10/04/2017 10:46 GMT+7

Ngại thủ tục thuế, né trách nhiệm...

ÁNH HỒNG - NHƯ BÌNH 
- TRẦN VŨ NGHI
ÁNH HỒNG - NHƯ BÌNH 
- TRẦN VŨ NGHI

TTO - Hàng chục ngàn hộ kinh doanh chưa lên doanh nghiệp (DN) dù doanh thu lớn, nhân công đông không kém DN nhỏ. Lý do: ngại quy định thuế, ngại bị “hỏi thăm”, trong khi chính sách khuyến khích của Nhà nước chưa đủ mạnh...

Các tiểu thương buôn bán tại chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Các tiểu thương buôn bán tại chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Nhiều hộ kinh doanh có doanh thu khủng nhưng chỉ nộp thuế khoán, đa số từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/tháng.

“Sợ” quy định thuế

Chị Hà, kinh doanh tại một chợ đầu mối ở TP.HCM, cho biết mấy năm trước chị và nhiều hộ kinh doanh được vận động lên DN, buôn bán được xuất hóa đơn và được khấu trừ thuế.

Nghe “bùi tai”, chị Hà đã lập DN. Thế nhưng sau khi kinh doanh được mấy năm, nhiều hộ vừa lên DN như chị bị cơ quan thuế kiểm tra, bắt lỗi sổ sách, hóa đơn chứng từ... Có trường hợp bị phạt, truy thu mấy chục triệu đồng.

“Không phải là chúng tôi muốn sai, nhưng chính sách thuế vốn rất phức tạp, lại thay đổi liên tục nên chúng tôi không thể cập nhật kịp, dẫn đến làm sai.

Chưa kể đặc điểm kinh doanh của chúng tôi là có nhiều mặt hàng, rất khó khớp chứng từ. Do đó, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra thế nào cũng bị loại ra hàng loạt hóa đơn và truy thu thuế” - chị Hà nói và cho biết nhiều hộ, trong đó có trường hợp của chị, đã xin giải thể DN để trở về hộ kinh doanh cá thể.

Chị Hà tiết lộ khi hoạt động dưới dạng hộ cá thể, hiện nay mỗi tháng chị chỉ đóng hơn 5 triệu đồng tiền thuế khoán. Còn nếu lên DN, ngoài rủi ro bị truy thu thuế, hằng tháng còn phải tốn tiền thuê kế toán.

Trong khi đó, với quy mô cơ sở tổ hợp may gia công đang có 12 công nhân thuê trọ gần nhà, chưa kể các điểm vệ tinh thêm vào mùa lễ, tết, chị Nguyễn Thùy Trang (xã Bà Điểm, Hóc Môn) cho biết cũng thấy... thích thích nếu lên công ty vì biết đâu “mình có tên tuổi, thương hiệu sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn, giá cũng tốt hơn so với bỏ sỉ ở chợ”.

Nhưng khi tìm hiểu thấy nếu chuyển đổi thành DN đồng nghĩa với việc thay đổi chế độ kế toán, phải tuân thủ quy định về sử dụng hóa đơn... chị Trang lắc đầu nguầy nguậy vì thấy “quá khó khăn, phức tạp!”.

Nhiều lý do cản bước

Bên cạnh lý do về thuế, nhiều hộ kinh doanh không muốn “lớn lên” thành DN vì phải tạm khóa mã số thuế.

Theo hướng dẫn của Sở KH-ĐT, hộ kinh doanh phải làm thủ tục tạm khóa mã số thuế, tạm ngưng kinh doanh để làm thủ tục chuyển đổi lên DN.

Nhưng khi hộ kinh doanh liên hệ chi cục thuế thường không được chấp thuận và được yêu cầu phải giải thể, ngưng kinh doanh mới được xác nhận. Trở ngại này khiến nhiều hộ kinh doanh từ bỏ ý định lên DN.

Chưa hết, khi hoạt động ở hình thức hộ kinh doanh, tên hiệu chỉ rà soát trong phạm vi quận nên việc trùng tên ít xảy ra.

Khi chuyển lên DN, phải rà soát tên hiệu trên phạm vi cả nước nên rất dễ bị trùng, phải thay đổi tên DN. Trong khi đó, phải đổi sang tên hiệu khác sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh.

Đó là chưa kể một số hộ kinh doanh cho biết trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, dù đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện trong phạm vi quận nhưng nếu chuyển đổi lên DN, sẽ buộc phải chuyển đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện do cấp sở, ngành của TP cấp, thủ tục khó khăn hơn và mất thời gian đi lại...

Thực tế, nhiều hộ kinh doanh muốn “ẩn mình” trong quy mô hộ kinh doanh nhỏ vì không muốn thực hiện các nghĩa vụ như mua bảo hiểm xã hội cho nhân công, hay đơn giản chỉ vì... ngại thay đổi.

Buôn bán nông sản ở chợ đầu mối lâu năm, chị T. cho biết không có ý định chuyển lên DN dù hàng chị đang cung cấp vào các khách sạn lớn, nhà hàng, doanh thu không nhỏ.

“Tôi có một xe tải nhỏ với vài lao động. Mình bao ăn, ở và cũng chẳng ký hợp đồng lao động gì. Tôi thu mua nông sản của nông dân, nếu sử dụng hóa đơn VAT, tôi không biết khấu trừ đầu vào như thế nào” - chị T. nói.

Dẹp những lợi ích bất hợp lý

Hiện TP.HCM có khoảng 275.000 hộ kinh doanh cá thể, nhóm này đang đóng góp chỉ 2% vào ngân sách TP. Theo các chuyên gia, khoản này chưa tương xứng nhưng để xác định doanh thu thực của hộ kinh doanh lại không hề đơn giản.

Số liệu của Cục Thuế TP cũng cho thấy đang có 14.821 hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn, 21.209 hộ kinh doanh lớn (theo tiêu chí doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng với một số địa bàn) nhưng không sử dụng hóa đơn.

Qua kiểm tra sơ bộ, TP.HCM đã có 14.000 hộ có đủ điều kiện để lên DN nhưng vẫn nằm im ở mô hình hộ kinh doanh.

Nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh chính sách khuyến khích, cần có biện pháp thực thi nghiêm túc với hộ đủ điều kiện, số lao động lớn nhưng không chịu lên DN để “né” nghĩa vụ.

Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng ở mô hình hộ kinh doanh tránh được nhiều khoản thuế phải nộp, thậm chí có thông tin họ có thể chủ động thương lượng để số thuế phải nộp ít hơn.

“Điều này nếu có sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa hộ kinh doanh và các DN” - ông Xoa lo ngại.

Cảnh báo thực tế không loại trừ một số cán bộ ở cơ sở không muốn hộ cá nhân lên DN, bởi không còn chuyện mặc cả, họ cũng mất “nguồn thu”, ông Xoa đề nghị các cơ quan cấp trên phải thấy điều này và có các biện pháp khác biệt, ví dụ: tăng thêm ưu đãi để hộ kinh doanh thấy quyền lợi lớn hơn khi lên DN, khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn bằng các biện pháp như cho khấu trừ thuế TNCN hoặc rút thăm trúng thưởng...

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng lo ngại việc các hộ kinh doanh chỉ cần thương lượng với viên chức điều tra doanh số là “êm”. “Phải có những áp lực nhất định từ cơ quan quản lý chứ họ khó tự nguyện lên” - ông Sơn nói.

(còn tiếp)

Chuyển ít nhất 20.000 hộ lên DN trong 2 năm

Theo UBND TP.HCM, năm 2017 dự kiến TP có khoảng 40.000 DN thành lập mới, nhưng mục tiêu của TP năm nay là phải 50.000 DN.

Vì vậy, các hộ kinh doanh lớn, nhất là cá nhân kinh doanh nhà hàng ăn uống, thương mại, kinh doanh vận tải... đang nằm trong nhóm sẽ được cơ quan thuế rà soát doanh số để khuyến khích lên DN tư nhân.

Theo mục tiêu của TP.HCM, với 275.000 hộ kinh doanh cá thể, sẽ chuyển ít nhất từ 20.000 - 25.000 hộ lên DN trong giai đoạn 2016-2017.

Thực tế, theo Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, từ tháng 6-2016 đến nay TP có khoảng 120 hộ kinh doanh cá thể làm thủ tục chuyển lên DN, trong đó chủ yếu các hộ ở quận 2, quận 7, quận Bình Thạnh...

Cần nỗ lực từ 2 phía

Ông Nguyễn Nam Bình, cục phó Cục Thuế TP.HCM, xác nhận thời gian qua nhiều hộ kinh doanh cứ ở mãi mô hình này mà không phát triển lên DN dù quy mô kinh doanh rất lớn. 

Trước các băn khoăn như lên DN nộp thuế nhiều hơn hay ít hơn, hay lo bị kiểm tra..., ông Bình khẳng định hiện nay cơ quan thuế đã quản lý trên cơ sở quản lý rủi ro.

Nếu DN làm ăn tốt, cơ quan thuế không kiểm tra. Trên trang thông tin cho DN khởi nghiệp, cơ quan thuế đã liệt kê, cảnh báo những lỗi mà DN hay vi phạm để các DN tránh. 

Ông Bình thông tin nếu lên DN, chủ hộ kinh doanh có tư cách pháp lý khác hẳn, có thể đối chất với cơ quan thuế. “Nếu DN làm ăn chân chính, minh bạch thì không có gì phải lo cả” - ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, DN cũng phải chịu trách nhiệm về kê khai của mình. Sự nỗ lực cần từ hai phía. Đã làm ăn kinh doanh phải am hiểu pháp luật, đặc biệt là pháp luật thuế. 

Cơ quan quản lý khuyến khích hộ kinh doanh lên DN không chỉ làm cho thuế rõ ràng hơn vì nộp thuế theo doanh thu mà còn góp phần làm cho thị trường minh bạch hơn.

ÁNH HỒNG - NHƯ BÌNH 
- TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên