21/06/2014 07:46 GMT+7

Nghị lực sống từ những bài báo

hue-audio
hue-audio

TT - 20 năm rồi, trên bàn thờ cô gái trẻ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Q.Tân Bình, TP.HCM) vẫn có một mảnh giấy tập học trò vàng ố gấp làm tư - lá thư của một nhân vật trên báo Tuổi Trẻ gửi Hạnh. Và kẹp trong mấy quyển nhật ký của Hạnh là những bài báo Tuổi Trẻ viết về gương vượt khó được cắt giữ cẩn thận.

JDmX4cHR.jpg
Bà Phan Thị Thi lần giở những trang nhật ký của con gái - Ảnh: Mai Hương
s11HO6TE.jpg

Bà Phan Thị Thi - mẹ Hạnh - nói: "Những trang viết ấy chính là niềm tin, là động lực để con gái tôi sống và học tập cho đến tận những ngày cuối cùng". Hạnh ra đi khi vừa tròn 17 tuổi - chấm dứt 17 năm tật nguyền và thường xuyên đau bệnh.

Lá thư của một người không quen

20 năm qua, bà Phan Thị Thi ấp ủ những trang nhật ký, hình ảnh, thư từ, những trang vở viết tay của con gái cho riêng mình. Bây giờ, bà nói mình quyết định chia sẻ câu chuyện với Tuổi Trẻ chỉ với một mong muốn Tuổi Trẻ sẽ luôn có nhiều tin bài hay truyền cảm hứng, nghị lực sống đẹp, sống có ích cho bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ.

Ngày 29-8-1992, trên báo Tuổi Trẻ đăng một bản tin với tiêu đề: "Quyên góp cho một sinh viên đi làm thêm bị tai nạn". Người sinh viên bị nạn có tên Phan Thanh Hòa, sinh viên K15 khoa tòa án Trường đại học Pháp lý. Trong khi đi làm thêm phụ hồ, anh ngã từ trên giàn giáo và bị chấn thương cột sống. Trước khi vào đại học, Hòa đã có thời gian năm năm đi bộ đội tại chiến trường Campuchia. Gia đình Hòa làm nghề nông ở Phú Yên, cha già yếu, mẹ bị thấp khớp không làm được gì. Hòa lại còn bảy em nhỏ không giúp được gì cho anh trong việc chữa trị. Ðăng kèm bản tin là tấm hình cậu sinh viên nghèo đang nằm thoi thóp trên giường bệnh.

Bà Thi nhớ lại: "Ðọc xong bản tin ấy, chờ mẹ đi làm về, Mỹ Hạnh cầm tay và nhìn sâu vào mắt mẹ, nói: "Mẹ, mẹ giúp con đến thăm anh ấy đi. Mẹ giúp con gửi cho anh ấy ít tiền, nói là mong anh ấy mau lành bệnh". Mỹ Hạnh là con gái út của tôi, bẩm sinh đã có tật ở chân nên không đi lại được. Những năm đó, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, kiếm được tiền lo cho đàn con đã vất vả nên thật tình tôi chưa nghĩ đến chuyện làm từ thiện. Nghe con nói vậy, tôi rất bất ngờ nhưng cũng hứa để con vui". Thu xếp công việc, bà Thi đạp xe đến Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP, cầm theo tờ báo tìm gặp sinh viên Phan Thanh Hòa và gửi tặng vài chục ngàn đồng. Trong câu chuyện với Hòa, bà có nhắc đến tấm lòng của con gái, và anh Hòa rất cảm động, xé vội một trang trong quyển vở ở đầu giường viết: "TP.HCM ngày 13-9-1992. Mỹ Hạnh thân mến. Anh rất cảm động trước tình thương của gia đình cũng như tình cảm của em dành cho anh. Anh vô cùng biết ơn. Chúc gia đình vạn sự như ý. Chúc em thành đạt trong vấn đề học vấn".

Bà Thi kể mang lá thư của Hòa về trao cho con gái, bà thấy ánh mắt con mình lấp lánh niềm vui. Mỹ Hạnh nâng niu lá thư như một báu vật. Kể từ hôm ấy, bà thấy con gái mình cười nhiều hơn.

Những dòng nhật ký

Năm 1977, Mỹ Hạnh ra đời. Con nít nhà người ta đặt trong nôi thì thấy cọ quậy, còn Hạnh chỉ nằm yên. Bồng con chạy chữa khắp nơi nhưng không kết quả, cả nhà bà Thi đành chấp nhận một sự thật là Hạnh mãi mãi không thể tự đi đứng được. Chẳng những vậy, bác sĩ còn cho biết sự sống của Hạnh không thể kéo dài vì những di chứng ảnh hưởng đến tim, phổi.

Năm lên 6 tuổi, Hạnh đòi học chữ, chị gái Hạnh lấy sách dạy cho em. Thương con, bà Thi xin cho Mỹ Hạnh vào học tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM. Ngoài giờ học, thấy thế giới của con chỉ bó hẹp trong bốn bức tường ở nhà, bà Thi đặt báo Tuổi Trẻ dài hạn cho con đọc. "Nó rất hay đọc tin, bài ở mục viết cho đoàn viên, thanh niên, những học sinh thi đậu thủ khoa, sinh viên vượt khó học giỏi hay những tấm gương tật nguyền vượt lên số phận. Mỗi khi gặp bài viết ấn tượng, Hạnh tỉ mẩn cắt ra rồi lưu lại cẩn thận. Chính những tấm gương được Tuổi Trẻ phản ánh đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho Hạnh gắng sống và học, dù sức khỏe rất yếu. Hằng ngày, Hạnh ôm lưng mẹ từ tầng 4 chung cư xuống đất, rồi lại ngồi lắt lẻo sau xe đạp để mẹ chở đến trường..." - bà Thi rơm rớm kể.

Học hết lớp 5, Mỹ Hạnh được chuyển ra Trường THCS Lê Lợi học chung với những trẻ bình thường. Tốt nghiệp THCS loại giỏi với số điểm 38,5 cho bốn môn thi, Hạnh được chọn vào lớp chuyên toán, lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Chương trình học THPT rất nặng, lại thêm học lớp chuyên cùng với những học sinh giỏi khỏe mạnh bình thường khác, có lúc Hạnh như đuối sức. Việc học thường xuyên bị gián đoạn bởi những lần nằm viện dài ngày. Ai cũng nghĩ Hạnh sẽ không đủ sức học tiếp. Nhưng cô gái như không muốn bỏ cuộc khi viết trong nhật ký:

"Ngày... tháng... năm...

Ngày qua ngày, mình nằm dài trên giường để làm gì? Phải chăng là chờ cái chết? Không, mình không muốn chết. Trong những giấc mơ chập chờn, mình luôn mơ được trở lại lớp học...".

"Ngày... tháng... năm...

Ðêm qua và sáng nay, mình lên đờm quá chừng. Ðầu óc cứ lởn vởn về cái chết. Ông trời thật bất công. Nếu đã bắt mình mang một thân xác bệnh hoạn như thế này thì cho luôn đầu óc tối tăm đi. Ðàng này tâm trí mình cứ mơ ước làm những việc lớn lao, dời non lấp biển, trong khi tay chân thì cứ lèo khoèo không thể tự lo cho mình được...".

Nối tiếp ước mơ còn dở dang

Ðầu năm 1994, Hạnh ngày một yếu. Những lúc yếu quá không thể đi học, Hạnh nhờ mẹ mua sách dạy đan, móc len về để tự học. Những dòng nhật ký cuối cùng của Hạnh đầy trăn trở: "Sức khỏe của mình sang năm mới giảm sút nghiêm trọng... Mình thấy sợ quá vì còn phải uống nhiều loại thuốc nữa. Nhưng an ủi một điều là mấy bản móc của mình đã bán được tiền. Nó sẽ được đầu tư vào trường học ở Hóc Môn, Cần Giờ...". Trang nhật ký cuối cùng của Hạnh viết vào ngày 1-4-1994. Ðúng một tuần sau, cô nữ sinh lớp 11 trút hơi thở cuối cùng, bỏ lại ước mơ về những chuyến làm từ thiện giúp học trò nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Và rồi 20 năm sau ngày Mỹ Hạnh mất, chúng tôi được gặp bà Phan Thị Thi tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Bà đến trao số tiền đóng góp cho chương trình "Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Ðông" với một tâm trạng đặc biệt: Gia đình đang gặp chuyện khó khăn, phải chuẩn bị bán nhà. Nhưng với vai trò là bí thư chi bộ khu phố, lại nhớ đến tâm nguyện được làm những việc có ích cho cuộc đời của con, bà Thi vẫn cùng các đảng viên trong chi bộ gom góp cho biển đảo. Bà nói chân tình: "Dạo trước, tôi phát bệnh ung thư. Suy sụp, chán nản, tôi đã nghĩ đến cái chết. Nhưng lần giở những trang nhật ký của Hạnh, nhớ đến tâm nguyện của con, tôi quyết tâm gắng lạc quan mà sống, tích cực tham gia công tác ở khu phố. Mấy chục năm rồi, báo Tuổi Trẻ vẫn là bạn đồng hành của gia đình tôi. Tuổi Trẻ đã giúp con gái tôi sống những ngày không vô nghĩa, để rồi tấm gương của con gái lại làm động lực cho tôi bước tiếp".

MAI HƯƠNG

hue-audio
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên