02/04/2016 15:23 GMT+7

​Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tăng do triều cường

ĐỨC VỊNH - BỬU ĐẤU
ĐỨC VỊNH - BỬU ĐẤU

TTO - Mấy ngày qua, mực nước đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và các tuyến kênh ở vùng Tứ giác Long Xuyên tăng cao hơn trước chủ yếu do đỉnh triều cao, không phải do việc xả đập ở thượng nguồn.

Nhánh sông vào cầu Hoàng Diệu, TP. Long Xuyên tràn ngập nước. Ảnh chụp lúc14g30 chiều 1-4 tại cầu Hoàng Diệu - Ảnh: Bửu Đấu

Ngày 2-4, ông Lưu Văn Ninh, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang cho biết mấy ngày qua mực nước đo ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu có cao hơn trước đó.

Mực nước tăng chủ yếu do đỉnh triều cường cao và một phần nhỏ nhờ lưu lượng nước sông Mekong đổ về có tăng nhẹ do một số đập xả nước điều tiết trước đó chứ không phải do Trung Quốc và Lào xả đập mới đây.

Sau đó mực nước đã giảm do đỉnh triều xuống, mực nước thực đo lúc 1g sáng 2-4 tại hai điểm trên lần lượt là 0,69m và 0,84m.

“Triều cường mạnh làm nước sông Hậu đổ dồn về các tuyến kênh vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc An Giang, Kiên Giang. Trong khi phía hạ lưu đã đóng đập để ngăn mặn xâm nhập từ biển Tây nên mực nước trên các tuyến kênh này đã tăng thêm 0,2-0,4m. Nhờ vậy độ mặn giảm lại, việc lấy nước sinh hoạt, sản xuất thuận lợi”, ông Ninh cho hay.

Ông Ninh cho rằng nếu trong tháng 4 không có mưa thì vùng Bảy núi An Giang sẽ thiếu nước. 

PGS.TS Lê Anh Tuấn, viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khi hậu ĐH Cần Thơ, cũng cho rằng hiện nay lưu lượng nước sông Mekong đổ về tăng không đáng kể, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cao vào ngày 28-3 là do triều cường, sau đó đã giảm xuống thấp theo triều.

Theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, dòng chảy trên dòng chính sông Mekong đang tăng chậm. Dự báo vào ngày 4 và 5-4 lưu lượng nước trung bình tại Tân Châu khoảng 3200-3500m3/s, Châu Đốc 600-750m3/s.

Vào cuối tuần tới, khi đỉnh triều lại lên thì mực nước trên sông Tiền và sông Hậu có khả năng đạt mức cao trở lại. Tại Tân Châu có thể đạt 1,30m, tại Châu Đốc khoảng 1,40m - cao hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 0,1-0,15m. 

Với việc các hồ chứa từ Trung Quốc còn tiếp tục xả thì lưu lượng này có khả năng tiếp tục duy trì đến cuối tháng 4. Tuy nhiên lưu lượng lớn nhất tại Tân Châu vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2014 và 2015; tại Châu Đốc tương đương 2015, nhưng thấp hơn năm 2014. 

Do lưu lượng từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long tăng, mực nước đỉnh triều từ nay đến đầu tháng 5 có xu thế giảm dần nên dự báo từ nay đến cuối tháng 4 độ mặn có khả năng giảm dần trên các sông ở ĐBSCL.

Ông Tuấn nhận định việc Trung Quốc và Lào xả nước không thể đẩy mặn cho ĐBSCL, bởi việc đó làm gia tăng lưu lượng nước sông Mekong đổ về ĐBSCL không đáng kể.

ĐỨC VỊNH - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên