25/07/2017 13:59 GMT+7

Muốn đưa hàng vào Mỹ, phải đăng ký trước với FDA

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Do không cập nhật kịp các thay đổi về an toàn thực phẩm ở Hòa Kỳ, số doanh nghiệp đăng ký với FDA giảm đáng kể, cũng như gia tăng các vụ thu hồi và bị từ chối không cho nhập khẩu.

Theo các thống kê, từ năm 2014 đến 2016, số lần nông sản thực phẩm Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ bị từ chối là 896 lần, trong khi Thái Lan là 718 lần.

Nếu tính về số lần trên mỗi triệu USD giá trị hàng nhập khẩu, hàng Việt Nam bị từ chối lên đến 0,155 lần trong khi hàng của Thái Lan là 0,105 lần.

Đưa ra con số này tại này tại hội thảo “Xử lý Cảnh báo nhập khẩu của FDA Hoa Kỳ” diễn ra ngày 25-7 ở TP.HCM, ông Nestor Scherbey, chuyên gia của Liên minh Thuận lợi hóa thương mại toàn cầu, cho rằng việc tuân thủ các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ của nhà xuất khẩu Việt Nam đang còn rất nhiều bất cập.

Vị chuyên gia hải quan thế giới này cho biết tính toán này dựa trên tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ trong giai đoạn 2014 - 2016 với giá trị 5,77 tỉ USD.

Con số này vẫn thấp hơn so với Thái Lan với 6,84 tỉ USD.

Một trong những vụ đáng chú ý là công ty Vĩnh Hoàn buộc phải thu hồi 84.000 pounds (tương đương 38 tấn) sản phẩm cá Swai đông lạnh vì đã không vượt qua được các bước kiểm tra của Cơ quan thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS).

Toàn bộ lô hàng của Vĩnh Hoàn được nhập khẩu từ Việt Nam, và theo ông Nestor, vụ thu hồi này thuộc cấp độ nhóm 1, tức rất nghiêm trọng và có liên quan đến nhãn hạn sử dụng sản phẩm.

Luật mới, nhiều quy định mới

Theo Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm mới (FSMA) của Hoa Kỳ, các nhà nhập khẩu và nhà cung cấp nước ngoài thực hiện các hoạt động dựa trên rủi ro nhất định để xác minh rằng thực phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ được sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của Hoa Kỳ đang áp dụng.

Ông Scherbey cho rằng các doanh nghiệp phải có kế hoạch phòng ngừa riêng cho từng thực phẩm như mối nguy về sinh học, mối nguy về hóa học, thuốc trừ sâu và những độc tố tự nhiên cần xử lý như thế nào để loại bỏ.

Danh sách các chất cấm này được Cục Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) công bố và "doanh nghiệp phải cập nhật" và "tuyệt đối không được sử dụng".

“Trong an toàn thực phẩm, không có bất kỳ ngoại lệ nào”, ông Nestor nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp cũng phải tuân thủ Chương trình xác minh nhà cung cấp nước ngoài của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA).

Muốn xuất hàng qua Mỹ, doanh nghiệp phải đăng ký với FDA, để được cấp mã số chứng chỉ. Tuy nhiên, có mã số chứng chỉ này không có nghĩa doanh nghiệp đã vượt qua các kiểm tra của FDA tại Hoa Kỳ.

Điều này có nghĩa là, trước đây, hàng xuất khẩu vào Mỹ được đánh giá, thử nghiệm tại cảng đến ở Mỹ.

Với Luật FSMA, công việc được chuyển sang cho chính các nhà sản xuất, theo đó FDA sẽ kiểm tra và đánh giá ngay tại nhà máy, trên toàn bộ chuỗi sản xuất tại quốc gia xuất khẩu. 

Việc đăng ký với FDA phải thực hiện trước khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu giữ.

Và FDA sẽ coi đăng ký của một cơ sở sản xuất thực phẩm hết hạn nếu không đăng ký như yêu cầu.

“Việc đăng ký cũng là thông báo trước lô hàng thực phẩm hoặc hàng hóa của doanh nghiệp phải được nộp hồ sơ cho FDA Hoa Kỳ trước khi hàng đến cảng của nước này”, ông Nestor lưu ý thêm.

Theo luật mới, việc đăng ký với FDA Hoa Kỳ được gia hạn hai năm một lần.

Theo ông Herb Cochran, cố vấn Amcham tại TP.HCM, gần đây, số doanh nghiệp Việt Nam đăng ký với FDA xuất khẩu lương thực sang Mỹ giảm mạnh.

Cụ thể, vào thời điểm tháng 12 năm 2016 có 1.845 doanh nghiệp nhưng đến tháng 1-2017 chỉ còn 806 doanh nghiệp.

Lý do chính, theo ông Cochran, là các doanh nghiệp Việt Nam không cập nhật kịp các thay đổi về an toàn thực phẩm ở Mỹ.

Theo quy định, các công ty phải đăng ký gia hạn với FDA từ ngày 1-10 đến 31-12-2016, và nếu những doanh nghiệp không thực hiện quy định này thì bị xóa khỏi danh sách đăng ký.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên