07/02/2017 09:04 GMT+7

Nam bộ mưa trái mùa, bệnh nghịch mùa

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TTO - Tết năm nay xuất hiện nhiều trận mưa trái mùa, khiến cho nhiều loại bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy… chỉ gặp ở mùa mưa nay lại tăng cao trong mùa nắng hạn ở vùng Nam bộ.

Mới đây, ngày 5-2 bé Châu Thị Kim N. (11 tuổi, nhà ở xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang) bị sốt cao, đau bụng, nôn ói phải nhập viện cấp cứu. Bé N. bị sốc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 5. Bé phải điều trị tích cực chống sốc, sau 24 giờ mới ổn dần.

Đối với bệnh tay chân miệng, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh này lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Triệu chứng bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng lợi lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, bà con mình cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày .

Khi mưa trái mùa xảy ra thường xuyên khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm, thức ăn khó bảo quản, vì vậy bệnh tiêu chảy có cơ hội tăng theo. Bà con mình cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống tiêu chảy như: thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào; ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B; cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối...

Khi có người bị tiêu chảy cấp: phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên