12/01/2017 20:56 GMT+7

Mỹ rầm rộ đưa quân tới châu Âu, Nga cảnh giác

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ cùng hàng trăm thiết bị quân sự đặt chân lên đất Ba Lan ngày 12-1, theo The Guardian. Phía Nga lập tức lên tiếng cảnh báo động thái của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đoàn xe quân sự của Mỹ tại biên giới Đức - Ba Lan - Ảnh: AFP

Đoàn xe quân sự gồm xe tăng, xe bọc thép cùng các binh sĩ tiến vào Ba Lan từ lãnh thổ Đức và hướng thẳng tới Zagan - nơi họ đóng quân trong thời gian tới, Hãng tin AP cho biết.

Theo The Guardian, những binh sĩ này là một phần trong kế hoạch triển khai 4.000 binh sĩ Mỹ tới Đông Âu theo một thỏa thuận đạt được giữa các nước NATO tại hội nghị thượng đỉnh của khối này trước đó.

Đây cũng là đợt huy động quân sự lớn nhất của Mỹ tại châu Âu kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc trong nỗ lực nhằm trấn an các quốc gia rìa đông NATO trước mối đe dọa từ nước Nga.

Dự kiến lễ đón chính thức các lực lượng Mỹ sẽ được tổ chức vào thứ bảy tuần này (14-1), Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết.

Đúng ra, theo thỏa thuận ban đầu, việc chuyển quân bắt đầu vào cuối tháng 1, tuy nhiên trong một cuộc họp hồi cuối tháng 12-2016, kế hoạch thay đổi và việc chuyển quân được dời lên trước một tháng.

Nhiều khả năng đây là nỗ lực của chính quyền Barack Obama trước thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức. Ông Trump vốn là người không mấy mặn mà với NATO và đã từng đòi hỏi các nước trong khối phải chia sẻ thêm gánh nặng chi phí với Mỹ.

Phản ứng trước động thái mới nhất từ NATO, Nga cho biết họ xem đây là sự đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Từ Điện Kremlin, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh:

"Những hành động đó đe dọa đến lợi ích và an ninh của nước Nga. Đặc biệt đáng lo ngại hơn nữa là khi có một quốc gia thứ ba tăng cường hiện diện quân sự sát biên giới của chúng tôi. Họ thậm chí còn không phải là một quốc gia châu Âu".

Đây không phải là lần đầu tiên Nga phản ứng trước các động thái tiến về phía đông của NATO. Matxcơva luôn tỏ ra cảnh giác trước các động thái mới từ khối quân sự này song song với việc có các kế hoạch đáp trả như đưa quân áp sát biên giới, tiến hành tập trận quy mô lớn.

Trên thực tế, các quốc gia châu Âu đang ở thế lưỡng nan an ninh khi an ninh của nước này là sự mất an ninh của nước khác. Nói một cách khác, an ninh tại châu Âu là một trò chơi có tổng bằng 0 bởi các hành động để bảm đảo an ninh của NATO có thể kích động cảm giác mất an ninh từ Nga. Và ngược lại, khi Nga tiến hành các biện pháp đáp trả nhằm bảo vệ lợi ích của họ trong khu vực, điều đó lại khiến các nước NATO sát Nga lo ngại và thúc giục khối này có các hành động mới.

Mặc dù vậy, theo giới quan sát, khó có khả năng xảy ra các cuộc đối đầu hay chạy đua vũ trang gay gắt giữa Nga và các quốc gia châu Âu thuộc NATO bởi sự gắn kết trong các mối quan hệ khác như chính trị, kinh tế.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên