07/08/2015 10:00 GMT+7

“Ngân hàng máu sống” trên đảo Lý Sơn

TRẦN MAI - TIẾN LONG
TRẦN MAI - TIẾN LONG

TT - Người dân đảo đón nhận tin vui khi Hành trình Đỏ vượt biển đến với Lý Sơn và cho ra đời một “ngân hàng máu sống”, mang lại hi vọng cho nhiều bệnh nhân được phẫu thuật ngay trên đảo.

Vì không có máu để mổ, gia đình bệnh nhân Đặng Thức phải  thuê tàu gỗ đưa anh vào đất liền cấp cứu (ảnh chụp tối 7-5) - Ảnh: Trần Mai
Vì không có máu để mổ, gia đình bệnh nhân Đặng Thức phải thuê tàu gỗ đưa anh vào đất liền cấp cứu (ảnh chụp tối 7-5) - Ảnh: Trần Mai

>> Kỳ 1: Xuất quân tìm nguồn máu

>> Kỳ 2: Người người đi hiến máu

>> Kỳ 3: Những “ngân hàng máu” di động

>> Kỳ 4: Chuyển máu ra Bắc

Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn hôm nay không giống ngày thường bởi có thêm một băngrôn đỏ treo trước tiền sảnh kêu gọi mọi người hiến máu.

Có phòng mổ nhưng... không dám mổ

Bác sĩ Phạm Công Danh - nhiều năm khám chữa bệnh tại trung tâm - không thể nào quên được những nét mặt đau đớn vì cần mổ gấp nhưng không có máu nên các bác sĩ đành phải chuyển vào đất liền cấp cứu.

Theo như bác sĩ Danh, phần lớn các ca chuyển viện trước giờ ở đảo đều có thể can thiệp được. Khổ một nỗi thiếu nguồn máu tiếp ứng cho bệnh nhân nên các bác sĩ không dám liều lĩnh. Từ trước đến nay phòng mổ chỉ thực hiện đúng công năng của mình năm lần.

“Nếu giữ lại mà bệnh nhân có chuyện gì là ân hận cả đời. Chỉ có máu mới giải quyết được việc mất máu” - ông Danh nói.

Dẫn chúng tôi vào phòng mổ với trang thiết bị y tế đầy đủ, hiện đại, bác sĩ Danh chia sẻ dù bản thân được đào tạo bài bản, có thể trực tiếp mổ cho bệnh nhân ngay tại đảo, nhưng ước nguyện cầm dao mổ giúp dân Lý Sơn trở nên xa vời với người bác sĩ đã bước sang tuổi 52.

Ông cho biết: “Cố gắng lắm các bác sĩ mới mổ được cho bệnh nhân tiểu phẫu. Còn lại nhưng ca trung phẫu, đại phẫu như thủng dạ dày, mổ não, mổ gan, xương đùi... đều phải chuyển vào đất liền vì sợ khi mổ sẽ thiếu máu”.

Không có máu dự trữ phòng khi mổ xảy ra tình trạng mất máu, tính mạng người bệnh sẽ rất khó lường. “Giờ có “ngân hàng máu sống”, chắc chắn nhiều ca sẽ được mổ ngay trên đảo” - bác sĩ Danh vui mừng.

Còn với bác sĩ Mai Hữu Hậu, giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn, chuyện bệnh nhân thuê tàu cấp cứu vào đất liền với số tiền từ 12-20 triệu đồng khiến những bác sĩ ở đảo trăn trở, chạnh lòng.

Bởi nói như ông, tiền viện phí và chạy chữa nhiều ca mổ thậm chí còn ít hơn tiền thuê tàu, nếu có nguồn máu ngay tại đảo thì chi phí đó đỡ hơn rất nhiều.

“Mới đầu tháng 5 năm nay, ngư dân Đặng Thức phải thuê tàu từ Lý Sơn vào đất liền. Dù ca thủng dạ dày có thể mổ ngay tại đảo nhưng sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận định nếu trong lúc mổ xảy ra tình trạng mất máu thì tính mạng nạn nhân khó giữ, buộc lòng phải để người nhà chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cứu chữa”.

Nhưng vì nhà nghèo, không xoay xở được 18 triệu đồng thuê tàu cao tốc, gia đình anh Thức đành chấp nhận “đánh đu” sự sống của anh trên chiếc tàu gỗ chở vật liệu xây dựng, dập dềnh gần ba giờ trên sóng mới vào đất liền, chấp nhận những cơn đau hành hạ.

“Khi bệnh nhân đang lênh đênh trên biển, cả bệnh viện ai cũng lo, cũng chờ tin. Đến khi từ đất liền thông báo đã tiếp nhận và cấp cứu thành công, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm” - bác sĩ Hậu nói.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu T.Ư, trao thẻ nhóm máu cho các thành viên “ngân hàng máu sống” Lý Sơn - Ảnh: Tiến Long
GS.TS Nguyễn Anh Trí, viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu T.Ư, trao thẻ nhóm máu cho các thành viên “ngân hàng máu sống” Lý Sơn - Ảnh: Tiến Long

Tin vui ở đảo

Trong câu chuyện của những bệnh nhân nằm điều trị ở Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn những ngày này, ngoài câu chuyện thuốc thang chạy chữa, còn có cả câu chuyện lần đầu tiên đảo có “ngân hàng máu sống”.

Nhiều bệnh nhân còn chưa kịp hiểu “ngân hàng máu sống” là như thế nào. Họ tụ lại đoán già đoán non theo cách hiểu của mình rồi phân tích như chuyên gia.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thúy (34 tuổi) nở nụ cười đôn hậu nghe câu chuyện của các bệnh nhân. Chị cũng là một trong 30 đoàn viên tham gia “ngân hàng máu sống”.

Đến gần một nhóm bệnh nhân lớn tuổi ngồi ngay ghế đá trước sân bệnh viện, chị Thúy giải thích: “Ngân hàng máu sống” là tụi cháu tham gia hiến máu nhưng không phải lấy máu ngay mà chỉ xét nghiệm mình thuộc nhóm máu gì.

Khi nào có bệnh nhân cần tiếp máu, lúc đó tụi cháu huy động thành viên đi hiến trực tiếp. Ở đảo mình không có trang thiết bị dự trữ máu như đất liền nên tụi cháu vừa là người cho máu, vừa là kho dự trữ máu”.

Khi chị Thúy dứt lời, chất giọng đặc khàn của những người cả đời ăn sóng nói gió mới à à vui mừng vì đã hiểu “ngân hàng máu sống” là thế nào.

Anh Bùi Văn Phước (29 tuổi), điều dưỡng viên ở Trung tâm Y tế quân dân y Lý Sơn, cũng đăng ký tham gia “ngân hàng máu sống” lần này. Phước đã có ba lần hiến máu khi còn là sinh viên, nhưng lần này anh bảo có cảm giác rất lạ.

Trở thành thành viên của “ngân hàng máu sống” với Phước là một niềm tự hào. Bốn năm trở thành người chăm sóc bệnh nhân, anh Phước chẳng biết bao nhiêu lần thấy bệnh nhân chuyển đi vì nếu muốn điều trị tại đảo phải có nguồn máu “trợ lực” để khi cần sẽ xử trí ngay.

“Giờ là thành viên câu lạc bộ “ngân hàng máu sống”, mình cảm thấy rất vui. 30 thành viên trong câu lạc bộ sẽ tạo thành nguồn máu sẵn sàng tiếp cứu cho bệnh nhân khi cần. Người dân đất đảo có gì quý bằng tấm lòng dành cho nhau” - anh Phước chia sẻ.

Như tấm lòng đến với tấm lòng, có những đoàn viên thanh niên chỉ mới đôi mươi là con em đất đảo, hay những người chỉ mới vừa ra công tác đảo vài tháng cũng đăng ký tham gia “ngân hàng máu sống”.

Nữ cán bộ Huyện đoàn Hạ Ngọc Huyền Trang (22 tuổi) vừa ra công tác tại đảo ba tháng. Về tương lai Trang chẳng biết mình có thể sống cả cuộc đời với Lý Sơn hay không, nhưng với cô gái tám lần hiến máu này, tham gia “ngân hàng máu sống” ở Lý Sơn là thêm một cơ hội cứu người.

Đêm ra mắt “ngân hàng máu sống” gió biển thổi mạnh từng cơn, nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đón nhận dòng người đông nghẹt. 30 thành viên “ngân hàng máu” chính thức ra mắt, tiếng vỗ tay chen trong những nụ cười của người dân ngày đêm bám biển.

Trưởng “ngân hàng máu sống” Đặng Tấn Thành, bí thư Huyện đoàn Lý Sơn, hứa với bà con ngư dân sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình. Phía dưới người dân cũng hỏi các tình nguyện viên Hành trình Đỏ về cách thức tham gia “ngân hàng máu sống”.

Chàng ngư dân Nguyễn Văn Hạnh khi biết được ý nghĩa nhân đạo mà 30 người bạn cùng lứa tuổi của mình đang làm thì háo hức:

“Nếu có mở rộng “ngân hàng máu sống” ở Lý Sơn, em cũng muốn đăng ký tham gia. Bởi chính em từng bị tai nạn mất máu nhiều phải chuyển vào đất liền cứu chữa. Không chỉ tốn kém tiền bạc mà bác sĩ nói nếu ca bệnh của em chậm không kịp tiếp máu thì không ai có thể cứu được”.

Sẽ có nhiều “ngân hàng máu sống” khác

GS.TS Nguyễn Anh Trí, trưởng ban tổ chức Hành trình Đỏ 2015, cho biết việc bảo quản máu là một vấn đề phức tạp, không thể xây dựng ngân hàng máu ở tất cả các đảo và vùng sâu, vùng xa vì chi phí quá cao.

Nếu khi mổ gặp sự cố mới đưa máu từ đất liền ra rất khó đáp ứng kịp, kể cả đi bằng trực thăng. Chỉ có lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ mới là phương án tối ưu nhất.

Cứ có sự cố cần đến máu, huy động là mọi người có mặt ngay, đảm bảo yêu cầu cấp cứu mà lại không tốn kinh phí duy trì hoạt động như ngân hàng máu ở các bệnh viện.

“Không chỉ Lý Sơn, Hành trình Đỏ sẽ cho ra đời thêm nhiều ngân hàng máu ở các đảo khác để đảm bảo bác sĩ có thể mổ cấp cứu cho bệnh nhân ngay tại chỗ” - bác sĩ Trí cho biết.

______________________

Kỳ tới: Những trái tim đỏ theo dọc hành trình

TRẦN MAI - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên