10/03/2017 09:15 GMT+7

Mỹ cẩn trọng với Triều Tiên

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Bức tranh đối ngoại của Mỹ với vấn đề hạt nhân Triều Tiên có thể sẽ hé mở thêm sau chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson giữa tháng này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc họp ở Nhà Trắng - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc họp ở Nhà Trắng - Ảnh: Reuters

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thêm những diễn biến mới. Hôm 8-3, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói rằng Washington đang xem xét “tất cả những lựa chọn” về cách ứng phó với các đợt thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên, theo Reuters.

Bài toán Triều Tiên

Tuyên bố của bà Haley được xem như động thái mở đường cho các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Triều Tiên, bất chấp việc trước đó Mỹ từ chối một đề xuất giải quyết vấn đề từ phía Trung Quốc.

Hôm 8-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra giải pháp hòa hoãn, rằng Mỹ và Hàn Quốc nên dừng các đợt tập trận, để đổi lại Triều Tiên không tiếp tục chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Được hỏi về vấn đề này, bà Haley khẳng định Mỹ trước hết cần phải “nhìn thấy những hành động tích cực từ phía Triều Tiên”. Trong khi đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhận định đề xuất của ông Vương Nghị không phải phương án hữu hiệu.

Còn phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Gary Ross nhấn mạnh không nên đánh đồng việc tập trận thường niên của Mỹ và Hàn Quốc với hành động vi phạm liên tục của Triều Tiên.

Trong thời gian qua, câu chuyện không hồi kết về việc Triều Tiên phóng tên lửa để phản ứng các động thái mà Bình Nhưỡng cho là khiêu khích từ Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp diễn. Triều Tiên đã gây lo ngại khi phóng tên lửa hồi tháng trước, và mới nhất là đợt phóng rơi hai quả xuống ngoài khơi bờ biển Nhật Bản ngày 6-3.

Đổi lại, Mỹ và Hàn Quốc cũng chính thức khởi động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Việc triển khai THAAD vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc lâu nay. Bắc Kinh vẫn xem đây là nhân tố gây bất ổn cho an ninh khu vực.

Truyền thông Mỹ và quốc tế đa số nhận định rằng Triều Tiên là bài toán khó nhất cho chính sách đối ngoại của ông Trump.

“Không nghi ngờ gì nữa, đây là một trong những thách thức trọng tâm trong chính sách đối ngoại mà chính quyền mới phải đối mặt, và nó đang diễn ra ngay lúc này đây” - Đài ABC dẫn nhận định của Evans J.R. Revere, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á ở Viện Brookings, thủ đô Washington.

Theo New York Times, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã tổ chức ba cuộc họp về vấn đề Triều Tiên, tức nhiều hơn so với bất kỳ thách thức đối ngoại nào khác.

Tiếp cận mềm mỏng?

Yonhap (Hàn Quốc) ngày 9-3 có bài nhận định theo hướng hơi “thất vọng” về cách Tổng thống Trump đối phó với vấn đề Triều Tiên. Hãng tin này cho rằng bất chấp đưa ra nhiều tuyên bố đanh thép, chính quyền của ông Trump đang có dấu hiệu sẽ chọn cách tiếp cận rất bình thường.

Theo đó, Seoul vốn kỳ vọng vào những lựa chọn quyết đoán của ông Trump như những gì đã thể hiện ở các vấn đề khác. Nhưng tân tổng thống Mỹ lại cẩn trọng và sử dụng các biện pháp kinh tế và ngoại giao, kêu gọi Trung Quốc gia tăng áp lực lên Triều Tiên, đồng thời gia cố khả năng phòng thủ cùng Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trước đây khi đối diện với những lần Triều Tiên phóng tên lửa, ông Trump chỉ nói rằng “không bao giờ xảy ra” chuyện Triều Tiên có thể tấn công Mỹ. Giới quan sát cũng nhận định với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, chính quyền của ông Trump sẽ hạn chế tối đa những rủi ro xung đột vũ trang.

Nếu xảy ra viễn cảnh tồi tệ ấy, ít nhất Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ chịu ảnh hưởng, trong khi lính Mỹ vẫn đồn trú với số lượng đáng kể ở hai quốc gia đồng minh này.

Chính vì vậy, dù không đồng ý với đề xuất đánh đổi các đợt tập trận với những vụ thử tên lửa của Triều Tiên, chính quyền ông Trump cũng cho thấy rất có thể họ sẽ làm một điều Trung Quốc muốn: đàm phán với Bình Nhưỡng.

Đài CNN đầu tuần cho rằng ông Trump tốt nhất nên tái đàm phán với Triều Tiên. Theo đó, việc dựa vào áp lực từ Trung Quốc là không khả thi. Bắc Kinh đơn giản vẫn thể hiện rõ mong muốn đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán với Mỹ, còn việc ngừng mua than đá từ Triều Tiên cũng chỉ là tín hiệu yếu ớt.

Trên thực tế, dù lên án Triều Tiên mạnh mẽ, Mỹ cũng đã dàn xếp cuộc gặp gỡ giữa đặc sứ Triều Tiên Choe Son Hui và các cựu quan chức Mỹ.

Cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 1 và 2-3 nhưng sau đó bị hủy, nhiều khả năng liên quan tới cái chết của một người Triều Tiên được cho là Kim Jong Nam - anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Chuyến công du châu Á đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Tillerson sẽ thực hiện chuyến công du châu Á đầu tiên của mình vào giữa tháng này. Kế hoạch cho thấy ông sẽ đến Nhật Bản ngày 15-3, đến Hàn Quốc ngày 17-3 trước khi thăm Trung Quốc từ 18 tới 19-3.

Vấn đề trọng tâm được cho là sẽ liên quan tới vụ “Kim Jong Nam” và vấn đề triển khai THAAD tại Hàn Quốc.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông Tillerson nhiều khả năng cũng thúc giục Trung Quốc có động thái cứng rắn hơn với Triều Tiên. Rất có thể chuyến đi này sẽ thể hiện rõ hơn phần nào về chính sách cụ thể của chính quyền ông Trump đối với vấn đề này.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên