01/05/2017 13:36 GMT+7

Năng lực pháp chế

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Cấm bán rượu bia trong quán karaoke, cấm sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình... Các đề xuất dở khóc dở cười thời gian qua vô hình trung làm dư luận nghi ngờ về khả năng pháp chế của các bộ, ngành.

Dư luận mấy ngày qua không khỏi ngạc nhiên trước đề xuất của Bộ Y tế cấm bán rượu bia trong quán karaoke.

Nếu như Bộ Y tế đề xuất cấm bán hay tăng thuế rượu bia vì muốn bảo vệ sức khỏe giống nòi trước những nguy cơ mắc bệnh mãn tính, có lẽ dư luận còn dễ hiểu, dễ thông hơn vì dẫu sao đó cũng là nguyên nhân “chính danh” so với chức trách của bộ...

Đằng này lý do được đưa ra lại là vì... muốn bảo vệ trật tự xã hội nhiều hơn. Đặc biệt, việc khu trú lệnh cấm bán rượu bia chỉ ở các... quán karaoke! Đây không phải lần đầu tiên một bộ, ngành bỗng dưng đề xuất “cười ra nước mắt” như vậy.

Cách đây nửa tháng, đề xuất cấm sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, phần mềm ngụy trang cũng đã được đưa ra và mới đây đề xuất này đã được rút. Các đề xuất dở khóc dở cười đó vô hình trung làm cho dư luận nghi ngờ về khả năng pháp chế của các bộ, ngành - một điều tối kỵ trong nghệ thuật... cầm quyền.

Thật ra, đây là một vấn đề đã được nhận thức rất rõ, bắt đầu từ chính Bộ Tư pháp. Nghiên cứu về “một số giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác pháp chế tại các bộ, ngành” do Bộ Tư pháp công bố tháng 2-2016 đã nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao năng lực pháp chế:

“Muốn xây dựng một hệ thống pháp luật tốt, điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội phát sinh trong cuộc sống, bên cạnh yếu tố đảm bảo về kinh phí, cơ sở vật chất, có cơ chế huy động nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật thì việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, người làm công tác pháp chế là rất cần thiết”.

Thậm chí Bộ Tư pháp còn chỉ rõ: “Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ xây dựng pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì việc xây dựng đội ngũ người làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế ở các bộ, ngành mạnh về số lượng, đảm bảo về chất lượng lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết”.

Rõ ràng, Bộ Tư pháp hơn ai hết hiểu rõ vấn đề nằm ở đâu và đâu là giải pháp; và giải pháp cũng đã có: “xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật”.

Trong thực tế của từng bộ, ngành cũng đã có những “tự nhận xét” và biện pháp nâng cao năng lực pháp chế như có thể đọc được trong một quyết định phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác pháp chế” của một bộ (giai đoạn 2014-2016).

Mục tiêu cụ thể đề ra: “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức pháp chế các sở..., các cơ sở... để đáp ứng yêu cầu sau 1 năm phải được đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ về công tác pháp chế; sau 5 năm phải có trình độ cử nhân luật (đối với cán bộ, công chức chưa có bằng cử nhân luật) và đáp ứng yêu cầu trình độ, yêu cầu chuyên sâu cao trong một số lĩnh vực pháp luật cụ thể; thường xuyên cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ liên quan cho người làm công tác pháp chế...”.

Khi (phải) đặt ra mục tiêu “sau 5 năm phải có trình độ cử nhân luật”, phải chăng trong đội ngũ “cán bộ pháp chế” trong ngành đó có những “cán bộ pháp chế” chưa có được bằng cử nhân luật, cho dù tấm bằng này lẽ ra mới chỉ là điều kiện tối thiểu để khởi đầu tập việc trong ngành luật.

Phải chăng năng lực đầu vào ở các bộ phận pháp chế chính là vấn đề? Do lẽ, với một trình độ như thế, làm sao can gián được những ý muốn xây dựng luật “tùy hỉ”!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên