01/07/2013 05:45 GMT+7

Nâng bước miền quê nghèo

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Sau mười năm thực hiện chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ trên miền quê nghèo Quảng Trị, chúng tôi gặp lại một số bạn trẻ trong số gần 1.000 tân sinh viên từng nhận học bổng mười năm qua.

j2eCacH5.jpgPhóng to
Trần Đình Thi , kỹ sư làm việc cho Viettel tại Đà Nẵng - Ảnh: PHAN CHUNG - L.Đ.Dục
NiLl6rDm.jpgPhóng to
Cha của Thi, ông Trần Chính, cười hạnh phúc với tấm bằng kỹ sư của con trai - Ảnh: PHAN CHUNG
Zhc0qBAB.jpgPhóng to
Nguyễn Ngọc Hưng, giám đốc Công ty TNHH ACLED - Ảnh: Như Hùng
DoZOTW0l.jpgPhóng to
Nguyễn Ngọc Hưng ngày xưa bên người cha bị liệt - Ảnh: L.Đ.D.

Mỗi câu chuyện ấy có thể là một cái siết tay tin cậy và hi vọng cùng bao bạn tân sinh viên thế hệ đàn em đang chuẩn bị bước vào mùa thi này trong vài ngày tới.

Những cánh cò mồ côi

Cho đến bây giờ, sau gần tròn bảy năm, tôi vẫn nhớ buổi chiều cuối tháng 8-2006, khi đi xác minh hoàn cảnh các tân sinh viên chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm học 2006-2007. Căn nhà nhỏ ở thôn An Dạ, xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) với bốn chị em ngồi quanh bàn thờ người mẹ vừa qua đời. Bố đi biệt từ khi mấy chị em còn nhỏ. Hồ Thị Vĩnh Khánh, cô chị đầu, vừa học xong lớp trung cấp kế toán. Hai anh em Hồ Vĩnh Phú và Hồ Thị Vĩnh Thanh đều đang học đại học ở Huế. Hồ Vĩnh Hưng, cậu em út, vừa trúng tuyển ngành tin học Đại học Sư phạm Huế, người sẽ nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm đó.

Người mẹ nghèo của làng quê bên sông Thạch Hãn ấy đã một mình tảo tần nuôi đàn con bốn đứa, giấu con cái bệnh tật của mình cho đến lúc nằm xuống như ngọn đèn cạn dầu. Còn nhớ hôm đó, Vĩnh Khánh nói với chúng tôi trong nước mắt: “Mạ em bệnh nặng mà không dám đi chữa, đến khi nặng quá, không chịu được phải vào tận miền Nam điều trị thì quá muộn. Mạ chỉ mong mấy đứa con được học hành tới nơi tới chốn để sau này không phải nghèo nữa. Xưa cũng vì nghèo mà cha ra đi, chừ mạ cũng không còn, không biết có đủ sức nuôi ba đứa em học hành nên người!”. Suất học bổng năm đó cũng chỉ đủ cho Hưng trang trải phần nào chi phí học hành thời gian đầu, nhưng từ nỗi đau mồ côi ấy, cả mấy chị em đã gượng đứng lên. Mấy năm học ở Huế, Hưng vừa đi học vừa dạy kèm kiếm tiền trang trải việc học.

Bây giờ về lại thôn An Dạ, căn nhà ngày xưa của bốn chị em cửa đóng im lìm. Hỏi thăm hàng xóm, ai cũng bảo các em nay đều phương trưởng. Sau một hồi tìm kiếm nhà bà con của Hưng, chúng tôi cũng có được số điện thoại của Hưng. Liên lạc với Hưng, chàng tân sinh viên ngày nào cho biết đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 2010 và sau đó vào TP.HCM làm việc, được một thời gian Hưng quyết định học tiếp cao học ngành công nghệ thông tin nên trở về Đà Nẵng dự thi. Nghị lực của Hưng một lần nữa được đền đáp. Hưng đã thi đậu và đến nay đã gần hoàn thành chương trình cao học, vừa làm thêm về công nghệ thông tin ở Công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước ở Đà Nẵng. Vui hơn khi cả mấy chị em đều ra trường có việc làm ổn định.

Câu chuyện của Hưng và các anh chị em Hưng khiến chúng tôi nhớ đến Trần Thị Kim Oanh, cũng là sinh viên tin học Đại học Sư phạm Huế được nhận học bổng Tiếp sức đến trường đợt đầu tiên tại Quảng Trị vào năm 2004. Oanh là con gái út trong một gia đình ba chị em đều mồ côi bố mẹ sống giữa rừng cao su Cồn Tiên (Gio Linh). Năm ngoái, sau gần 10 năm gặp lại, Oanh đã là thạc sĩ công nghệ thông tin, đang giảng dạy ở Trường cao đẳng Công nghệ Huế. Hai chị gái của Oanh,chị đầu đang công tác ở Đại học Huế, chị thứ hai đang học tiếp Đại học Y ở Thái Bình.

Nuôi khát vọng từ mái tranh nghèo

Rời căn nhà nhỏ tuy vắng vẻ nhưng ấm áp bởi câu chuyện của mấy chị em Hồ Vĩnh Hưng, trên đường từ Triệu Độ qua thôn Đại Hòa (xã Triệu Đại), tôi ghé vào nhà của một sinh viên khác cũng tên Hưng, từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2005. Khi Hưng cầm giấy báo vào Đại học Bách khoa thì ba Hưng đang nằm liệt trên giường bệnh. Ông Nguyễn Ngọc Tiết, ba Hưng, trong một lần bị té do lên cơn cao huyết áp bất ngờ đã bị chấn thương và bại liệt nửa người. Sau Hưng là mấy em nhỏ, mẹ cũng đau ốm quanh năm, bà nội già yếu, cô chị đầu đi học xa, chuyện đi học đại học với Hưng gần như là không thể. Nhưng với học bổng Tiếp sức đến trường và kết quả thi đại học lên tới 28 điểm, Hưng đã vào TP.HCM nhập học lớp kỹ sư được đào tạo theo chương trình Việt - Pháp, ngành vật liệu tiên tiến. Chỉ ra trường mới hai năm, Hưng đã lập công ty riêng chuyên về đèn Led, dù chỉ mới khởi đầu nhưng với nỗ lực tiếp cận những công nghệ hiện đại nhất, Hưng vẫn tin ở con đường mình đang theo đuổi.

Từ Triệu Đại lên xã Triệu Đông, tôi rẽ vào làng Nại Cửu, ngôi làng nổi tiếng với tỉ lệ giáo viên trên dân số thuộc hàng cao nhất nước. Nhớ ra Trần Đình Thi, cậu học trò từng đạt 29 điểm vào Trường đại học Bách khoa TP.HCM sáu năm về trước. Hồi đó, câu chuyện về Thi được coi là “thời sự” của làng vì nhà Thi nghèo lắm. Bố vào tận TP.HCM làm mướn, mấy mẹ con ở nhà quanh quẩn với ruộng nương đắp đổi qua ngày. Tôi nhớ Thi bởi chi tiết hôm đó bà Túy, mẹ Thi, kể: “Ngày thi tốt nghiệp xong, hắn xin tui 50.000 đồng, cứ ngỡ là để liên hoan với bạn bè chia tay, không ngờ hắn đi lên trên thị xã mua được hai cuốn sách giá 47.000 đồng, còn 3.000 đồng hắn trả lại cho tui”. Tên hai cuốn sách, “gia tài” ôn thi đại học của Thi, là Bài tập nâng cao hóa hữu cơ giá 23.000 đồng và Giải các bài tập vật lý sơ cấp giá 24.000 đồng. Và với số tiền “đầu tư” ấy, Thi đã mang về hai điểm 10 và một điểm 9 cho ba môn thi toán - lý - hóa.

Vừa tốt nghiệp kỹ sư ngành điện tử - viễn thông, Thi đã được Trung tâm Viettel khu vực 2 tại Đà Nẵng tuyển chọn về làm việc từ hai năm nay. Ngày tôi về gặp Thi xác minh hoàn cảnh để trao học bổng thì cha em, ông Trần Chính, đang đi làm thuê tại TP.HCM. Lần này về lại, ông bảo: “Đợi nó ra trường tui mới yên tâm hồi hương”. Mấy năm ở TP.HCM, Thi vẫn đi dạy kèm, phụ thêm với anh để học xong đại học. Rồi ông Chính mở tủ lấy tấm bằng kỹ sư bách khoa của Thi ra khoe. Nụ cười đầy mãn nguyện của người cha kham khổ đang cầm tấm bằng của con trai trên tay. Ở đất quê tôi, giàu có bạc tiền chưa chắc đã được coi là thành công bằng chuyện có con cái học giỏi. Ông Chính, trong cái ý nghĩa ấy, đang là một người cha thành công.

Hai nẻo buồn vui

Hầu hết những cựu sinh viên ngày trước, khi tôi đến nhà thì không gặp một ai vì tất cả đều đi làm đâu đó ở Sài Gòn, Đà Nẵng... sau khi tốt nghiệp. Có một nhân vật tôi gặp được cũng đáng để kể cùng bạn đọc, người mà năm năm trước là nhân vật trong bài báo “Hai chiếc ghế của Ánh”. Hoàng Văn Ánh nhận học bổng Tiếp sức đến trường vào năm 2008 khi thi đậu vào khoa toán Đại học Sư phạm Huế. Ngày tôi đến nhà Ánh, trong căn nhà chừng 10m2 chỉ có chiếc giường duy nhất dành cho mẹ và đứa em trai bị bệnh tim ngủ, còn Ánh ngủ trên hai cái ghế (dân vùng này gọi là đòn bào) ghép lại ở giữa nhà. Nhưng hai cái ghế ấy không chỉ là giường cho Ánh ngủ, mà còn dành để mời khách ngồi. Buổi tối, hai cái ghế ghép lại trở thành chiếc bàn cho hai anh em học bài, còn bậu cửa được biến thành ghế, học bài xong mới dùng hai chiếc ghế làm chỗ ngủ. Tôi đã chụp lại tấm hình Ánh đang kèm em trai ngồi học trên cái vừa ghế - bàn - giường ấy. Không có chỗ ngồi học, không có tủ bàn đựng sách vở, đồ vật khiến căn nhà có vẻ sang hơn là cuốn Tuyển tập 30 năm tạp chí Toán Học & Tuổi Trẻ mà hình như Ánh đã dùng nó làm gối để gối đầu.

Ba mất khi Ánh mới học lớp 4 và em trai chưa vào lớp 1. Dẫu vậy, món nợ 20 triệu đồng chữa bệnh tim cho ba sau tám năm kể từ ngày ba mất vẫn oằn nặng vai mấy mẹ con Ánh. Nhiều bạn bè lớp 12 của Ánh còn nhớ hình ảnh người bạn sau giờ học lại vội vàng đạp chiếc xe cà tàng với hai cái xô phía sau xe, ghé đến những quán ăn để xin nước gạo về giúp mẹ nuôi heo. Ngày nghỉ học thay vì đi học thêm như các bạn, Ánh theo mẹ đi làm phụ hồ, tiền phụ hồ được mẹ cất riêng “phòng xa khi Ánh đậu đại học”. Vậy rồi với số tiền học bổng Tiếp sức đến trường năm ấy, Ánh bước chân vào Trường đại học Sư phạm. Cũng như bao sinh viên nhà nghèo, Ánh vừa học vừa đi làm gia sư, chạy bàn... suốt bốn năm cho đến ngày ra trường vào năm ngoái. Ánh kể đã nộp hồ sơ xin việc lên sở nhưng vẫn chưa được gọi, đứa em trai đang học cao đẳng công nghệ ở Đà Nẵng, mẹ Ánh cũng đã yếu, căn nhà vẫn như xưa, chỉ vừa vặn 10m2 nằm bên sông Hiếu, mùa nước lũ dâng cao lại lo cho mẹ già nên Ánh cũng chưa dám đi xa.

Một năm nay từ ngày ra trường, chàng cử nhân sư phạm toán này đi dạy kèm cho những đứa trẻ hàng xóm và đi phụ hồ. “Em muốn đi xa kiếm việc cũng phải lo cho đứa em trai học ở Đà Nẵng ra trường đã, nó về ở với mẹ em mới yên tâm đi. Đi xa cơ hội thì nhiều, nhưng có cơ hội nào quý bằng được chăm lo cho mẹ, làm sao để mẹ ở một mình đêm hôm trái gió trở trời được!”. Ánh nói với tôi khi chia tay, và tôi hiểu thêm một điều, rằng những suy nghĩ ấy mới là gia tài quý giá hơn cả công việc, dù để có một việc làm đúng chuyên môn giữa thời buổi này chắc cũng không hề dễ.

Chương trình "Tiếp sức đến trường" 2013 :

6,5 tỉ đồng cho 1.300 suất học bổng

Năm học 2013-1014 chương trình Tiếp sức đến trường bước qua tuổi 11. Suốt mười năm qua, vòng tay rộng mở của các doanh nghiệp và hàng ngàn bạn đọc Tuổi Trẻ đã âm thầm nâng bước chân vào đời cho 7.000 tân sinh viên khó khăn với tổng số tiền học bổng lên đến 35 tỉ đồng. Hành trình Tiếp sức đến trường mười năm qua đã thể hiện tình yêu thương với sự kỳ vọng của xã hội, của những người đi trước vào một lớp trẻ nghèo khó nhưng đầy ý chí và nghị lực vươn lên. Mười năm đó, Tuổi Trẻ chỉ giữ vai trò là tạo nhịp cầu nối, còn để phát triển thành một cây cầu nối rộng lớn vững chắc, đưa các tân sinh viên đến bến bờ mơ ước chính là nhờ sự quan tâm chia sẻ của toàn xã hội.

Năm 2013, với sự tham gia tài trợ của các nhà hảo tâm, các câu lạc bộ Tiếp sức đến trường, Tuổi Trẻ dự kiến sẽ trao 1.300 suất học bổng, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng (tổng giá trị 6,5 tỉ đồng) cho các tân sinh viên trúng tuyển ĐH, CĐ nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có khả năng theo học.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên