12/08/2017 15:59 GMT+7

The New York Times: Tranh Việt Nam giả tràn ngập thị trường

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Đó là nhận định của tác giả Richard C. Paddock trong bài viết của mình đăng trên tờ The New York Time ngày 11-8.

Họa sỹ Nguyễn Thành Chương và bức tranh được ký tên Tạ Tỵ mà ông nói là của mình - Ảnh: The News York Times
Họa sỹ Nguyễn Thành Chương và bức tranh được ký tên Tạ Tỵ mà ông nói là của mình - Ảnh: The News York Times

Bài biết có tựa đề Vietnamese Art Has Never Been More Popular. But the Market Is Full of Fakes, tạm dịch là Tranh Việt Nam đang nổi tiếng hơn bao giờ hết. Nhưng thị trường lại ngập tràn tranh giả.

“Đầy rẫy sự gian lận”

Trong bài viết của mình, Richard C. Paddock nhắc lại một số vụ tranh giả đình đám bị phanh phui trong những năm gần đây, trong đó có vụ Nguyễn Thành Chương - Tạ Tỵ hồi tháng 7 - 2016.

Sự việc bắt đầu khi họa sỹ Nguyễn Thành Chương phát hiện một bức tranh của mình được đề tên tác giả là Tạ Tỵ và trưng bày tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Ông khẳng định bức Trừu tượng được ký tên danh họa Tạ Tỵ năm 1952 là bức chân dung theo chủ nghĩa lập thể mà mình đã vẽ vào đầu những năm 70.

“Tôi thật không thể tin nổi vào mắt mình. Tôi dựng hết cả tóc gáy”, The New York Times trích lời họa sỹ Thành Chương.

Theo nhận định của tác giả Richard C. Paddock, phát hiện của họa sỹ Thành Chương đã làm chấn động giới hội họa Việt Nam và khui là một sự thật “đáng xấu hổ” là thị trường tranh Việt Nam đầy rẫy sự gian lận.

Trong khi đó, giá của những bức tranh tiền chiến của Việt Nam hiện nay đã vượt mức hàng triệu dollar.

Tháng 4 năm nay, một bức họa có xuất xứ từ cuối những năm 30 của họa sỹ Lê Phổ được bán với giá gần 1,2 triệu USD tại một cuộc đấu giá ở Hong Kong.

Trước đó, một bức khác của ông cùng từng được bán với giá 844.000 USD vào năm 2014.

Tuy nhiên, giới nghệ sỹ và kinh doanh tranh đang phàn nàn rằng sự gia tăng “đồ giả” đã làm giảm giá trị của hội họa Việt Nam.

 “Điều này tạo nên một trong những thử thách lớn nhất cho thị trường tranh Việt Nam. Làm sao mà mọi người phân biệt được đâu là thật đâu là giả”, cô Suzanne Lecht, chủ phòng tranh Art Vietnam Gallery ở Hà Nội chia sẻ với The New York Times.

Bảo tàng, hãng đấu giá, chuyên gia cũng mơ hồ

Theo bài viết, những viện nghệ thuật lớn ở Việt Nam cũng từng trưng bày những bức tranh không phải là đồ thật.

Thậm chí cả những công ty đấu giá tầm cỡ quốc tế như Christie’s và Sotheby’s cũng từng bán những tác phẩm mà sau này bị giới chuyên gia phanh phui là đồ giả.

Năm 2008, Sotheby’s từng cáo buộc là đã cố gắng bán 4 bức tranh Việt Nam giả, được quảng cáo là tác phẩm của danh họa Bùi Xuân Phái.

Về phía Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, không lâu sau khi vụ việc Nguyễn Thành Chương - Tạ Tỵ bắt đầu ồn ào, đã xác định rằng không một tác phẩm nào trong số 17 bức tranh trưng bày tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” là đúng tác giả.

Bảo tàng đã công khai xin lỗi và tuyên bố sẽ điều tra.

Các chuyên gia xem xét bức Vườn chuối tại triển lãm 'Những bức tranh trở về từ châu Âu' ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 2016 - Ảnh: The New York Times
Các chuyên gia xem xét bức Vườn chuối tại triển lãm 'Những bức tranh trở về từ châu Âu' ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 2016 - Ảnh: The New York Times

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Chung, chủ sở hữu 17 bức tranh, phản đối tuyên bố của phía bảo tàng và khẳng định những bức tranh mà ông triển lãm là thật.

Ông hiện đang rao bán các bức tranh này và gần đây đã bán được một bức với giá hơn 66.000USD.

Lập luận của ông Chung có vẻ không hẳn là không có cơ sở, bởi toàn bộ 17 bức tranh này đều đã được ông Jean-François Hubert, chuyên gia cao cấp về tranh Việt của Christie's xác nhận là đồ thật.

Ngoài ra, ông Hubert cũng chính là chủ sở hữu trước đây của 17 bức tranh này, trước khi ông bán chúng cho ông Chung, người bạn thâm niên hơn 20 năm của mình.

Ông Vũ Xuân Chung, người sỡ hữu 17 bức tranh tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 2016 - Ảnh: The New York Times
Ông Vũ Xuân Chung, người sỡ hữu 17 bức tranh tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 2016 - Ảnh: The New York Times

Ông Hubert từ chối bình luận về các tác phẩm, cũng như vai trò của ông trong cuộc triển lãm, và chỉ trả lời qua email rằng “theo nguyên tắc chung, tôi tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất”.

Ông cũng từng đưa ra một chứng cứ về tính xác thực của bức tranh, là một tấm hình được cho là chụp năm 1972, trong đó bức Trừu tượng được treo trong một căn phòng có 4 họa sỹ Việt Nam nổi tiếng.

Ông Hubert nói rằng bức Trừu tượng đã được con trai của một người trong số họ mua lại.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, sự thật được phanh phui là bức ảnh trên đã bị xử lý, khi có người đăng tấm hình gốc lên Facebook và trong hình này thì hoàn toàn không có treo bức tranh Trừu tượng.

Ông Hubert không bình luận về chuyện này.

Bức ảnhmà ông Hubert cung cấp (trên) và bức ảnh thật (dưới) - Ảnh: The News York Times
Bức ảnhmà ông Hubert cung cấp (trên) và bức ảnh thật (dưới) - Ảnh: The News York Times

Về phía Christie’s, công ty này cũng khẳng định họ sẽ không cố ý bán đấu giá bất kỳ tác phẩm nào nếu có băn khoăn về tính xác thực của tác phẩm.

Đồng thời, đại diện của Christie’s cũng nói công ty này không liên quan đến triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, ông Hubert đã làm việc một mình trong trường hợp này.

Tuy nhiên, trong một email trao đổi với một phóng viên Việt Nam trong lúc triển lãm vẫn còn diễn ra, ông Zineng Wang, người đứng đầu công tác giám tuyển và kinh doanh của Christie’s về tranh Đông Nam Á lúc đó, cho biết ông và ông Hubery “hoàn toàn thấy thuyết phục rằng các tác phẩm mà ông Chung sỡ hữu là chân thực và chính gốc”.

Đó không phải là lần duy nhất Christie’s và ông Hubert vướng vào lùm xùm với tranh Việt.

Gần đây, các chuyên gia về nghệ thuật của Việt Nam đã đặt dấu chấm hỏi với tính hợp pháp của một bức tranh mà Christie’s đấu giá vào tháng 5 năm nay.

Trong lời giới thiệu về bức tranh Mơ về một ngày mai (Dream of the following day) cho Christie’s, ông Hubert gọi đó là một bức tranh “gây xúc động và truyền cảm hứng” của danh họa Việt Nam Tô Ngọc Vân vẽ khoảng năm 1940.

Bức này được Christie’s bán với giá khoảng 45.000 USD, thế nhưng các chuyên gia hội họa của Việt Nam cho biết bức tranh này là bản sao của bức The Young Beggar, do họa sĩ người Tây Ban Nha Bartolomé Esteban Murillo vẽ năm 1650 và hiện được treo tại bảo tàng Louvre ở Paris.

Ông Tô Ngọc Thành, con trai danh họa Tô Ngọc Vân, cũng “khẳng định 100%” bức tranh đó là không phải là tác phẩm của cha mình.

Trong khi đó phía Christie’s nói rằng họ đã kiểm tra kỹ lưỡng và “không có cơ sở” để nghi vấn về tính xác thực của bức tranh.

Bức The Young Beggar (trái) và Mơ về một ngày mai (phải) - Ảnh:The News York Times
Bức The Young Beggar (trái) và Mơ về một ngày mai (phải) - Ảnh:The News York Times

Vàng thau lẫn lộn

Theo tác giả bài viết, ngay cả tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, từ lâu cũng đã không chắc chắn liệu bức nào trong số những bức tranh quý giá của họ là bản sao và bức nào là thật.

Trong thời điểm chiến tranh cuối những năm 1960, nhân viên bảo tàng đã phải cất tranh gốc đi và thay thế bằng bản sao phòng khi bảo tàng bị đánh bom.

Từ đó, tranh gốc biến mất, bảo sao được thay thế như bản gốc, rồi không ai biết cái nào là cái nào.

Chưa kể, một nguyên nhân khác khiến “vàng thau lẫn lộn” là có trường hợp thân nhân của một số nghệ sĩ nổi tiếng đã chứng nhận các bản sao là bản gốc để họ có thể đạt được mức giá cao hơn.

Tại một cuộc đấu giá ở Hong Kong năm ngoái, Christie’s đã bán bức Thuyền trên sông Hương của Tô Ngọc Vân với giá 57.000 USD và Lady of Hue của Lê Văn Đệ với giá 89.000 USD.

Tuy nhiên, Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội cũng treo hai bức tranh giống hai bức mà Christie’s đã bán. Phía bảo tàng nói họ mua bức của Tô Ngọc Vân năm 1965 và bức của Lê Văn Đệ năm 1976.

Ông Tô Ngọc Thành, con trai danh họa Tô Ngọc Vân, cho biết hai bức tranh trên đã được sao chép nhiều lần, và rất khó để có thể xác định bức nào là nguyên mẫu.

Để chứng minh một bức tranh là chính gốc, các chuyên gia phải phân tích sự xuất hiện của nó, xem xét lịch sử sở hữu và thực hiện các biện pháp khoa học để kiểm tra xem nó đã “già” đi như thế nào và các chất liệu làm nên bức tranh có xuất xứ đúng thời điểm hay không.

Tại Việt Nam, nhiều bức tranh không có đủ tài liệu cho chuyện đó, không có phòng thí nghiệm để có thể phân tích các tác phẩm nghệ thuật, cũng như không có cơ sở dữ liệu về các vật liệu mà các nghệ sĩ thường sử dụng trong thời chiến.

Chính điều đó lại tạo nên một sự phụ thuộc nặng nề vào ý kiến của chuyên gia, như ông Vũ Xuân Chung nói “tất cả những gì tôi biết, là tôi tin tưởng ông Hubert.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên