25/03/2017 12:19 GMT+7

​Mùa hè nên cẩn thận với các bệnh về tim mạch

Nguồn: Trung Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung Truyền thông sức khỏe Trung ương

Trong số các bệnh lý về tim mạch, nguy hại nhất trong mùa hè phải kể đến là suy tim, xơ vữa động mạch vành và tăng huyết áp.

Bệnh suy tim

Suy tim là bệnh hay gặp ở người cao tuổi, là biến chứng cuối cùng của tất cả các bệnh về tăng huyết áp và bệnh toàn thân khác. Về bản chất, suy tim là tình trạng cơ tim không đảm bảo được nhu cầu về cung cấp lượng tuần hoàn. Suy tim có thể mạn tính, thể cấp tính.

Dấu hiệu của bệnh là thấy khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm, mệt mỏi, phù chân, hồi hộp tim đập nhanh… Suy tim do nhiều nguyên nhân: huyết áp cao không điều trị; bệnh cơ tim thiếu máu; nhồi máu cơ tim; bệnh van tim (hẹp, hở van 2 lá, hẹp hở van động mạch chủ); bệnh tim bẩm sinh không điều chỉnh bằng phẫu thuật (hẹp van động mạch phổi, còn ống động mạch…); viêm cơ tim; cường giáp không điều trị; suy thận mạn tính; loạn nhịp tim kéo dài…

Dù ở giai đoạn nào của quá trình suy tim và vào thời gian nào trong năm thì người bệnh vẫn phải thường xuyên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, thời tiết mùa hè nóng nực làm cho cơ thể mất nước nhiều hơn qua đường bài tiết dẫn đến rối loạn nước và điện giải. Khi đó các chất điện giải như natri, canxi, kali đều giảm khiến người bệnh có thể xuất hiện những biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy thận (do thận không đủ nước để lọc). Thời tiết nắng nóng cũng khiến gia tăng nguy cơ tác dụng phụ của các thuốc điều trị như suy thận, tăng creatinin trong máu. Ngoài ra, nắng nóng còn làm giảm thể tích tuần hoàn trong cơ thể làm cho máu bị cô đặc tạo thành các huyết khối gây tắc mạch máu.

Những biến chứng này thật sự nguy hiểm. Do đó, để bảo vệ mình trong mùa nắng nóng, ngoài việc uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, người mắc bệnh suy tim cần tránh để cơ thể bị mất nước bằng cách nên hạn chế ra ngoài trời khi nắng gắt. Nên uống nhiều nước, uống liên tục trong ngày, không để tình trạng khi cảm thấy khát mới uống.

Bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành là vấn đề phổ biến nhất của các bệnh về tim mạch và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhiều nước trên thế giới.

Hệ thống động mạch vành có nhiệm vụ cung cấp máu cho cơ tim hoạt động. Bệnh động mạch vành là tình trạng xuất hiện những mảng xơ vữa, khiến cho lòng động mạch bị chít hẹp, giảm khả năng lưu thông của máu nên không cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Mảng xơ vữa phát triển lớn dần theo thời gian, lưu lượng máu và oxy cung cấp cho tim vì thế càng ngày càng giảm. Vào mùa hè thời tiết nắng nóng thể tích tuần hoàn giảm, máu bị cô đặc nên khi gặp phần động mạch bị chít hẹp do xơ vữa lại càng khó lưu thông, dễ dẫn đến tắc động mạch. Tùy theo thể tích vùng động mạch bị tắc mà hậu quả xảy ra sẽ khác nhau, nguy hiểm nhất là có thể dẫn tới tử vong.

Do đó, cũng giống như người mắc bệnh suy tim, người mắc bệnh động mạch vành cần biết tự bảo vệ mình. Ngoài việc cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng nên hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ quá cao, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và hạn chế đồ cay nóng. Có như vậy mới giúp giảm thiểu nguy cơ của bệnh trong mùa hè.

Tai biến từ bệnh tăng huyết áp

Nắng nóng thực sự là mối nguy hiểm với người bị tăng huyết áp. Nhiệt độ cao khiến nhịp tim tăng nhanh và huyết áp tăng theo, đến một ngưỡng nhất định sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não.

Để hạn chế tai biến do bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần uống thuốc hạ huyết áp hàng ngày. Đối với người bình thường, nắng nóng cũng có thể gây hiện tượng tăng huyết áp nhất thời. Khi thấy một người có những dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, người nóng ran cần nghĩ ngay đến bị tăng huyết áp để nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất.

Mùa hè, người mắc bệnh tim mạch phải đối diện với nhiều nguy cơ. Điều đó không có nghĩa là các mùa khác trong năm người bệnh có thể lơ là, chủ quan với bệnh tật. Như đã nói, các biến chứng của bệnh tim mạch có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Để đề phòng biến chứng người bệnh cần thường xuyên đi khám tại các cơ sở y tế, có chế độ sinh hoạt phù hợp với bản thân.

Về tập luyện, mỗi ngày nên luyện tập đều đặn bằng những bài tập thể dục vừa sức hoặc đi bộ khoảng 30 phút. Cách này giúp người cao tuổi ổn định huyết áp, giảm lượng mỡ thừa, cải thiện chức năng hô hấp tuần hoàn. Về dinh dưỡng, nên tạo thói quen ăn uống cân bằng, không nên chỉ ăn những gì mình thích mà nên ăn những gì mình cần. Nên tăng cường rau xanh và chất xơ đồng thời hạn chế dung nạp các chất đường bột và mỡ động vật cũng như bia rượu, chất kích thích.

Nguồn: Trung Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên