Một xã hội không biết làm gì với phụ nữ

CHIÊU VĂN 11/03/2018 05:03 GMT+7

TTCT - Kinh tế Ấn Độ đã có những bước tiến vượt bậc trong khoảng hai thập niên vừa qua, nhưng số phận của phụ nữ trong xã hội này đã không cải thiện được là bao.

Bất bình đẳng giới là một vấn đề có cội rễ sâu xa ở Ấn Độ - Ảnh: seattletimes.com
Bất bình đẳng giới là một vấn đề có cội rễ sâu xa ở Ấn Độ - Ảnh: seattletimes.com

 “Tôi cảm thấy mình bị đàn áp, không phải bởi cha mẹ tôi, mà bởi gánh nặng là phụ nữ ở một quốc gia không biết phải làm gì với những phụ nữ của nó - cô gái người Ấn Độ Abhinanda Bhattacharyya viết trên trang qz.com đầu tháng 3-2018 về quyết định của cô phải ở lại Mỹ bằng mọi giá - Tôi tự hỏi rồi sẽ ra sao nếu tôi phải trở về đó. Nhưng nếu tôi phải làm thế thì tôi sẽ không làm nổi. Tôi tự nhủ với mình Ấn Độ không phải là nơi dành cho phụ nữ”.

Sang Mỹ du học năm 2009, nhưng rốt cuộc Abhinanda đã phải bỏ chương trình thạc sĩ, gia nhập quân đội Mỹ chỉ để được ở lại bởi cô không muốn quay về quê nhà.

Cô không phải là người duy nhất. Báo cáo kinh tế Ấn Độ 2018 vừa công bố đầu tháng 3 cho thấy nhiều tiến bộ về kinh tế ở nước này, nhưng tình trạng bất bình đẳng giới vẫn cực kỳ nghiêm trọng. Báo cáo nói Ấn Độ “thiếu” 63 triệu phụ nữ để đạt mức cân bằng giới tính và hiện có 21 triệu bé gái “không được mong muốn”, những đứa con “đẻ thừa” ở các gia đình quyết tâm có bằng được con trai.

Từ năm 1991, khi Ấn Độ tự do hóa (một phần) nền kinh tế, quy mô kinh tế của nước này đã tăng hơn gấp 4 lần, hiện ở mức khoảng 8.000 tỉ USD, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Nhiều chuyên gia tin rằng phát triển kinh tế sẽ giải quyết bình đẳng giới. Các công nghệ rút ngắn thời gian làm việc nhà giải phóng cho phụ nữ, để họ đi học và đi làm. Tuy nhiên, trên thực tế mối quan hệ có thể phức tạp hơn nhiều.

Đó là một hành trình bất lợi với nữ giới từ đầu chí cuối. Ra đời là những đứa con không mong muốn, tỉ lệ tử vong của các bé gái trước 4 tuổi cao hơn nhiều so với các bé trai: Cứ 56 bé trai 0-4 tuổi tử vong thì tới 100 bé gái chết vì các chứng bệnh ở trẻ nhỏ vào những năm 2000. Sự chênh lệch đó hiện thậm chí còn lớn hơn ở những năm 1970, vào khoảng 75-100.

Tiếp đó là cơ hội bình đẳng trong lãnh đạo lĩnh vực kinh tế và phân bổ tài nguyên, một vấn đề trầm trọng ở Ấn Độ, vốn là xã hội gia trưởng truyền thống với nền văn hóa và thái độ xã hội lâu đời là phụ nữ phải ở nhà. Phụ nữ chỉ chiếm 27,2% lực lượng lao động Ấn Độ vào năm 2011 so với mức trung bình toàn cầu 41%.

Đây cũng là con số thấp nhất ở Nam Á và trong các nước G20, chỉ cao hơn Saudi Arabia. Số phụ nữ phải bỏ việc ở Ấn Độ giai đoạn 2004-2012 lên tới 19,6 triệu người. Gần một nửa các bé gái không học được tới cấp III trong năm học 2015-2016, một con số thực sự đáng báo động với nguyên nhân rất đáng buồn.

Sabiha Hussain, giám đốc nghiên cứu phụ nữ ở Tổ chức Jamia Millia Islamia, giải thích vấn đề vệ sinh là nguyên nhân chính dẫn tới việc các bé gái bỏ học: “Các bé gái 14-18 tuổi bỏ học ngay khi tới tuổi dậy thì chủ yếu do thiếu nhà vệ sinh và những nơi kín đáo cho các em ở trường học. Quá nhiều phụ huynh thấy trường học là nơi không an toàn cho con gái họ”.

Một định kiến lâu đời khác cũng ngăn các em tới trường, Sabiha nói với The Times of India: “Hôn nhân trở thành một thách thức lớn với các phụ nữ học cao, vì người ta tin rằng phụ nữ học quá cao sẽ khó tìm được người xứng đôi vừa lứa”.

Là một người trong cuộc, Abhinanda có thể giải thích hay hơn ai hết: “Tôi đã lớn lên với sự chấp nhận rằng tôi phải điều chỉnh lối sống của mình xoay quanh nam giới, những hành vi của họ, bạo lực nơi họ. Chuyện này xảy ra hằng ngày ở Ấn Độ. Phụ nữ bị cưỡng hiếp, tấn công và sát hại dã man, đôi khi ở các thành phố, rất nhiều khi ở những vùng xa xôi chẳng ai biết tới...

Sự áp bức có tính hệ thống và nền văn hóa thiên vị này khiến chỉ thay đổi thôi là không đủ. Ta phải đảo ngược những thiệt hại ta đã gây ra, phải nhìn lại bản thân và đặt ra những câu hỏi khó trả lời hơn: Bollywood và cả xã hội đã đưa ra thông điệp gì cho phụ nữ suốt bằng ấy thập niên? Lịch sử của chúng ta đã dạy cho chúng ta điều gì về nam giới và phụ nữ? Những thiên vị của từng cá nhân chúng ta là gì?”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận