21/12/2016 14:36 GMT+7

Ngày u ám của châu Âu

LÊ NGỌC SƠN (ĐH Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức)
LÊ NGỌC SƠN (ĐH Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức)

TTO - Thế giới khép lại năm 2016 với những sự kiện buồn và châu Âu đang đối diện với một mùa Giáng sinh không an lành.

Dồn dập trong vòng vài tiếng đồng hồ chiều tối 19-12, một cảnh sát bắn chết đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, một tay súng gốc Somalia nã đạn làm nhiều người bị thương tại Zurich (Thụy Sĩ) và rùng rợn hơn, một xe tải hạng nặng đã lao vào đám đông trong một khu chợ Giáng sinh sầm uất ở Berlin, làm ít nhất 12 người chết, hàng chục người bị thương.

19-12 trở thành ngày u ám của toàn châu Âu. Không khí Giáng sinh ở mọi nẻo đường, nhưng nỗi lo vô hình về nguy cơ khủng bố luôn tồn tại.

Thực ra, những biến cố trên nằm trong dự liệu của những nhà quản trị khủng hoảng, khi mà hơi nóng của chiếc nồi áp suất khu vực này vốn âm ỉ lửa, lại có những mồi lửa bất ổn mới. Vấn đề đặt ra là khi nào, chứ không phải là câu hỏi sẽ có hay không những vụ tấn công như vậy.

Sự việc tay súng Thổ bắn chết đại sứ Nga ngay tại thủ đô Ankara và trước đó - vào giữa năm, nước này bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga, chắc chắn sẽ làm mối quan hệ Nga - Thổ (một thành viên của NATO) đứng bên miệng hố của một cuộc khủng hoảng mới.

Những quan hệ rối rắm và mâu thuẫn giữa Mỹ, Nga, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, NATO... đang có những dấu hiệu khó lường.

Nguy cơ dẫn đến xung đột là điều có thể tiên liệu. Sự việc rùng rợn do tay cảnh sát có tên Altintas gây ra tại Ankara không thể không khiến người ta liên tưởng đến chuyện đại công tước Franz Ferdinand của Áo - Hung bị ám sát tại Sarajevo bởi một phần tử dân tộc chủ nghĩa người Serbia Gavrilo Princip vào ngày 28-6-1914.

Đó là sự kiện được coi là châm ngòi và khởi nguồn của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, kích hoạt những xung đột nội tại vốn có giữa các quốc gia.

Nước Đức có vai trò đầu tàu tại châu Âu trong việc gồng gánh và giải quyết các khủng hoảng, nhưng chính nước Đức lại đang đối diện với các cuộc khủng hoảng. Cuộc tấn công vào khu chợ Giáng sinh (được coi như là các chợ tết ở Việt Nam) làm những người có lương tri không khỏi ngao ngán.

Người Đức vẫn kiên nhẫn và đoàn kết trong sự nhân từ. Họ vẫn dang rộng vòng tay chào đón người nhập cư từ các vùng chiến sự. Họ đóng góp cho hòa bình của khu vực theo cách... “rất Đức”. Nhưng điều họ được đáp lại là những vụ tấn công bằng súng, rìu hay xe tải...

Những vụ tấn công khủng bố kiểu này, cộng với những diễn biến khó lường của khu vực không làm ngạc nhiên các cơ quan tình báo của Đức và cố vấn an ninh của Thủ tướng Angela Merkel.

Thế nên, không hẳn Chính phủ Đức vô cớ khi tháng 8 vừa rồi yêu cầu người dân dự trữ lương thực ít nhất 10 ngày và cân nhắc lệnh tòng quân bắt buộc (vốn bị dỡ bỏ trước đó).

Người Đức đủ khôn ngoan để lường đoán các nguy cơ đến với mình, không hẳn trên phương diện giải quyết các bất ổn tạm thời mà cả tầm mức chiến lược phòng bị.

Dù biết rằng, trước mọi cuộc tấn công, sự lạc quan, tự tin và kết đoàn luôn là yếu tố then chốt, nhưng cũng khó có thể phủ nhận rằng không khí lo lắng các vụ tấn công khủng bố đang lan rộng ở châu Âu.

Thế giới đang đối diện với những nguy cơ và thử thách chưa từng có và những người thích an yên sẽ không muốn tưởng tượng ra một bức tranh bạo lực hiển hiện rõ mỗi ngày.

Thế giới khép lại năm 2016 với những sự kiện buồn và châu Âu đang đối diện với một mùa Giáng sinh không an lành.

LÊ NGỌC SƠN (ĐH Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên