con sau lũ. Do đó, các vật dụng vệ sinh, dụng cụ y tế cũng rất cần.

Theo ông Cảnh, các trường học đều bị ngập nặng, dụng cụ giảng dạy, đồ dùng phục vụ trường học, sách vở, quần áo của học sinh bị nước lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng, không còn sử dụng được nữa. Vì thế, đây cũng là những món đồ thiết yếu mà học sinh, giáo viên, các trường học cần sau lũ rút.

“Sắp tới sẽ có đợt rét nên quần áo mùa đông, áo khoác cũng rất cần cho các cháu. Ngoài ra cũng cần những suất học bổng để khuyến khích các cháu vượt khó đến trường”, ông  Phan Văn Cầu nói.

Ông Cao Quang Cảnh cho biết thêm trong khoảng 1 đến 2 tuần nữa, các dịch vụ tại địa phương cũng sẽ được phục hồi. Khi đó, linh hoạt nhất vẫn là hỗ trợ bà con về tiền mặt vì người dân biết chính xác nhất gia đình mình cần mua gì trong lúc khó khăn.

Về lâu dài, theo ông Cảnh, trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, người già, người neo đơn, các hộ nghèo-cận nghèo đều rất cần sự hỗ trợ về vấn đề sinh kế như giống, vật nuôi, cây trồng,… để cải thiện điều kiện cuộc sống và tăng khả năng chống chịu.

Ông Phan Văn Cầu cho biết thêm, khi các nhóm cứu trợ liên hệ với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội sẽ bàn bạc cụ thể, chọn lựa địa bàn, chọn lựa đối tượng và tổ chức phân phát hàng cứu trợ cho bà con, sao cho vừa nhanh chóng, kịp thời và thiết thực nhất.

Tuổi Trẻ liên lạc với anh Lê Quang Hải, chuyên viên ban Công tác xã hội, Hội chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế được biết theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh có 334 nhà bị tốc mái, 6 nhà sập hoàn toàn và chưa nhận được hỗ trợ.

“Về lương thực, bà con đang rất cần gạo, mì tôm. Ngoài ra, bà con cũng cần tôn để lợp lại, gia cố nhà cửa sau lũ và cần dụng cụ y tế, dụng cụ vệ sinh như băng gạc, nẹp, thuốc đỏ sát trùng, xà phòng rửa tay, vệ sinh thân thể,… để phòng chống dịch bệnh sau lũ”, ông Hải nói.

Ông Hải cho biết Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức các chương trình khám miễn phí cho bà con bị thiên tai. Ngoài ra, Hội cũng là nơi tiếp nhận và có đội ngũ tại các huyện, xã, chi hội trực tiếp phân phối các vật dụng, tiền bạc… để hỗ trợ bà con.

Những cánh tay sẻ chia nối dài

Người dân phải leo lên nóc nhà tránh lũ - Ảnh: HỮU KHÁ
Người dân phải leo lên nóc nhà tránh lũ - Ảnh: HỮU KHÁ

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết ngày đầu tuần, lãnh đạo TP.HCM trực tiếp đến 5 tỉnh miền trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế để trao tặng số tiền 10 tỉ đồng.

Trên mạng xã hội, rất nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện cũng kêu gọi sự đóng góp của mọi người để giúp đỡ người dân miền Trung trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Các nghệ sĩ ở TP.HCM hứa trực tiếp ra miền Trung để cứu trợ đồng bào gặp nạn ở Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh.

Xem clip flycam quay cảnh vùng lũ tại Quảng Trị 

Báo Tuổi Trẻ tiếp nhận mọi đóng góp cứu trợ của bạn đọc cho đồng bào lũ lụt.  

Xin gửi qua tài khoản báo Tuổi Trẻ tại:

+ Báo Tuổi Trẻ, Ngân hàng Công thương Chi nhánh 3 TP.HCM Số tài khoản: 102010000118248 (Việt Nam đồng). Ghi rõ ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung. 

Bạn đọc ở nước ngoài xin chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ:

+ Tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

+ Tài khoản EUR: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

+ Swift code: BFTVVNVX007

Hoặc đến liên hệ các văn phòng của báo Tuổi Trẻ tại các địa chỉ:

+ TP.HCM: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận. ĐT: (08) 39973838

+ Hà Nội: 72A Thụy Khuê, Q.Tây Hồ. ĐT: (04) 38473663-38473664

+ Hải Phòng: 2/274A Lạch Tray, Q.Ngô Quyền. ĐT: 0979451851 

+ Nghệ An: 158 Đinh Công Tráng, Vinh. ĐT: (038) 3598384

+ Huế: 61 Tố Hữu. ĐT: (054) 3830160

+ Đà Nẵng: 9 Trần Phú. ĐT: (0511) 3887382 - 3892650

+ Bình Định: 16A Lý Thường Kiệt, Quy Nhơn. ĐT: (056) 3824719

+ Khánh Hòa: 64 Lê Đại Hành, Nha Trang. ĐT: (058) 3510070

+ Đắk Lắk: 181 Hai Bà Trưng, Buôn Ma Thuột. ĐT: (0500) 3819933

+ Lâm Đồng: 8 Hoàng Văn Thụ, Đà Lạt. ĐT: (063) 3555456

+ Đồng Nai: E3 Phan Đình Phùng, Biên Hòa. ĐT: (061) 3846365

+ Tiền Giang: 171 Tết Mậu Thân, Mỹ Tho. ĐT: (073) 3889000

+ Cần Thơ: 95 Ngô Quyền. ĐT: (0710) 3825861

+ Kiên Giang: 56 Nguyễn An Ninh, TP Rạch Giá. ĐT: 0918843850

 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục