14/02/2015 09:58 GMT+7

​Náo nức đường về quê

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Ngày 13-2-2015, tại công viên 23-9 và Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP.HCM), tám chuyến xe Tết đoàn viên xuất phát, chở hàng trăm công nhân về quê đón tết.

Công nhân náo nức lên xe về quê đón tết tại công viên 23-9 - Ảnh: Thanh Loan

Tiếp đó, các ngày 14, 15 và 16-2, hàng ngàn công nhân tại TP.HCM sẽ được 98 chuyến xe Tết đoàn viên đưa về các tỉnh thành miền Trung, miền Bắc đoàn tụ cùng gia đình.

15 năm mới về quê ăn tết

Mới 5g sáng, nhóm bạn Cao Thị Thủy, Võ Thị Thương (công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1) cùng dãy phòng trọ ở Q.Thủ Đức đã lỉnh kỉnh hành lý, có mặt ở công viên 23-9, háo hức chờ đến giờ lên xe.

Thủy 29 tuổi, người Nghệ An. Còn Thương 31 tuổi, quê Hà Tĩnh. Ba năm rưỡi Thủy chưa về quê. Còn Thương đã bốn năm rồi ăn tết xa nhà. Vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, cả hai đều gửi con ở ngoài quê với ông bà.

Cầm tấm vé Tết đoàn viên trên tay, Thương cười thật tươi, bảo: “Tôi cứ ước năm nay được về nhà thăm chồng con, bố mẹ. Đã lâu rồi không về, tình cảm vợ chồng sợ nguội mất. Tôi phải về hâm nóng”.

Rồi hai cô ríu rít khoe những gói bánh - quà biếu bố mẹ, vài bộ quần áo bình dân - quà cho con. “Đêm qua hai chị em có ngủ được đâu. Tụi tôi nôn nao lắm, cứ sợ ngủ quên, chỉ mong trời sáng” - Thủy nói.

Thương, Thủy cũng như hàng trăm công nhân, người lao động có mặt ở công viên 23-9 khi thật sự cầm tấm vé Tết đoàn viên trên tay, nôn nao đợi tới giờ lên xe xuất phát, họ mới tin điều ước của mình trở thành hiện thực.

Ẵm cô con gái bé bỏng mới hơn 2 tuổi trên tay, mắt dõi về dòng người đang xếp hàng lên xe, anh Nguyễn Duy Nam (39 tuổi, quê Thanh Hóa) cười tươi rói: “15 năm rồi vợ chồng mình mới về quê ăn tết đấy. Hai vợ chồng lúc chưa con cái phải lo làm gửi tiền về giúp hai bên bố mẹ. Cả năm cuối cùng chẳng còn tiền lo cho mình. Đến lúc có con, đứa thứ nhất rồi đứa thứ hai lại càng không có điều kiện về quê. Vợ chồng mình thuê nhà trọ ở tận huyện Trảng Bom (Đồng Nai).

Vợ chồng làm công nhân cho một công ty sản xuất phụ tùng xe máy. Năm nay may nhờ mình có chị bạn giới thiệu chương trình này. Cũng liều đăng ký chứ không nghĩ mình được về thật. 3g sáng, cả nhà mình đã dậy, vượt hàng trăm kilômet lên TP.HCM để về quê”.

Cô con gái nhỏ cứ luôn miệng bi bô nhắc “về ông ngoại” khiến anh Nam phải dỗ: “Ừ, tí nữa mình lên xe ba đưa con về gặp ông ngoại nhé”.

Đứng bên cạnh, chị Nguyễn Thị Thơm, 34 tuổi, vợ anh Nam, mỉm cười nói: “Từ lúc hai đứa nhỏ ra đời, ông bà nội ngoại chưa được gặp cháu lần nào, chỉ nói chuyện qua điện thoại. Con bé nhà mình thích nói chuyện với ông ngoại lắm.

Ông bà hai bên già yếu rồi, cứ giục đưa cháu về cho ông bà gặp mà vợ chồng mình hoàn cảnh quá, chưa dám về”. Chị Thơm quê Hải Dương. Hai vợ chồng tính chỉ về quê nội đến 29 âm lịch sẽ ra Hải Dương thăm ông bà ngoại.

Náo nức những bước chân sinh viên

Trước đó, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, hàng trăm sinh viên đã tham gia lễ tiễn bạn bè về quê đón tết.

Bạn Thái Thị Nga, quê Nghệ An, sinh viên năm 3 Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, xúc động kể: “Ba năm rồi mình mới được về quê ăn tết. Mình biết mỗi lần tết đến là bố mẹ lo toan nhiều hơn nhưng phải giấu vào lòng”.

Mấy năm trước Nga ở lại đi làm thêm. Nga bảo những năm đó buồn lắm. Giao thừa tết đầu tiên xa nhà chỉ khóc thôi. Năm nay được may mắn nhận vé Tết đoàn viên, Nga đếm ngược từng ngày về.

Cô sinh viên năm 4 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tên Hồng Như (Bình Định) cười tít mắt khi sắp bước lên xe về nhà. Cô sinh viên hằng ngày vẫn chạy xe đạp đi học, đi làm gia sư không dám nghĩ tới chuyện về quê đón tết vì tiền vé quá đắt đỏ.

Tết năm nay Như định ở lại làm thêm, kiếm thêm tiền trang trải đỡ cho ba mẹ thì bất ngờ được nhận vé Tết đoàn viên.  “Mừng lắm. Sinh viên cầm được tấm vé này như bắt được vàng” - Như cười thật tươi, bảo.

Dù là sinh viên nhưng nhiều bạn vẫn cố gắng nhín chút tiền mua quà về tặng người thân. Hồng Như mang theo bức trang thêu phong cảnh mà mình đã kỳ công thêu suốt hai tháng trời.

Bạn Nguyễn Thị Nguyệt (Phú Yên), sinh viên Trường CĐ Sư phạm trung ương, mua cho em gái hai bộ quần áo và một bộ cho em trai. Đó là món quà được trích từ tiền đi làm thêm của Nguyệt. Còn cô sinh viên năm 4 ĐH Luật tên Hồ Thị Quý Thu (Bình Định) thì xách hai chai nước ngọt loại 1 lít về biếu bố mẹ.

Những chiếc xe khách loại 45 chỗ bắt đầu lăn bánh, từ từ rời Sài Gòn. Một Sài Gòn đông đúc, sôi động sẽ lùi xa dần sau từng vòng xe. Nắng xuân ấm áp rạng rỡ trên những gương mặt náo nức về quê nhà...

Anh Nguyễn Duy Nam (Thanh Hóa) và con gái - đã 15 năm anh chưa về quê ăn tết - Ảnh: Thanh Loan

Quà nghèo đầy ân tình

Cũng như nhiều công nhân, người lao động khác, trong hành lý về quê, quà tết của vợ chồng anh chị Nam - Thơm cũng chỉ là một hai gói bánh kẹo bình dân, vài bộ áo quần giá rẻ.

Chị Nguyễn Thị Hằng (bán hàng rong ở Q.Tân Phú, 41 tuổi, quê Bắc Ninh) tâm sự: “Chồng mình mấy năm nay ở nhà, không đi làm được. Hai đứa con một học ĐH, một lớp 12. Toàn bộ tiền có bao nhiêu gửi hết về quê. Mấy năm rồi không dám may đồ”.

Trọ ở quận Tân Phú, 4g sáng chị đã dậy để nhờ người chở qua công viên 23-9 cho kịp giờ. Vào Sài Gòn mưu sinh đã năm năm, đây là lần thứ hai chị về quê đón tết.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên