26/09/2017 09:00 GMT+7

Ngổn ngang từ 'xưng danh' đến 'định danh' cơ sở giáo dục đại học

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Có ý kiến cho rằng cần sửa đổi tên gọi của các cơ sở giáo dục đại học để nhất quán và hội nhập quốc tế. Nhưng nếu sửa lại cho thống nhất thì lại "vướng" con dấu...

Một buổi học của sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng với giảng viên nước ngoài. Đây là một trong 23 trường ĐH đang tiên phong thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ Ảnh: NHƯ HÙNG
Một buổi học của sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng với giảng viên nước ngoài. Đây là một trong 23 trường ĐH đang tiên phong thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Luật giáo dục đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 25-9, nhiều đại biểu mong muốn luật sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội năm 2018 sẽ giúp giải quyết được nhiều khúc mắc của giáo dục đại học hiện nay.

Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học vào tháng 1-2018.

Bối rối với tên gọi của cơ sở giáo dục đại học

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định: hệ thống tên gọi các trình độ đào tạo và văn bằng hiện nay đang thiếu tính nhất quán về ngôn ngữ và chưa hội nhập quốc tế.

Sự thiếu nhất quán này hiện diện ngay trong luật, khi đồng thời quy định "trình độ cao đẳng", "trình độ đại học", rồi lại gọi "trình độ thạc sĩ" và "trình độ tiến sĩ"...

Trước bất cập này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn kiến nghị cần quy định thống nhất và cụ thể các mô hình cơ sở giáo dục đại học, kèm theo các tên dịch sang tiếng Anh, bảo đảm hội nhập quốc tế. 

Trong đó, "đại học" (university) là một cơ sở giáo dục đại học toàn diện, nhiều lĩnh vực, bao gồm các trường (school, đơn lĩnh vực) hoặc khoa (department, đơn ngành hoặc ít ngành); nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu được gắn kết chặt chẽ và được coi trọng như nhau; 

"Trường đại học" (college) là cơ sở giáo dục đại học đơn lĩnh vực (hoặc ít lĩnh vực), bao gồm các khoa đơn ngành hoặc ít ngành, chủ yếu định hướng đào tạo; "học viện" (academy) là một cơ sở giáo dục đại học đơn lĩnh vực, định hướng đào tạo gắn với một số ngành nghề cụ thể...

Tiếp nhận ý kiến này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - đề nghị các trường tiếp tục góp ý về việc có cần thiết sửa đổi tên gọi của các cơ sở giáo dục đại học hay không. 

Theo bà Phụng, việc thay đổi tên gọi thống nhất có những điểm tốt, nhưng cũng kéo theo một loạt thay đổi phức tạp khác mà các trường cần cân nhắc kỹ, trong đó có việc thay đổi con dấu...

Lúng túng quản trị, mờ nhạt thực quyền

Trọng tâm hội thảo được các đại biểu quan tâm chính là khung pháp lý để các trường đại học thực hiện quyền tự chủ như một thuộc tính sẵn có của mình, mà không cần phải thông qua cơ chế xin - cho.

Thực tế, 23 trường đại học đang tiên phong thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong hai năm qua, đã dần định hình được xu hướng tất yếu tiến đến tự chủ. 

Tuy nhiên, việc thực hiện cụ thể vẫn bị vướng, nhất là việc xây dựng được hội đồng trường đúng nghĩa. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận "hội đồng trường là việc khó nhất trong thực hiện tự chủ".

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công thương - dẫn chứng các trường thuộc bộ này đều gặp khó trong việc bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường.

Theo bà Giang, với quy định hiệu trưởng không được kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng trường thì có thể mời người từ bên ngoài nhà trường đảm nhiệm. Tuy nhiên, do yêu cầu chủ tịch hội đồng trường phải là công chức, viên chức nên đại diện doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn. 

Ngay ở Bộ Công thương, dù hiện quản lý 35 cơ sở giáo dục nhưng để đáp ứng tiêu chuẩn thì "may ra có duy nhất một người đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch hội đồng trường, đó là bộ trưởng".

Chia sẻ với các trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng thừa nhận: việc tìm được chủ tịch hội đồng trường với các tiêu chuẩn tương đương hiệu trưởng là không dễ. 

Nếu chọn được một người đủ tiêu chuẩn như thế, đa số sẽ chọn vị trí hiệu trưởng với thực quyền rõ nét hơn chứ không nhận chức chủ tịch hội đồng trường. Còn nếu chọn trưởng khoa, trưởng phòng vào vị trí chủ tịch hội đồng trường thì khó thể hiện được vai trò quyền lực của hội đồng này.

Ngay cả mô hình tự chủ lý tưởng cho tương lai mà các chuyên gia đặt ra là xóa bỏ cơ quan chủ quản khi đi vào thực tế cũng bộc lộ đủ bất cập khó lường. 

Bằng chứng là trường đại học công lập duy nhất trên cả nước hiện nay không có cơ quan chủ quản là Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội cũng đang gặp đủ thứ vướng víu trong thực hiện quyền tự chủ của mình, khi nhiều quy trình, thủ tục vẫn đòi hỏi phải có ý kiến của cơ quan chủ quản khi đề xuất sang bộ ngành khác.

Cần công bố các chương trình liên kết đào tạo được công nhận văn bằng

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang cũng đặt vấn đề cần có quy định rõ ràng hơn trong liên kết đào tạo, nhất là liên kết đào tạo với nước ngoài.

Theo bà Giang, gần đây có nhiều ý kiến khác nhau về việc văn bằng chương trình liên kết nước ngoài đào tạo tại Việt Nam, nhưng sau đó lại không được Bộ GD-ĐT công nhận.

Vì vậy, luật mới cần quy định rõ các tiêu chuẩn trong liên kết đào tạo, và Bộ GD-ĐT cần công bố danh sách các chương trình liên kết đào tạo chất lượng, được công nhận văn bằng để xã hội, người học cùng biết và giám sát. Vì điều này liên quan mật thiết đến công tác tổ chức cán bộ.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên