01/07/2016 06:17 GMT+7

Nghị lực từ trường thi

H.ĐỒNG - D.KHÁNH - K.NAM -
NH.NGỌC
H.ĐỒNG - D.KHÁNH - K.NAM -
NH.NGỌC

TTO - Gặp nhiều nghịch cảnh khác nhau trên đường đời nhưng những thí sinh này vẫn phấn đấu vượt qua khó khăn để đến với trường thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số gương mặt cùng bạn đọc.

Đà Nẵng: Thí sinh khiếm thị từ chối đặc cách

Theo Hội đồng thi THPT 2016 ĐH Đà Nẵng, đợt thi này có hai thí sinh khiếm thị dự thi tại hội đồng, trong đó có một thí sinh nhận đặc cách, còn thí sinh Mai Văn Hiền (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Đà Nẵng) từ chối đặc cách và xin thi để xét tuyển ĐH.

Mai Văn Hiền dự thi tại điểm thi Trường CĐ Phương Đông và hội đồng thi đã bố trí một phòng thi riêng cho thí sinh này.

Ngoài ra, hội đồng thi còn mời giáo viên của Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu đến đọc đề thi cho thí sinh Hiền, có máy ghi âm ghi lại toàn bộ quá trình thi...

ĐOÀN CƯỜNG

Hà Nội: Ước mơ kỹ sư công nghệ thông tin của cô gái khuyết tật

Nguyễn Thị Hồng Nhung ước mơ sẽ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin 
- Ảnh: HÀ THANH
Nguyễn Thị Hồng Nhung ước mơ sẽ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin - Ảnh: HÀ THANH

Cô gái Nguyễn Thị Hồng Nhung, 19 tuổi, ở thôn Đại Tảo, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, Hà Nội từ nhỏ đã bị tật ở chân, đi lại khó khăn. Đều đặn suốt 12 năm đi học, Nhung luôn cần sự hỗ trợ đưa đón của người thân.

Hoàn cảnh khó khăn như thế nhưng chưa bao giờ Nhung có suy nghĩ nản lòng với việc học hành. Suốt 12 năm liền Nhung đều phấn đấu để đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nói về ước mơ tương lai, Nhung muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin để đóng góp cho nền công nghệ của đất nước.

Mẹ của Nhung - chị Nguyễn Thị Hương - rưng rưng kể với chúng tôi: “Lúc nào em nó cũng suy nghĩ cố gắng hết mình. Trên các bức tường ở nhà, Nhung đều dán đầy dòng chữ: Phải làm được!”.

H.THANH

Cà Mau: Đến trường thi trong nỗi đau mất cha

Dương Văn Hưng con nạn nhân nổ tàu ở Phú Quốc - Ảnh: TẤN THÁI
Dương Văn Hưng con nạn nhân nổ tàu ở Phú Quốc - Ảnh: TẤN THÁI

Đó là trường hợp của thí sinh Dương Văn Hưng, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Cha của Hưng - ông Dương Văn Cường - là một trong số ba nạn nhân mất tích, thi thể được tìm thấy muộn nhất trong vụ nổ tàu đánh cá số hiệu CM-98984 mới đây trên vùng biển Phú Quốc.

Cô Trần Ngọc Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C5 Trường THPT Sông Đốc, Cà Mau - cho biết gia cảnh của Hưng rất khó khăn. Nhiều năm qua, hằng ngày Hưng phải đi bộ hơn 2 cây số rồi tiếp tục đi đò xuôi kênh Nông Trường thêm 5 cây số nữa mới tới được lớp học.

Bà Phan Thị Nâu, mẹ của Hưng, cho biết gia đình bà chỉ có 2 công đất ruộng nên làm không đủ ăn. Những lúc nông nhàn, ông Cường thường kiếm việc phụ hồ làm thêm để trang trải cuộc sống gia đình. Gần đây mới có người rủ ông Cường đi biển để kiếm thêm thu nhập.

“Chiều 24-6, ba em có gọi điện thoại về hỏi tình hình học bài ôn thi của em. Ba nói tàu cá của ba đang trên vùng biển Phú Quốc. Ba chỉ mong tàu đánh được nhiều cá, để ba tạm ứng tiền công từ chủ tàu cho em đi thi. Vậy mà đến tối 24-6, nghe chủ tàu gọi, em với mẹ tưởng người ta gọi ra ứng tiền, ai ngờ nhận tin tàu bị nổ, ba đang mất tích...” - Hưng nghẹn ngào kể.

“Gia cảnh khó khăn lắm, nhưng mấy năm liền Hưng đều là học sinh giỏi. Kỳ thi THPT quốc gia này Hưng dự tính đăng ký xét tuyển vào ngành y. Mấy hôm nay, tôi và các bạn của Hưng đã an ủi, động viên Hưng rất nhiều để em vững tâm tham dự kỳ thi quan trọng của đời mình” - cô Trần Ngọc Thúy chia sẻ.

Cô Thúy cho biết thêm do chiều 30-6 gia đình tổ chức an táng cho ông Cường, nên sáng nay ban giám hiệu đã cử một giáo viên mang hồ sơ của em Hưng lên TP Cà Mau để đối chiếu, chuẩn bị thủ tục dự thi cho em.

Tối 30-6, Trường THPT Sông Đốc sẽ cử giáo viên chở Hưng lên Cà Mau dự thi. Hiện tại, ngoài việc hỗ trợ cho em chuyện ăn, nghỉ miễn phí, các thầy cô đã vận động được 3 triệu đồng giúp Hưng đi thi.

Thanh Hóa: Cô học trò không tay mơ làm cô giáo

Cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Thùy đến phòng trọ hướng dẫn Lê Thị Thắm ôn bài lần cuối trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Thùy đến phòng trọ hướng dẫn Lê Thị Thắm ôn bài lần cuối trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Sáng sớm 30-6, thí sinh Lê Thị Thắm (không có hai tay bẩm sinh, học sinh Trường THPT Đông Sơn I, huyện Đông Sơn) cùng mẹ đội mưa vượt hơn 20km từ nhà đến Trường THPT Quảng Xương I (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) để làm thủ tục dự thi THPT quốc gia năm 2016.

Khi Thắm vừa lọt lòng, nhìn thân hình con gái bé bỏng không có hai cánh tay như bao đứa trẻ khác, bố mẹ em và gia đình nội ngoại đã khóc nghẹn. Bà Nguyễn Thị Tình, mẹ của Thắm, kể từ nhỏ Thắm đã có tính tự lập. Khi còn học mẫu giáo, lúc bố mẹ đi làm đồng, Thắm ở nhà tự lấy que nứa, tre kẹp vào khe giữa ngón chân cái và ngón chân áp cái để tập viết dưới nền sân đất.

Nhiều hôm đi làm đồng về thấy con gái lăn lộn tập viết chữ, số đếm đến tóe cả máu chân, người mẹ chỉ biết ôm Thắm vào lòng mà khóc. Biết con ham học chữ, suốt từ năm lớp 1 đến lớp 12, bà Tình là đôi chân đưa Thắm đến trường bằng xe đạp.

Không phụ lòng bố mẹ, với nghị lực phi thường tập viết bằng bàn chân trái, đến những năm học tiểu học, Thắm luôn là học sinh giỏi, là một trong những học sinh viết chữ đẹp nhất Trường tiểu học xã Đông Thịnh.

Bước sang những năm học THCS và THPT, dù phải viết bài nhiều hơn, nhanh hơn, nhất là vẽ hình của môn hình học nhưng Thắm vẫn học vượt trội hơn nhiều bạn cùng lớp. Suốt 12 năm học, Thắm luôn là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Thắm còn đoạt nhiều giải về vẽ tranh, thi viết chữ đẹp do Hội Người khuyết tật tỉnh, Sở GD-ĐT Thanh Hóa tổ chức.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về ước mơ của mình, Thắm tâm sự: “Cách đây 10 năm báo Tuổi Trẻ đã có bài viết về em. Sau đó nhiều bạn đọc, nhà hảo tâm đã đến động viên, mong muốn em vượt lên số phận để học tập tốt. Giờ đây em đủ tự tin bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm nay để vào ngành sư phạm tiếng Anh của Trường ĐH Hồng Đức. Ước mơ của em là làm cô giáo, sau này về giảng dạy cho học trò quê em, phụ giúp bố mẹ mưu sinh”.

Kiên Giang: Nỗ lực của cậu học trò ngồi xe lăn

Vi Hoàng Bảo ước mơ trở thành dược sĩ - Ảnh: NHƯ NGỌC
Vi Hoàng Bảo ước mơ trở thành dược sĩ - Ảnh: NHƯ NGỌC

Thí sinh Vi Hoàng Bảo, học sinh lớp 12 chuyên hóa Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Kiên Giang, nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi. Bảo mắc bệnh loãng cơ xương từ năm 5 tuổi, việc di chuyển hoàn toàn dựa vào chiếc xe lăn.

Có mặt tại hội đồng thi ở Trường ĐH Kiên Giang sáng 30-6, Bảo chia sẻ do việc đi lại khó khăn nên ngoài những giờ học trên lớp thay vì đi học thêm như các bạn khác, Bảo chọn cho mình phương pháp tự học trên mạng, giải các bài tập đề thi có sẵn, nghe giảng thêm từ các video clip trên youTube... Theo Bảo, đây là cách học rất thú vị đối với em, vì cách học này dựa trên tinh thần tự giác, kích thích sự tìm tòi, tự học...

Tuy khuyết tật về cơ thể nhưng Bảo chưa bao giờ thấy mặc cảm, vì ba mẹ, thầy cô, bạn bè đều dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đến Bảo. Đây cũng là động lực để Bảo cố gắng trong suốt những năm tháng đi học của mình.

Kỳ thi này, Bảo đăng ký dự thi toán, Anh, hóa, sinh với ước muốn theo học ngành dược. “Vì em không thể tự mình đi lại nên em chọn học ngành dược để sau này ra trường có thể mở một hiệu thuốc tây giúp chữa bệnh cho mọi người” - Bảo tâm sự.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đội Tiếp sức mùa thi ở Kiên Giang đã cử bốn bạn tình nguyện viên thay phiên nhau cõng Bảo lên phòng để dự thi.

 

 

 

H.ĐỒNG - D.KHÁNH - K.NAM -
NH.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục