10/08/2017 10:37 GMT+7

Nga có giúp hạ nhiệt được căng thẳng Mỹ - Triều?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi Mỹ không khiêu khích Triều Tiên, đồng thời thúc giục hai bên đối thoại để giải quyết tình hình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: REUTERS

Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên bị đẩy lên một nấc thang mới, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đáp trả Triều Tiên bằng “hỏa lực và phẫn nộ”.

Điều này khiến Matxcơva, dù đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết của HĐBA LHQ trừng phạt Triều Tiên, cũng đã lên tiếng kêu gọi kiềm chế.

Quan điểm "như mọi khi" của Nga

Trao đổi với các phóng viên ngày 9-8, ông Vasily Nebenzya, đại diện thường trực của Nga tại LHQ nhấn vào bình luận của ông Trump về Triều Tiên và sự đáp trả cứng rắn của Bình Nhưỡng.

“Chúng ghi nhận những gì ông ấy (Trump) đã nói. Tôi nghĩ rằng mong muốn mạnh mẽ của chúng tôi là Mỹ giữ bình tĩnh và tránh bất kỳ động thái nào có thể khiêu khích một bên khách hành động nguy hiểm”, hãng tin TASS dẫn lời ông Nebenza.

Nhà ngoại giao Nga cũng kêu gọi chính quyền Mỹ và Triều Tiên tìm phương án khởi động một cuộc đối thoại, và cam kết rằng về phía mình, Nga sẵn sàng làm những gì tốt nhất để thúc đẩy các cuộc thảo luận này.

Quan điểm của Nga về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn không thay đổi so với trước khi họ bỏ phiếu tán thành nghị quyết trừng phạt Triều Tiên.

Ông Nebanza đã nhắc lại ý tưởng đề xuất của Trung Quốc, theo đó, Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân để đáp lại việc Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt các đợt tập trận chung. Ngoài ra, ông cũng ảnh báo việc Mỹ - Hàn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sẽ không giúp ích cho tình hình.

Trước đó vào ngày 5-8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng tìm cách giảm nhẹ căng thẳng và kêu gọi các bên tham gia đối thoại.

Theo ông Lavrov, Triều Tiên có phản ứng quyết liệt nhưng đó vẫn là cách Bình Nhưỡng thường làm mỗi khi hứng chịu lệnh trừng phạt từ quốc tế. Và vì thế, lúc này không có phương án thay thế nào khác ngoài việc nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về tình hình Triều Tiên.

Nga chỉ nói theo Trung Quốc

Như đã nói, Nga lần này chấp thuận lệnh trừng phạt của LHQ áp lên Triều Tiên. Tuy nhiên vai trò của Matxcơva trong vấn đề này không đơn giản, và tất cả chỉ rõ ràng hơn vào tháng tới.

“Nga và Trung Quốc đã giới thiệu một đề xuất liên quan đến việc này và sẽ trình lên trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York cũng như các tổ chức khác. Chúng tôi chắc chắn tiếp tục đối thoại với người láng giềng Triều Tiên của chúng tôi”, ông Lavrov nói.

Thực tế đến nay, Nga vẫn không trực tiếp thể hiện lập trường rõ ràng về vấn đề Triều Tiên. Ngoài việc kêu gọi các bên kiềm chế, Matxcơva thường dẫn các đề xuất của Trung Quốc đối với tình hình Triều Tiên.

Ông Lavrov vừa qua cũng đề cập tới việc tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào tháng 9, tại cuộc họp của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ở thành phố Hạ Môn (Trung Quốc).

Tạp chí Newsweek (Mỹ) ngày 7-8 dẫn lời ông Alexander Gabuev, chủ tịch chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Carnegie ở Matxcơva, nghi ngờ khả năng đột phá của cuộc gặp trên.

Ông Gabuev nhận định: “Đến nay, không gì cho thấy Matxcơva và Bắc Kinh sẽ cố gắng tạo ra một chiến lược mới đối với Triều Tiên, ngoài những gì họ đã nói ở cuộc gặp diễn ra hồi đầu tháng 7. Nga không có nhiều dính dáng tới cục diện Triều Tiên và không có nhiều công cụ gây ảnh hưởng lên tình hình, nên Kremlin sẽ thấy thoải mái theo sau vai trò dẫn dắt của Trung Quốc đối với Triều Tiên”.

Thực tế, vị đại diện thường trực Nebenzya vẫn xem Triều Tiên là “láng giềng của chúng tôi”, thể hiện phần nào việc Nga không hẳn có động lực thay đổi quan điểm của mình đáng kể, ít nhất trong một tháng tới.

Một báo cáo trên báo USA Today cho thấy thương mại Nga - Triều Tiên đã tăng 73% trong hai tháng đầu năm 2017, đa phần nhờ các đợt xuất khẩu than trước đây. Chính ông Gabuev cũng thừa nhận Nga “khá vui vẻ với ngôn ngữ trong dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, vì nó đảm bảo hầu hết lợi ích thương mại của Nga với Triều Tiên...”.

Báo Washington Post cũng lưu ý rằng Nga hiện cố giữ quan hệ tốt với cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc, và ngăn chặn Mỹ tham gia hoặc làm tình hình xung đột tồi tệ thêm.

Năm 2015, Nga và Triều Tiên từng kỷ niệm “năm quan hệ hữu nghị” giữa hai nước. Và có vẻ như, vai trò của Nga sẽ tiếp tục là kẻ đứng giữa, hòa hoãn, do bản thân họ không mất gì trong lúc này cả.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên