01/11/2016 07:41 GMT+7

Mưa lớn, lũ đang lên nhanh, hàng nghìn hộ dân bị cô lập

VĂN ĐỊNH - QUỐC NAM - 
NHẬT LINH - L.GIANG - X.VƯƠNG
VĂN ĐỊNH - QUỐC NAM - 
NHẬT LINH - L.GIANG - X.VƯƠNG

TTO - Đêm 31-10 đến sáng 1-11 trên địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Bình xuất hiện mưa lớn liên tục, lũ trên các sông suối lên rất nhanh, hàng nghìn hộ dân bị cô lập và ngập nặng.

Đường vào chín xã vùng nam sông Gianh lại bị chia cắt sáng 1-11 - Ảnh: P.T

Sáng 1-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Vinh - chánh văn phòng lụt bão huyện Hương Khê - cho biết mực nước lũ ở Chu Lễ vượt báo động III khi ở mức lũ 13,55m.

Mưa lớn ở Hà Tĩnh, lũ lên rất nhanh

Theo ông Vinh, tối 31-10 trên địa bàn huyện Hương Khê mới có 17 hộ dân bị ngập nhưng đến sáng nay, có thể hơn 1.000 hộ dân đã bị ngập.

Các xã vùng sâu của huyện như Phương Mỹ, Hương Điền, Hà Linh, Hòa Hải, Hương Thủy, Hương Giang, Lộc Yên, Hương Đô, Phúc Đồng… bị ngập nặng, một số xã bị cô lập hoàn toàn.

Ngoài ra các xã vùng cao như Phú Phong, Hương Xuân, Hương Liên… cũng bị ngập nặng do mưa lớn.

“Hiện nước lũ trên sông Ngàn Sâu lên rất nhanh, nước lũ gần xấp xỉ với đợt lũ trước. Chúng tôi chưa thống kê được bao nhiêu hộ dân bị ngập nhưng với nước lũ như thế này thì rất nhiều hộ bị ngập nặng”, ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Hông Quân - bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ - cho biết hệ thông giao thông của xã tê liệt hoàn toàn trong khi nước lũ đang dâng lên.

Ngay trong đêm 31-10, xã đã cho di dời gia súc, người già trẻ em lên các vùng cao. 

“Hiện có 13 hộ bị ngập sâu. Chúng tôi đang tiếp tục vận động, di dời các hộ dân nào nằm trong nguy cơ bị ngập nặng”, ông Quân nói.

Theo ông Trần Đức Bá - giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, trong đêm 31-10, mưa lớn trên diện rộng phủ lên toàn tỉnh Hà Tĩnh. Lũ các sông tiếp tục dâng lên, lượng mưa từ 200-300mm, có nơi hơn 500mm. Dự báo tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp cho đến ngày 5-11.

Sáng 1-11, một nhà dân tại xã Cam Tuyền trong chớp mắt đã ngập 2m - Ảnh: Quốc Nam

Nước sông Gianh lại lên, mưa lớn vẫn tiếp tục

Ông Cao Xuân Hải - chủ tịch UBND xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình - cho biết rạng sáng 1-11, nước lũ lại lên và tràn vào nhà dân. Mực nước đã vượt mức cao nhất hôm 31-10 khoảng 0,5m. Trời vẫn tiếp tục mưa.

Ở thôn Tân Thượng, thôn thấp nhất của xã, hiện nước sông Gianh đã tràn vào một nửa hộ trong thôn. Nhà ngập sâu nhất khoảng 0,5 - 1m.

Theo ông Ngọc, nước bất ngờ lên trở lại do cả đêm mưa lớn. Các xã như Quảng Hải, Quảng Hòa, Quảng Văn, Quảng Lộc nằm ở hạ nguồn sông Gianh đều đã ngập lũ.

Tại xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, nước sông cũng đã làm ngập lụt nhiều nhà dân. Một số nhà ở vùng ven sông Gianh ngập gần 1,5m. Nhưng do có sự chuẩn bị từ trước nên người dân đã chủ động di chuyển tài sản lên cao và chuẩn bị sẵn lương thực.

Tại xã Tân Hóa, xã đầu nguồn sông Gianh thuộc huyện Minh Hóa, cũng mưa to suốt đêm qua. Nước đã ngập cục bộ nhiều đoạn tràn, chia cắt tạm thời tuyến đường vào xã này.

Lũ đã chia cắt nhiều con đường thuộc huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa - Ảnh: X.VƯƠNG

Hàng trăm hộ dân Quảng Bình bị cô lập

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ Quảng Bình, đến 9g sáng 1-11, toàn tỉnh đã có hàng trăm hộ bị cô lập và hàng ngàn hộ bị ngập.

Nặng nhất là 194 hộ ở các thôn Vĩnh Xuân, Phú Xuân xã Cao Quảng và Lạc Sơn xã Châu Hóa do các tuyến đường bị cắt đứt hoặc ngập lũ sâu.

Đường từ trung tâm huyện Minh Hóa vào xã Tân Hóa bị cắt đứt ở đoạn ngầm tràn giữa xã Tân Hóa và xã Minh Hóa. Cầu tràn đi các thôn Kim Bảng xã Minh Hóa bị ngập sâu, thôn Kim Bảng của xã Minh Hóa bị chia cắt.

Hiện huyện Tuyên Hóa đã phải di dời 367 hộ ở các xã Hương Hóa, Châu Hóa, Ngư Hóa khỏi vùng có nguy cơ bị lũ cuốn và sạt lở nặng nề. Trụ sở UBND các xã Văn Hóa, Châu Hóa và Mai Hóa bị ngập sâu phải dừng tiếp dân. 

Do mực nước cao nên, lưu lượng đến 1034m3/s và lưu lương qua tổ máy 34m3/s; lưu lượng nước qua tràn 768m3/s nên Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ ở 3 cửa xả.

Theo dự báo, trong ngày 1-11 Quảng Bình tiếp tục có mưa to. Hiện trời ít mưa, nhưng mực nước sông Gianh, Son vãn đang lên chậm, đang ở mức xấp xỉ báo động III. 

Khả năng trưa 1-11 mực nước trên sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 8,50m, trên mức báo động III 2m. Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng…

Quốc lộ 12A qua vùng Quy Đạt huyện Minh Hóa bị ngập - Ảnh: X.VƯƠNG

Đến trưa 1-11, nước lũ vẫn dâng cao trên sông Gianh, sông Son và các vùng thấp trũng khiến nhiều tuyến đường bị cắt đứt.

Ông Đinh Thanh Văn - chủ tịch UBND xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) - cho biết đoạn đường Hồ Chí Minh qua Phú Nhiêu xã Thượng Hóa lại ngập sâu hơn 1m trên chiều dài hơn 100m.

Các phương tiện giao thông từ Hà Tĩnh vào hoặc từ Quảng Bình ra đều bị ách tắc từ đêm 31-10 đến sáng nay.

Ngầm tràn Bến Sú bị ngập sâu 1m, cô lập hoàn toàn xã Xuân Hóa với trung tâm huyện, thị trấn Quy Đạt.

Lũ ngập sâu nhiều đoạn trên quốc lộ 12A qua thị trấn Quy Đạt và xã Yên Hóa, làm ách tắc cục bộ đoạn xã Yên Hóa đi thị trấn Quy Đạt, gây khó khăn cho xe ôtô chở hàng hóa từ cửa khẩu quốc tế Cha Lo về quốc lộ 1.

Dự trữ gạo và nước uống cho 7 ngày

Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài tại cuộc họp khẩn với các ban ngành, địa phương nhằm ứng phó với tình hình lũ lụt mới đang diễn ra có thể dẫn đến chia cắt, cô lập chiều 31-10.

Ông Hoài nhắc nhở người dân các vùng đã nhận được hàng cứu trợ, phải cất giữ nơi cao, an toàn đề phòng tiếp tục có lũ lụt thì còn có cái ăn.

“Sức cứu trợ cũng có hạn, chúng ta không thể cứ trông chờ” - ông nói. Ông cũng lưu ý việc tiếp nhận và phân phối hàng, tiền cứu trợ phải tới đúng địa chỉ, đúng đối tượng.

Thành đoàn TP.HCM trao 1,5 tỉ đồng cho đồng bào vùng lũ Quảng Bình

Ngày 31-10, Thành đoàn TP.HCM trao 500 suất quà cho người dân và học sinh ở hai xã Cảnh Hóa, Phù Hóa (Quảng Trạch, Quảng Bình). Mỗi suất quà trên 1,5 triệu đồng.

Theo kế hoạch, ngày 1-11 đoàn tiếp tục mang 500 suất quà tương tự đến trao cho người dân và học sinh hai xã miền núi Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) cũng bị thiệt hại do đợt lũ vừa qua. Tại mỗi điểm trường học của mỗi xã, đoàn cũng tặng một bộ trống Đội.

Tổng giá trị quà tặng mà đoàn trao đợt này là trên 1,5 tỉ đồng. Trong đó, bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp 200 triệu đồng. Công ty CP đầu tư Bình Tân (Bita’s) đóng góp 2 tấn gạo và Công ty sữa Nutifood tài trợ 1.000 hộp sữa bột.

VĂN ĐỊNH - QUỐC NAM - 
NHẬT LINH - L.GIANG - X.VƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên