29/07/2016 17:05 GMT+7

​Mùa mưa đến, nỗi lo mắc các bệnh do muỗi truyền

Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

2 loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là Aedes aegypti và Aedes albopictus, dân gian thường gọi là muỗi vằn.

Muỗi đốt người bệnh và mang vi rút truyền cho người lành, ngoài sốt xuất huyết muỗi vằn còn truyền bệnh khác như bệnh do vi rút Zika, Chikungunya, sốt vàng.

Loài muỗi này sinh sản ở trong và ngoài nhà, thích hút máu vào sáng sớm và chiều muộn, có thói quen đẻ trứng vào các dụng cụ chứa nước tự nhiên và nhân tạo như các vật chứa nước sinh hoạt, bình bông, chậu kiểng, lốp xe, các vật phế thải đọng nước xung quanh nhà. 

Hiện nay hoạt động phun hóa chất của y tế chỉ giải quyết được khi mật độ muỗi nhiều và hiệu quả chỉ mang tính tạm thời. Vì vậy để hoạt động này đạt được hiệu quả như mong muốn thì bản thân mỗi người, mỗi hộ gia đình phải chủ động diệt muỗi, giảm nơi sinh sản của muỗi.

Bằng cách ngủ màn cả ngày lẫn đêm, sử dụng nhang muỗi, mặc quần áo dài tay trong giờ cao điểm hoạt động của muỗi (sáng sớm hoặc chiều tối) hoặc khi ra sân vườn, thoa kem chống muỗi. 

Ngoài ra chúng ta có thể sử dụng các màn lưới chống muỗi ở các cửa sổ, cửa chính, các khe, lỗ thông gió của nhà mình để tránh muỗi bay vào nhà. Đối với nơi sử dụng máy lạnh nên đóng kín cửa.

Diệt muỗi mỗi ngày, mỗi gia đình nên tự trang bị các vật dụng diệt muỗi như: vợt điện, bình xịt muỗi, đèn bắt muỗi và thực hiện hàng ngày.

Tìm và tiêu diệt lăng quăng mỗi tuần, lăng quăng cần thời gian khoảng 7 ngày để phát triển thành muỗi trưởng thành, vì vậy mà mỗi cá nhân, gia đình nên chủ động thực hiện tại gia đình mình cũng như tại nơi làm việc với những hành động nhỏ như:

+ Đối với các lu, khạp, xô thùng chậu nước sinh hoạt nên có nắp đậy kín, nên được thay nước, cọ rửa hàng tuần.

+ Đối với bình bông, máng ăn cho gia súc, gia cầm nên được thay nước và cọ rửa hàng tuần.

+ Chân chén và dĩa kê chậu cây cảnh nên bỏ muối vào để diệt lăng quăng.

+ Những vật dụng xung quanh nhà không sử dụng phải được lật úp hoặc che đậy lại để tránh đọng nước hoặc thu gom và bỏ rác đúng nơi quy định.

+ Các hốc cây nên đổ cát, trét xi măng để tránh đọng nước.

Một số lưu ý khi sử dụng bình xịt muỗi tại nhà

Sử dụng bình xịt muỗi ở những nơi góc tối như: gầm giường, tủ, bàn góc tường tối, dưới cầu thang, nơi treo móc quần áo, màn, rèm,… thời gian phun từ 1-2 phút và những nơi mà gia đình thường sinh hoạt như: phòng khách, nhà bếp,… sau khi phun nên ra khỏi nhà/phòng, đóng kín cửa từ 15-30 phút để thuốc có hiệu quả diệt muỗi tốt hơn. Lưu ý: không sử dụng kem thoa chống muỗi cho trẻ dưới 2 tháng tuổi, không để trẻ tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất diệt muỗi, chống muỗi.               

Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên